“Sâm Ngọc Linh” ở Tây Giang-Quảng Nam chỉ là cây thuốc hoang trong rừng.

27/04/2005 15:36 GMT+7

Sau khi TTX Việt Nam đưa tin về việc ông B’lúp Hon ở thôn Rờ B’hượp (xã A Tiêng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) phát hiện “bãi sâm Ngọc Linh” trong rừng, (trong đó có củ nặng đến 5 kg) và sau đó báo Thanh Niên số ra ngày 25/4 có trích dẫn lại, nhiều đơn vị, cá nhân trong nước rất quan tâm.


Trước thông tin này, ngày 25/4 ông B’riêu Liếc, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang đã đưa đoàn đến tận nơi khảo sát. Theo đó, tuy thân và lá cây này khá giống sâm Ngọc Linh nhưng củ có màu trắng vàng, vị không đắng như sâm Ngọc Linh. Đáng lưu ý , khi ông B’riêu Liếc và một người trong đoàn nhai thử loại củ này liền bị ngứa miệng như nhau, suốt hơn một tiếng đồng hồ chưa hết ngứa!

Ông B’riêu Liếc còn cho biết, năm 2000- 2002, Viện Dược liệu học Hà Nội có cuộc điều tra và đã phát hiện loại cây hoang dại này tại Tây Giang. So sánh, ông B’riêu Liếc nghĩ đây có thể là cây thuốc “một hoa bảy lá” đã được ghi trong sách Cây thuốc Việt Nam của GS Đỗ Tất Lợi. Ông khẳng định: “Nơi anh em ông B’lup phát hiện và trồng loại cây này chỉ ở độ cao 600m. Dứt khoát đây không là cây sâm Ngọc Linh, do sâm Ngọc Linh chỉ sống được ở vùng núi cao từ 1.300m trở lên so với mực nước biển. Hiện huyện Tây Giang có di thực trồng 2 vườn sâm Ngọc Linh ở độ cao từ 1350m trở lên”.

Đặng Ngọc Khoa

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.