Sài Gòn “loạn” cốt nền: Cần các quy ước đô thị minh bạch

19/03/2010 02:37 GMT+7

Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng (ảnh) - Giám đốc Công ty tư vấn xây dựng Việt Kiến Trúc (V.ARCHI), cũng là tác giả cuốn sách Lang thang phố thị viết về cách quản lý đô thị của nhiều thành phố trên thế giới, đã có cuộc trao đổi với Thanh Niên về vấn đề cốt nền:

- Theo tôi, để chuẩn hóa được vấn đề cốt nền, TP.HCM cần phải thành lập một đơn vị chuyên nghiên cứu, xây dựng bản đồ cốt nền và phổ biến như một văn bản pháp quy chính thức cho các quận, huyện cũng như các cơ quan liên quan đến lĩnh vực xây dựng, các công ty tư vấn thiết kế... Công nghệ LiDAR do Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM đưa ra là một giải pháp quan trọng giúp cho nhiều ngành trong lĩnh vực quản lý đô thị tham khảo. Phần mềm dữ liệu về cao độ của TP này khi hoàn thành phải được xem như tài sản quốc gia, được các đơn vị trong lĩnh vực chuyên ngành và người dân thụ hưởng để áp dụng hiệu quả trong thực tế.

* Ông có thể nói rõ các giải pháp để xây dựng một bộ bản đồ cốt nền chuẩn?

- Sau khi quét không ảnh về độ cao địa hình và xây dựng được phần mềm dữ liệu, phải xây dựng được bản đồ nước triều dâng qua từng thời gian trong năm hoặc dài hơn. Đồng thời phải nghiên cứu xây dựng được bản đồ lượng mưa, tương ứng với việc thể hiện được vùng nào ngập nhiều, vùng nào ngập ít và ngập sâu bao nhiêu... Từ đó sẽ xây dựng được bộ bản đồ dự báo cho tương lai, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tình hình ngập lụt ra sao... TP.HCM trước đây được xây dựng trên một vùng tương đối cao, với độ dốc là 8 độ hướng ra phía biển, nên vấn đề thoát nước tương đối dễ. Tuy nhiên do tình trạng quản lý đô thị manh mún, thiếu khoa học qua nhiều thời kỳ, lại chưa có bộ bản đồ cốt san nền cho từng khu vực nên mới gây ra tình trạng nhà xây dựng lô nhô cao thấp, ngập nước triền miên.

* Ông nhận định thế nào về vấn đề thoát nước theo từng lưu vực và chia ra nhiều phân khu chức năng để có giải pháp quản lý đô thị phù hợp?

- Để giải được bài toán ngập úng, phải quy hoạch cốt san nền cho từng khu vực dựa vào việc phân vùng lưu vực cho hệ thống thoát nước mặt hoặc nước triều. Cụ thể là khu vực nào đổ nước ra sông, khu nào ra kênh rạch và khu nào đổ ra biển. Điều này nhằm để tránh tình trạng hệ thống cống thoát nước của các con đường xương cá bố trí lộn xộn, dòng nước ngược xuôi và chảy loanh quanh dưới cống, không thoát được theo lưu vực khiến gây ra ngập úng. Từ việc phân vùng lưu vực này, chúng ta mới có sự phân bố hệ thống đường giao thông hợp lý. Ví dụ: ở Q.1, hướng thoát nước mặt sẽ đổ ra sông Sài Gòn nhưng ở Q.Bình Thạnh, một phần nước mặt sẽ đổ ra kênh Nhiêu Lộc. Nếu không tính toán vấn đề này, bố trí cốt san nền của nhiều khu vực sẽ mất đi tính hợp lý.

* Các thành phố trên thế giới giải quyết vấn đề cốt san nền như thế nào ?

- Họ thường theo thông lệ: Sau khi phân vùng lưu vực, các chuyên gia sẽ xác định hướng tuyến thoát nước và xác định tuyến giao thông tương ứng. Với cách làm này, lề đường lúc nào cũng sẽ bằng với cốt nền tầng trệt hoặc sân vườn của nhà dân. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng sẽ cấp phép xây dựng dựa vào cốt san nền, vách mặt tiền đường (tùy thuộc vào dạng nhà hợp khối hoặc nhà rời nhau) hoặc vật liệu xây dựng mà chủ nhà sử dụng... Các hệ thống hạ tầng khác của ngôi nhà cũng sẽ được cập nhật như điểm đấu nối điện nước, hệ thống cứu hỏa, vị trí đặt bảng số nhà, vị trí cây xanh. Một vấn đề vô cùng quan trọng là các cơ quan quản lý thành phố đều ban hành các quy ước đô thị minh bạch và thường căn cứ vào đặc thù của từng đô thị. Từ đó người dân sẽ xác định rõ ràng về mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, có cách ứng xử nhân văn với lề đường và cảnh quan khu vực.

17 giải pháp

GS-TS Lê Huy Bá - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (ảnh) - đã gửi đến Thanh Niên 17 giải pháp cụ thể về vấn đề cốt nền và chống ngập trong bối cảnh biến đổi khí hậu:

1) Khi quy hoạch đô thị (đô thị hóa), nhất là đô thị "bán ngập triều" như TP.HCM, trước hết phải quy hoạch hệ thống thoát nước mưa, nước thải, chống ngập mưa và ngập triều, theo quy mô dân số. Khi xây dựng đô thị mới, phải xây dựng cơ sở hạ tầng, (điện, điện thoại, cấp thoát nước, đường... ) mà trước nhất là hệ thống thoát nước.

2) Cấm tuyệt đối san lấp sông, kênh rạch và vùng trũng, nội và ngoại thành.

3) Nạo vét thường xuyên hoặc định kỳ sông và các hệ thống kênh rạch, mức nạo vét ít nhất bằng kích thước kênh rạch trước khi bị bồi lấp, lấn chiếm.

4) Cải tạo hệ thống cống thoát nước hiện hữu:

- Nơi đô thị mới mở, không nối thêm ống cống vào các đường cống cũ, để nó phải nhận thêm lượng thải quá dung tích lưu vực.

- Xây dựng các đoạn cống thoát nước mới, bên cạnh các đoạn cống thoát nước quá tải, có đường kính 1,5 - 3m, tùy đoạn. Cuối đoạn cống mới này lắp van một chiều để chủ động thoát nước tự chảy; hoặc thay vào đoạn cống mới là một hồ điều hòa dạng chìm ở những nơi có điều kiện địa hình cho phép.

Hiện nay, TP đang thi công các hệ thống cống lớn là hướng đi đúng, vừa kết hợp xử lý nước thải vừa tạo bể chứa tạm lượng nước ngập, trước khi đổ ra sông Sài Gòn, giống như một hồ điều hòa vậy.

5) Đối với vùng thấp ngoại thành: Xây dựng hồ điều hòa dạng chìm để chứa lượng nước chưa kịp tiêu thoát, sau đó khi triều rút thoát nước tự chảy. Có thể xây dựng ở Q.12, H.Hóc Môn, H.Bình Chánh, Q.7; khu vực tiếp giáp Phú Mỹ Hưng, H.Nhà Bè; Q.9 (vùng bưng 6 xã), Q.Thủ Đức (bưng cạnh Làng Đại học) mỗi quận một hồ có dung tích 200m x 200m x 5m = 400.000m3 tiếp nhận nước ngập và dần biến thành hồ sinh thái, công viên.

6) Tăng cường hệ thống thoát nước mưa trực tiếp ra sông Sài Gòn không cho đi qua trung tâm Q.1, Q.3, từ từng tiểu lưu vực nội thành.

7) Hoàn chỉnh quy hoạch về thoát nước đô thị, dựa trên nguyên lý cân bằng nước lưu vực, tiểu lưu vực.

8) Thể chế hóa về mức thưởng, phạt, đánh thuế thật nặng, đủ sức răn đe có liên quan tới thoát nước đô thị.

9) Tìm hiểu khả năng đào một kênh vành đai đủ lớn từ sông Sài Gòn, Q.12 qua H.Hóc Môn, về Bình Chánh, ra sông Chợ Đệm để tiêu nước khu vực nửa phía bắc và tây bắc thành phố.

10) Nạo vét, mở rộng sức chứa của các hồ trong công viên Hoàng Văn Thụ, Kỳ Hòa thành hồ sinh thái - điều hòa.

11) Không nên bê tông hóa vỉa hè, mà cố gắng tối đa cho nước mưa thấm xuống lớp nước thổ nhưỡng, giữ độ ẩm cho cây và tăng lượng nước dưới đất. Nơi nào có vỉa hè rộng, nên tạo thảm cỏ hay mảng xanh, vừa tăng tính thẩm mỹ sinh thái vừa tạo cơ hội cho nước thấm, giảm ngập.

12) Mỗi nhà nên xây mái bằng, trên đó nên có bể chứa nước mưa. Nếu mỗi nhà có một bể 10m3, thì cả thành phố có thể chứa khoảng 10 triệu m3, vừa có nước sạch để dùng, vừa chống ngập mùa mưa, làm mát mùa khô.

13) Chống ngập cục bộ bằng cách khoan giếng bổ cấp nước mưa, ngập xuống tầng nước dưới đất (xuống độ sâu 40-50m). Tuy nhiên phải có công trình nghiên cứu, chọn điểm, chọn tầng nước cần bổ cấp.

14) Chống ngập tình thế bằng cách đặt các máy bơm đủ công suất cho những vùng trũng cục bộ, bơm thẳng ra sông Sài Gòn, sông Nhà Bè...

15) Hạn chế tối đa đô thị hóa nhà cao tầng ở trung tâm các quận 1, 3, 5 và vùng đông nam TP, nếu cần phải xây thì trước hết phải tính khả năng chịu tải lưu vực.

16) Thận trọng, xem xét thật kỹ khi làm những con đường cản trở thoát lũ, thoát triều, chỉ nên làm đường kiểu "cầu cạn" nơi bưng trũng.

17) Thận trọng, xem xét thật kỹ khi quyết định đắp đê chống ngập.

Trần Thanh Bình (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.