Với ưu thế vượt trội, lực lượng phòng vệ Nhật Bản có thể xem như một samurai khổng lồ, nên việc nước này cho phép binh sĩ tham chiến ở nước ngoài sẽ tác động lớn đến địa chính trị châu Á - Thái Bình Dương.
DDH-183 là tàu sân bay thực thụ của Nhật Bản - Ảnh: Yamada Taro
|
Cường quốc tàu sân bay
Cuối tháng trước, truyền thông quốc tế rầm rộ đưa tin Nhật Bản chính thức hạ thủy tàu khu trục chở máy bay trực thăng lớp Izumo đầu tiên mang tên JS Izumo (DDH-183). Tên gọi tàu khu trục chở máy bay trực thăng khiến cho lớp Izumo nghe có vẻ “tầm thường”, nhưng thực chất thì đó là một tàu sân bay hiện đại có thể mang theo 14 máy bay các loại.
Với chiều dài 248 m, JS Izumo thừa sức trở thành căn cứ nổi để dòng chiến đấu cơ F-35B hoạt động, vốn có khả năng cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng. Cho nên, chiếc JS Izumo kết hợp cùng F-35B sẽ trở thành một tàu sân bay đích thực, uy lực có thể vượt xa hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc. Đó là vì tàu sân bay Trung Quốc vốn khá cũ kỹ từ thập niên 1980 và Bắc Kinh dự kiến sử dụng cùng chiến đấu cơ J-15 vẫn chưa hoàn thiện.
|
Đâu chỉ có tàu sân bay, Nhật Bản còn sở hữu đến 4 khu trục hạm lớp Akizuki có độ choán nước gần 7.000 tấn. Đây được xem là loại tàu khu trục tối tân hiện nay, được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại như khu trục hạm lớp Arleigh Burke của Mỹ. Vì thế, giới chuyên gia nhận định Akizuki chính là tàu khu trục trang bị hệ thống phòng thủ Aegis phiên bản Nhật. Thậm chí, lớp tàu này còn sở hữu hệ thống điện tử hiện đại không thua kém “siêu chiến hạm” Zumwalt mà Mỹ đang phát triển.
Lực lượng tàu ngầm của Nhật Bản cũng thể hiện nhiều ưu điểm về khả năng tác chiến cực êm, kết hợp cùng hỏa lực mạnh mẽ.
Mạnh toàn diện
Tương tự Lực lượng phòng vệ biển (JMSDF), Lực lượng phòng vệ trên không (JASDF) và mặt đất (JGSDF) của Nhật cũng sở hữu hàng loạt vũ khí hiện đại.
Cụ thể, theo thông tin do Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố, JASDF năm nay đã chi tiền mua F-35 và đơn đặt hàng đầu tiên gồm 6 chiếc. Đó chỉ là khởi đầu bởi tổng số F-35 do Nhật đặt mua lên đến hơn 40 chiếc. Thậm chí, theo nhiều nguồn tin, Tokyo sẽ sớm được nhượng quyền để sản xuất loại chiến đấu cơ này. Điều đó hoàn toàn có thể khi nhiều năm qua, Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi (Nhật Bản) đã tự sản xuất dòng chiến đấu cơ F-2 được phát triển từ dòng F-16 của Mỹ, và Tokyo đang sở hữu khoảng 60 chiếc loại này, và nâng cấp hơn 100 chiếc F-15. Đáng kinh ngạc hơn, Mitsubishi còn đang thực hiện kế hoạch chế tạo chiến đấu cơ F-3 ngang ngửa với dòng F-22 của Mỹ.
Ngoài ra, JASDF còn có nhiều loại máy bay tối tân khác. Trong đó, JASDF là lực lượng duy nhất sở hữu dòng máy bay săn ngầm Kawasaki P-1 ngang tầm với dòng P-8 Poseidon của Mỹ. Tokyo cũng đã trở thành khách hàng đặt mua dòng máy bay đa nhiệm V-22 Osprey.
Tương tự, JGSDF đang sở hữu loại xe tăng hạng nặng Type-10 được đánh giá thuộc nhóm “anh cả” hiện nay. Điểm nổi bật của Nhật Bản không chỉ sở hữu vũ khí hiện đại mà còn là việc làm chủ hầu hết công nghệ chế tạo những vũ khí đó, chứ không lệ thuộc như nhiều quốc gia khác.
Định hình liên minh
Bên cạnh chương trình hiện đại hóa quốc phòng bài bản, Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe cũng vạch rõ con đường đẩy mạnh hợp tác với một số nước để hình thành “liên minh kim cương”. Ngay từ khi vừa quay lại giữ chức Thủ tướng Nhật Bản, vào cuối năm 2012, ông Abe đã có bài đăng trên chuyên trang phân tích chính trị kinh tế Project Syndicate để nhấn mạnh chiến lược trên.
Cụ thể, ông viết: “Tôi đã phát biểu tại Ấn Độ về sự cần thiết đối với việc nước này và Nhật Bản cùng nhau gánh vác trách nhiệm nhiều hơn để đảm bảo an ninh hàng hải xuyên suốt từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương. Đối với Nhật Bản, không có gì quan trọng hơn việc tái đầu tư cho liên minh với Mỹ. Úc, Ấn Độ, Nhật Bản cùng bang Hawaii của Mỹ tạo thành một “liên minh kim cương” để bảo vệ cho cộng đồng hàng hải trải dài từ Ấn Độ Dương đến tây Thái Bình Dương. Tôi chuẩn bị đầu tư với mức tối đa cho khả năng của Nhật trong “liên minh kim cương” này”.
Chiến lược này thực sự vẫn đang được Tokyo theo đuổi, thậm chí còn mở rộng hợp tác với một số nước Đông Nam Á. Ngày 6.8, Hội đồng cố vấn của ông Abe còn đưa ra một báo cáo “Lịch sử thế kỷ 20, vai trò của Nhật Bản và trật tự thế giới ở thế kỷ 21”. Báo cáo này một lần nữa tái khẳng định sự cần thiết của việc Tokyo tăng cường hợp tác cùng các đồng minh.
Nhật Bản vẫn chỉ nhằm phòng vệ
Đó là ý kiến của chuyên gia Swee Lean Collin Koh, thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (RSIS) ở Singapore, khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên ngày 19.9.
Ông nhận xét thế nào về diễn biến quốc hội Nhật thông qua dự luật cho phép lực lượng phòng vệ nước này được tham chiến ở nước ngoài?
Kết quả này bắt nguồn từ 2 lý do. Thứ nhất, thực tế Nhật đang phải đối mặt với việc đảm bảo các quyền lợi ở nước ngoài. Ví dụ tại Trung Đông, Tokyo cũng đang liên quan lợi ích năng lượng một cách trực tiếp. Gần đây, một nhà báo của nước này cũng đã bị lực lượng IS bắt cóc rồi hành quyết. Các sứ quán của họ ở khu vực này cũng bị đe dọa tấn công. Gần hơn, trong khu vực, tại bán đảo Triều Tiên, Nhật Bảnmuốn đóng vai trò lớn hơn cùng lực lượng Mỹ trước các động thái từ CHDCND Triều Tiên.
Thứ hai, Nhật Bản đang dần đóng vai trò lớn hơn, cân bằng hơn trong quan hệ đồng minh với Mỹ, nên Tokyo cần sẵn sàng cho bước tiến như thế.
Tất nhiên, vẫn có nhiều ý kiến chỉ trích động thái này của Tokyo. Mặc dù vậy, nhìn lại thì với cấu trúc hiện tại, JSDF chủ yếu chỉ đáp ứng nhu cầu phòng vệ, chứ chưa thể sớm đủ sức tổ chức một cuộc xâm lược quy mô lớn ở nước ngoài. Không những thế, Mỹ chắc chắn sẽ kiềm chế Nhật Bản. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đã truyền đi thông điệp với Hàn Quốc rằng họ sẽ chẳng xuất hiện ở bán đảo Triều Tiên nếu chưa có sự đồng ý của Seoul. Tokyo cũng đưa ra cam kết tương tự với Đông Nam Á.
Mặc dù vậy, theo ông, diễn biến trên sẽ tác động thế nào đến tình hình địa chính trị ở châu Á - Thái Bình Dương?
Tôi không nghĩ rằng Nhật Bản sẽ tái vũ trang (như hồi đầu thế kỷ 20 - NV). Tuy nhiên, diễn biến trên vẫn sẽ khiến nhiều nước nâng cao năng lực quốc phòng, nhất là Hàn Quốc. CHDCND Triều Tiên cũng sẽ có động thái rõ hơn. Hiệu ứng này cũng sẽ lan tỏa đến Đông Nam Á. Xa hơn, chúng ta có thể nhìn thấy phát triển mạnh mẽ hơn của nhiều lực lượng ở châu Á - Thái Bình Dương nhưng sẽ vẫn trong tầm kiểm soát.
Ngô Minh Trí
(thực hiện) |
Bình luận (0)