Về ý tưởng chương trình, đạo diễn Hà Thanh Hoàng cho biết, ngay từ khi thực hiện sân khấu cho chương trình Những ca khúc vượt thời gian (do Sở VHTT và Công ty tổ chức biểu diễn nghệ thuật thực hiện), anh đã liên tưởng đến sự kết hợp này. Bởi theo anh, những ca khúc xưa vốn đã có giá trị riêng của nó, và việc gìn giữ là đương nhiên. Nhiều ca sĩ trẻ bây giờ cũng thể hiện lại dòng nhạc này, và ít nhiều đã nhận được sự cổ vũ của khán giả.
Vậy thì tại sao không thể có sự hoán đổi, khi để những ca sĩ xưa hát ca khúc nay, những sáng tác mới của các nhạc sĩ trẻ. "Tất nhiên, khi dùng từ nhạc trẻ để đưa vào chương trình, chúng tôi -những anh em văn nghệ của Sài Gòn xưa và nay - cũng sẽ có những tiêu chí để chọn cho phù hợp, đúng chất. Mới, trẻ nhưng không lôm côm, dễ dãi. Vài tác giả được đưa vào mảng "nay" là những Việt Anh, Quốc Bảo, Võ Thiện Thanh, Vũ Quốc Việt...".
Theo tính chất chương trình, từ hình thức cho đến nội dung đều xen kẽ cũ và mới, xưa và nay. Trên sân khấu sẽ có biểu tượng của Nhà hát Thành phố, với 2 phần xưa và nay; ca sĩ cũng gồm những gương mặt của 2 thế hệ và có thể nhiều hơn nữa; đảm trách khâu hòa âm là 4 nhạc sĩ: Duy Cương, Quốc Dũng (xưa), Kim Tuấn, Quang Phúc (nay); sẽ có một dàn nhạc điện tử và một ban nhạc dân tộc; cả MC cũng thế - một thuộc lớp người xưa và một đại diện hôm nay.
Theo đạo diễn, không chỉ là cuộc xếp hàng của các ca sĩ mà hòa trong chương trình vừa có những clip minh họa, clip dẫn dắt vào từng ca khúc, cùng với MC, rồi giao lưu với các ca sĩ, nhạc sĩ...
Nói về sự chuẩn bị cho số ra mắt của Sài Gòn xưa và nay, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Phần, Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen cho biết, hiện nay, những người thực hiện đang gấp rút chuẩn bị để chương trình đầu tiên (ngày 12.4) sẽ thật sự tạo được ấn tượng với người xem. Đạo diễn Hà Thanh Hoàng thì phấn khởi: "Cũng có đơn vị đặt vấn đề về việc khai thác phần hình, nhưng để xem phản hồi của khán giả thế nào, và cả những góp ý của anh em trong nghề. Trước mắt mình cứ làm cho tốt đã!".
Nguyên Vân
Bình luận (0)