Sai phạm đất đai ở Phan Thiết: Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nói gì?

Quế Hà
Quế Hà
02/06/2019 10:00 GMT+7

Trả lời phỏng vấn của PV Thanh Niên , ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận, cho biết Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy vào cuộc kiểm tra những sai phạm đất đai ở TP.Phan Thiết.

Xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của PV Thanh Niên vào chiều tối 30.5, nói về kết luận các sai phạm trong quản lý đất đai, quy hoạch tại TP.Phan Thiết, Bí thư Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định trước hết thuộc về trách nhiệm của Thành ủy, HĐND và UBND TP.Phan Thiết, các xã phường có liên quan. Sau đó là trách nhiệm của Sở TN-MT Bình Thuận.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đã trao đổi với Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Phan Văn Đăng, và chỉ đạo cơ quan này phải vào cuộc sớm để xử lý cán bộ đảng viên có sai phạm.
“Những sai phạm này về quản lý nhà nước sẽ xử lý. Nhưng song song với đó phải xử lý về mặt Đảng. Đó là xử lý các tổ chức đảng, các cá nhân vi phạm. Vì vậy, UBKT nên thành lập một tổ công tác vào cuộc ngay. Đến khi cơ quan nhà nước xử lý xong, thì UBKT cũng xử lý kịp thời. Sau khi thường trực thống nhất việc này thì UBND tỉnh đã gửi hồ sơ cho UBKT ngay rồi", ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm: "Tôi mới kiểm tra hôm qua (ngày 29.5) thì Chủ nhiệm UBKT báo cáo đã thực hiện đúng tiến độ. Tôi cũng đề nghị không chỉ căn cứ vào kết luận thanh tra mà UBKT sẽ yêu cầu các tổ chức, cá nhân sai phạm báo cáo riêng để xem xét lỗi chủ quan, lỗi khách quan. Tức là phải có một bộ hồ sơ riêng. Đảm bảo việc xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên một cách chính xác, nghiêm minh và tránh các khiếu nại về sau".
Khu dân cư tự phát ở TP.Phan Thiết, Bình Thuận Ảnh: Quế Hà

Điều chỉnh lỗ hổng tách thửa, nhập thửa

Về các sai phạm tách thửa, nhập thửa để chuyển đổi quyền sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở, xây dựng hàng loạt khu dân cư tự phát mà kết luận thanh tra đã nêu, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói: “Việc tách thửa, nhập thửa, người ta có quyền xin tách thửa những lô đất phía sau đường đi. Sau đó lại gộp với các thửa phía trước có đường đi để tạo giá trị cao. Nguyên tắc là nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật quy định, không được nghĩ ra thêm. Còn công dân thì được phép làm những gì mà pháp luật không cấm. Những lỗ hổng này phải được tính toán điều chỉnh”. 
Một khách sạn bỏ hoang gần 10 năm tại Khu Long Sơn - Suối Nước (P.Mũi Né, TP.Phan Thiết) Ảnh: QUẾ HÀ
Như Thanh Niên đã phản ánh, kết luận thanh tra do Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Ngọc Hai ký đã xác định hàng loạt sai phạm nghiêm trọng về đất đai, quy hoạch đô thị ở TP.Phan Thiết.
Từ năm 2016 đến tháng 9.2018, với “chiêu trò” tách thửa, hợp thửa đất nông nghiệp, các đơn vị quản lý đất đai của Sở TN-MT và UBND TP.Phan Thiết đã tự ý che giấu thông tin vị trí các thửa đất. Đất vị trí 1 thì khai báo vị trí 5 để được nộp tiền sử dụng đất 0 đồng. Chỉ riêng 5 trường hợp mà đoàn tranh tra tiến hành thanh tra, đã phát hiện thất thoát tiền đất của nhà nước 6 tỉ đồng.
Ngoài ra, đoàn thanh tra còn phát hiện hàng chục héc ta đất được chia lô, chuyển nhượng trái phép, gây thất thoát tiền sử dụng đất của nhà nước. Các sai phạm này thuộc về Sở TN-MT Bình Thuận, UBND TP.Phan Thiết và UBND các xã Tiến Lợi, Thiện Nghiệp và Phong Nẫm.

Sẽ thu hồi các dự án chậm tiến độ và bỏ hoang

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận do tác động từ dự án sân bay Phan Thiết tạo nên những cơn “sốt đất ảo” ở khu vực xã Thiện Nghiệp.
Nêu quan điểm của mình về các dự án đất đai kéo dài trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, ông Hùng cho rằng thời gian qua, các cơ quan chưa có các chế tài, xử lý các dự án chây ì, hoặc chưa hội đủ các yếu tố pháp lý nhưng đã bán đất. “Đến một thời gian nào đó, nếu anh không hoàn thành dự án mà không có lý do chính đáng thì phải thu hồi dự án thôi”, ông Hùng nói.
Về hướng xử lý các dự án chây ì, ông Nguyễn Mạnh Hùng định hướng: “Thứ nhất là phải cảnh báo sớm, sau đó yêu cầu họ cam kết và phải thường xuyên kiểm tra tiến độ. Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng suôn sẻ hết được. Dù thông cảm thì cũng chỉ đến mức nào đó là phải xử lý".
"Chúng tôi đang chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể Thao - Du lịch rà soát lại các dự án thuộc diện xây thô xong rồi bỏ hoang. Cái này do khủng hoảng kinh tế các năm trước nên doanh nghiệp đã hết tiền. Dù có công ty đã phá sản thì mình cũng phải giải quyết để thu hồi lại đất đai chứ. Nếu không thì họ cũng phải chuyển cho chủ đầu tư khác làm chứ đâu bỏ hoang như thế được.
Còn nếu anh không bán, không chuyển nhượng thì đến lúc nào đó Bình Thuận sẽ bán các dự án đó và công bố, công khai rõ ràng. Bán đi để thu hồi tiền đất mà bao năm nay anh không nộp cho tỉnh, còn lại thì trả cho doanh nghiệp đã đầu tư. Làm thế để cho nhà đầu tư mới phát triển dự án mà tỉnh lại thu được tiền đất", ông Hùng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.