Sài Gòn thi công… mù - Bài cuối: GISC - Ánh sáng cuối đường hầm?

21/03/2009 01:14 GMT+7

GISC là tên viết tắt của Trung tâm Ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TP.HCM, được thành lập vào năm 2004 và hiện đang được UBND TP giao nhiệm vụ lập dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu GIS các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm của TP. Dường như đến lúc này đã có "ánh sáng cuối đường hầm" cho tình trạng thi công mù, vấn đề chỉ còn là thời gian.

 Mời nghe đọc bài

Theo tiến sĩ Tô Văn Trường, chuyên gia Tài nguyên nước và môi trường - tình trạng mạng lưới công trình kỹ thuật ngầm lộn xộn, chằng chịt như hiện nay ngoài nguyên nhân do lịch sử để lại còn do  quy hoạch của các ngành, địa phương thiếu đồng bộ, dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm, nay đào mai lấp. Do không có "nhạc trưởng" phụ trách điều phối các công trình, không có sự phối hợp, theo dõi kết quả thực hiện nên ngay cả cơ quan chủ quản cũng rất lơ mơ trong việc quản lý công trình ngầm của mình.

Để giải quyết bài toán này thì Nhà nước phải thống nhất trong quy định quản lý công trình ngầm, đồng thời cần chú trọng đến việc xây dựng hào kỹ thuật (tuynel) trên mỗi tuyến đường. 
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lê Mạnh Hà

Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty điện lực TP Vũ Thế Cường thì cho rằng  các công trình ngầm của ngành điện trên địa bàn TP được xây dựng trong nhiều giai đoạn khác nhau, nhưng sau khi được xây dựng hoàn tất đều có bản vẽ hoàn công thể hiện hướng tuyến, độ chôn sâu so với mặt đường, mặt cắt tại các vị trí có giao cắt công trình ngầm khác.

Tuy nhiên, ông Cường nói: "Trải qua hàng chục năm từ lúc được lập bản vẽ hoàn công, có thể có một số dấu mốc trên thực tế của công trình ngầm so với bản vẽ đã thay đổi hoặc bị mất nên việc xác định vị trí không chính xác".

Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP.HCM thì cho biết, đến nay TP.HCM vẫn chưa có bản đồ công trình ngầm của ngành viễn thông. Một vài đơn vị hoạt động lâu năm thì may ra họ có được bản đồ công trình mình quản lý, còn các đơn vị mới thành lập và ở cấp TP hiện vẫn chưa có.

Và bản đồ của đơn vị có được cũng còn rất sơ sài, chưa thể hiện hết vị trí, tọa độ, quy mô nhiều công trình ngầm. Thậm chí, đơn vị sở hữu nhiều cáp nhất hiện nay là Viễn thông TP vẫn "chưa nắm được hết cáp của mình nằm ở đâu".

Không thể thiếu tuynel kỹ thuật

Ông Phan Phùng Sanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Khoa học Kỹ thuật xây dựng TP.HCM, rất bức xúc khi trao đổi với PV Thanh Niên về tình trạng các nhà thầu đang phải thi công mù vì thiếu thông tin về công trình ngầm. Một trong các giải pháp cho "mê hồn trận" này - theo ông Sanh - là cần phải tiến tới xây dựng hệ thống tuynel kỹ thuật (hào kỹ thuật) dùng chung cho nhiều ngành, chấm dứt tình trạng mạnh ai nấy làm, vừa tốn kém vừa gây trở ngại cho sinh hoạt người dân.

Khi có cơ sở dữ liệu chung của 4 ngành cấp nước, thoát nước, điện lực và viễn thông sẽ tránh xảy ra chuyện ngành này đào đường đụng phải công trình ngầm của các ngành kia.
Phó giám đốc GISC Phạm Quốc Phương

Theo ông Lê Mạnh Hà, phương án quản lý công trình ngầm bằng hào kỹ thuật đã được Sở TT-TT đề xuất rất nhiều lần. Thế nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. "Khi anh làm một con đường thì không chỉ làm hạ tầng cho điện, nước mà cần phải tính cho điện, viễn thông... Rất tiếc, ngay cả vấn đề quy hoạch về viễn thông hiện cũng không được đưa vào trong nghị định quy hoạch xây dựng. Minh chứng là hiện nay quy hoạch tại nhiều khu đô thị vẫn không có phần quy hoạch viễn thông, mà phần viễn thông hiện chiếm tỷ lệ rất lớn trong hệ thống cáp, thậm chí lớn hơn phần điện", ông Hà nhận định.

Việc không tính tới hệ thống hào kỹ thuật cho các công trình mới sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng thi công mù. Đơn cử như tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi nếu trước đây TP thiết kế hệ thống hào kỹ thuật chung trước thì sẽ không phải rối như bây giờ. Hay ở dự án Vệ sinh môi trường (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè), lẽ ra trước khi thi công TP phải tính toán đến hệ thống cáp viễn thông, kể cả điện đi theo các đường cống thoát nước.

Hy vọng ở "nhạc trưởng" GISC

GISC là tên viết tắt của Trung tâm Ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý thuộc Sở KH-CN TP.HCM, được thành lập vào năm 2004 và hiện đang được UBND TP giao nhiệm vụ lập dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu GIS các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm của TP.

 
Một đoạn đại lộ Đông Tây vướng ống cấp nước nên không thể thi công nền đường

Tiếp xúc với chúng tôi, Giám đốc GISC, ông Nguyễn Khắc Thanh, cho biết vào đầu năm 2009, GISC đã công bố cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin địa lý nền TP.HCM, nhưng đây mới là cơ sở dữ liệu trên mặt đất, còn cơ sở dữ liệu hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm thì hiện nay UBND TP đã có chủ trương thực hiện dự án. "Nếu trong năm nay dự án này được duyệt thì năm 2010 sẽ bắt đầu triển khai", ông Thanh cho nói.

Sở KH-CN TP cho biết sẽ sẵn sàng chuyển giao cho các sở, ban ngành, quận - huyện sử dụng vào mục đích quản lý đô thị, quy hoạch và các lĩnh vực khác. Hiện nay các lớp thông tin về các công trình hạ tầng kỹ thuật của TP như cấp thoát nước, điện lực và viễn thông chưa được xây dựng trên một nền dữ liệu thống nhất, mà có thể nằm rải rác ở các đơn vị khác nhau, hoặc thông tin chưa đầy đủ, hoặc hoàn toàn chưa có.

Nhiệm vụ của GISC là sẽ tập hợp, khảo sát, bổ sung, cập nhật và tích hợp các lớp thông tin này trên một nền GIS cơ bản, thống nhất, nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý và quy hoạch ngầm hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật của TP.

Ông Phạm Quốc Phương, Phó giám đốc GISC thông tin, dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu GIS sẽ cập nhật dữ liệu của tất cả các hệ thống công trình ngầm. Nội dung của dự án là xây dựng cơ sở dữ liệu không gian 3 chiều về các công trình ngầm hiện hữu của các ngành. Chẳng hạn như ngành thoát nước sẽ có cơ sở dữ liệu về cống thoát nước và hệ thống các hố ga; ngành cấp nước sẽ có dữ liệu về loại ống, kích thước; ngành bưu chính viễn thông sẽ có dữ liệu về hệ thống cáp ngầm; ngành điện lực cũng vậy...

Theo đánh giá của GISC, đây là công việc rất phức tạp và sẽ tốn nhiều thời gian, nhưng khi hoàn thành, hệ thống thông tin địa lý các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm sẽ giúp ích rất nhiều trong công tác quản lý đô thị, nhất là đối với việc triển khai các dự án có liên quan đến đào đường lắp đặt các công trình ngầm mới sau này.

Khoảng cuối tháng 3 này hoặc trong tháng 4 tới, GISC sẽ có cuộc họp với các ngành để bắt đầu triển khai thực hiện việc lập dự án. Hiện các ngành cũng đã có hệ thống cơ sở dữ liệu của mình dù chưa hoàn chỉnh, như Tổng công ty cấp nước Sài Gòn đã có hệ thống SawaGis; Công ty điện lực TP cũng đang nghiên cứu ứng dụng công nghệ hệ thống thông tin địa lý (GIS) để quản lý, cập nhật tọa độ các công trình đầu tư xây dựng và cải tạo lưới điện trên bản đồ kỹ thuật số; bưu điện cũng có hệ thống tương tự...

Kiến nghị thành lập tổ di dời công trình ngầm

Ngày 20.2, Sở GTVT TP.HCM có văn bản kiến nghị UBND TP thành lập tổ di dời công trình ngầm để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thi công 3 dự án xây dựng hệ thống thoát nước sử dụng vốn ODA: Vệ sinh môi trường (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè), Cải thiện môi trường nước, Nâng cấp đô thị. Tổ công tác này có trách nhiệm họp giao ban 1 tuần/lần để giải quyết các vướng mắc trong việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Đ.Mười

Mai Vọng - Nguyễn Đình Mười - Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.