Tưởng là sâm, nào ngờ...
Một trong những loại sâm đang được nhiều người tìm mua là sâm đỏ nguyên củ (còn gọi là hồng sâm). Vì vậy rất nhiều cửa hàng bán sâm tự nhận mình là đại lý độc quyền phân phối sâm đỏ Hàn Quốc. Thế nhưng giá bán ở các “đại lý độc quyền này” mỗi nơi mỗi khác, khiến người tiêu dùng không biết đâu mà lần.
Anh Thành, nhà ở quận Phú Nhuận, kể: Vào dịp cuối năm 2004, anh đi tìm mua sâm làm quà cho người cha đã hơn 80 tuổi. Sau một ngày rảo quanh khu vực đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, anh quyết định mua một bình sâm tươi nguyên chất, loại 2.000 cc, giá 2,4 triệu đồng có nguyên một củ sâm to với đầy đủ các chi như hình người. Đinh ninh rằng mình đang dùng sâm quý, mỗi ngày ông cụ chỉ uống một chung nhỏ. Khi hết rượu, ông lôi củ sâm ra khỏi chai thì từng đoạn củ cũng như các chi tự đứt rời ra. Quá ngạc nhiên, anh Thành đem những mảnh củ sâm đi hỏi một người quen am hiểu về sâm thì mới “tá hỏa” rằng củ sâm anh mua 2,4 triệu đồng thực chất chỉ là rễ cây đinh lăng được trồng lâu năm nên có hình dáng và màu sắc na ná củ sâm. Để đánh lừa người mua, người bán đã khéo léo cột từng nhánh củ lại cho giống hình nhân khiến anh Thành đã mua nhầm.
Trường hợp mua sâm của chị Hồ Thị Lan ở ấp 3, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn còn “đau” hơn. Chị kể: Cách đây vài tháng, chị mua giúp người quen một hộp sâm đỏ dạng nguyên củ, loại 75g với giá 820.000 đồng tại một cửa hàng bán sâm trên đường 3 Tháng 2, quận 10. Thấy hộp sâm có bao bì khá đẹp lại được niêm kỹ như những hộp sữa bột nên chị yên tâm, không mở bao bì ra xem. Chỉ vài ngày sau, người quen đem hộp sâm lại cho chị xem sản phẩm mà chị mua giúp chỉ là mấy cọng rễ đu đủ phơi khô nằm còng queo trong chiếc hộp thiếc có vỏ ngoài rất bắt mắt. Quá bức xúc, chị đem “sâm” đến cửa hàng đã mua để “mắng vốn”. Người bán chối bỏ trách nhiệm đã bán hàng cho chị và còn lớn tiếng thách thức cho chị mở tất cả các hộp sâm tương tự loại chị mua đang bày bán ở cửa hàng với điều kiện nếu giả họ sẽ đền tiền cho chị, còn nếu thật thì chị phải mua tất cả. Thấy mình không thể “chọi” được với kiểu buôn bán gian dối này, chị và người quen đành bực tức bỏ về.
Giá cả “mê hồn trận”
Trong vai người tiêu dùng, chúng tôi khảo sát một số khu vực có nhiều cửa hàng bán sâm hoạt động. Điều ngạc nhiên là rất nhiều cửa hàng giăng bảng khẳng định mình là đại lý độc quyền sâm đỏ Hàn Quốc. Giá bán chênh lệch rất cao. Tại một cửa hàng trên đường Trương Định, quận 3, một hộp sâm củ 75g, giá bán 940.000 đồng nhưng trong siêu thị Diamond Plaza giá lên tới 1,5 triệu đồng. Khi chúng tôi đặt vấn đề mua loại sâm đỏ hiệu Cổng Thành loại 450g thì một cửa hàng trên đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5 ra giá 430.000 đồng, nhưng đến một cửa hàng khác trên đường 3 Tháng 2, quận 10 giá bán 600.000 đồng. Để làm tin, có nơi còn đưa ra một cục sâm màu đen nói là hàng Trung Quốc để người mua đối chiếu. Ngoài mặt hàng sâm củ, các loại sâm nước, rượu sâm, sâm lát, sâm viên, trà sâm... cũng tha hồ tung hoành về giá cả và mặc sức quảng cáo về chất lượng.
Cứ như thế, trong vòng một ngày trời dạo quanh các cửa hàng bán sâm, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì giá cả rất khác biệt nhau và chất lượng thật của sâm chỉ có người bán mới biết còn người mua bình thường thì cứ như lạc vào “mê hồn trận”, chẳng phân biệt được đâu là giả đâu là thật. Cho nên chuyện đụng hàng “dỏm” như trường hợp anh Thành, chị Lan kể trên quả là không lạ.
Theo tài liệu y học phương Đông, có 2 loại sâm quý là hồng sâm và bạch sâm. Củ hồng sâm đạt chất lượng phải có trọng lượng tối thiểu từ 37g trở lên và có những bộ phận giống như hình người. Bạch sâm cũng giống như hồng sâm, có thể nhẹ hơn 37g và có những khiếm khuyết ở những chi, nhánh, nhưng cũng mang dáng vóc hình người. Thế nhưng trên thực tế nhiều hộp sâm đang bày bán chỉ có trọng lượng từ 30g đến 150g nhưng có tới cả chục củ sâm nhỏ. Nếu cứ đối chiếu với trọng lượng thì loại sâm này đã không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Trong chuyến đi công tác tại Hàn Quốc vừa qua, chúng tôi có dịp dạo một vòng các cửa hàng bày bán sâm ở chợ Nam Deamoon, thủ đô Seoul. Biết chúng tôi là người nước ngoài có nhu cầu mua sâm, những người bán cũng “hét” giá cao mà nếu như “lớ ngớ”, người mua bị lọt bẫy như chơi. Cũng là sâm củ tươi cất giữ trong tủ lạnh nhưng sâm 6 năm tuổi có giá bán 100 USD/kg, trong khi đó sâm 3 năm tuổi chỉ có giá 60 USD/kg, mà không phải ai cũng phân biệt được đâu là sâm 6 tuổi, đâu là sâm 3 tuổi. Loại sâm “bắt mắt” khách du lịch nhiều nhất là sâm tẩm mật ong. Mỗi hộp sâm loại này đều được đóng trong nhiều gói nhỏ cẩn thận. Để chào hàng, người bán sẵn sàng xé vài bịch nhỏ ra tiếp thị cho khách dùng thử. Từng củ sâm nhỏ được tẩm mật rất ngọt, ăn khá ngon, nhưng theo người dân bản xứ ở đây mách nhỏ thì sâm tẩm mật ong chỉ là những nhánh nhỏ của củ sâm không đủ tuổi, những sâm loại này không trữ được lâu nên nhà vườn đành bán với giá bèo để chế biến dưới dạng tẩm mật ong. Nhưng do sự tiện lợi của nó mà sâm dạng này mặc dù chẳng bổ béo gì vẫn được bán giá rất cao (30 USD/bịch 200g). Trà sâm cũng là một sản phẩm được nhiều người chọn mua vì tính tiện lợi của nó. Tương tự như sâm tẩm mật ong, trà sâm được đóng từng gói nhỏ và ngay tại xứ sở của sâm thì họ vẫn dùng hương liệu là chủ yếu. Sâm hộp được bán với giá khá cao từ 35 USD đến 55 USD/hộp 450g. Thường thì những người bán nói thách khoảng từ 10% đến 15% giá trị món hàng, người mua phải trả giá nhiều lần nếu không sẽ dễ dàng mua nhầm giá cao. |
Theo Ngọc Mai
(Báo Người Lao Động)
Bình luận (0)