Tạo dáng bên luống cải
Nơi thu hút nhiều bạn trẻ nhất là các vườn cải tại huyện Gia Lâm như thôn: An Lạc, Trâu Quỳ hay xã Dương Hà, những vườn cải dưới chân cầu Thanh Trì hoặc xa hơn một chút là huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, đông nhất là vào dịp cuối tuần. Đến bất cứ vườn cải nào cũng thấy một không khí nhộn nhịp, các nhóm đứng san sát nhau, “người mẫu” và “tay máy” của nhóm này hay nhóm kia đôi khi lẫn lộn nhau...
Trước đây, khi việc chụp ảnh tại vườn cải chưa trở thành phong trào, thỉnh thoảng mới có một số nhóm tìm đến đây để tận hưởng không khí trong lành của ngoại thành và chụp ảnh tại vườn cải đều miễn phí, chủ các vườn hoa cải này hầu như cũng không để ý lắm và không có mặt thường xuyên ở vườn cải để trông nom các luống rau để ra hoa và lấy hạt giống này. Thế nhưng, quá mê hoa nhưng lại thiếu ý thức, không ít bạn trẻ vô tư giẫm đạp lên những luống hoa để tạo dáng trước ống kính khiến chúng bị nát tơi bời, quá bực tức, các chủ vườn hoa thậm chí đã phải dùng đến cả gậy gộc để đuổi những thanh niên này ra khỏi vườn cải của mình. Có năm những người trồng cải ở khu vực Chợ Sủi (Gia Lâm) còn phải báo cả dân phòng vì ruộng cải bị giẫm nát hết.
Tuy nhiên, tình hình vẫn không cải thiện được là bao trong khi chụp ảnh ở đồng cải vàng ngày càng trở thành “mốt”, ý thức của các bạn trẻ thì quá kém, nhiều chủ vườn phải thường xuyên cắt cử người trong gia đình đứng ra để trông nom những luống rau của mình... Mới đầu, việc trông nom chỉ đơn thuần là trông chừng các “du khách” không giẫm lên các luống hoa hoặc bẻ cây, bẻ hoa, nhưng đến năm nay thì hầu hết các vườn cải ngoại ô đã tranh thủ thu phí để kiếm lời.
Hoa cải nở... ra các dịch vụ ăn theo
Muốn vào chụp ảnh, mỗi người phải bỏ ra từ 10-50 nghìn đồng tùy theo mức độ rộng hay hẹp, xấu hay đẹp của vườn cải. Cũng có nơi, như vườn cải ven sông Đuống, một số chủ vườn không bán “vé” theo người mà đưa ra mức giá chung: từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng cho mỗi lần chụp. Trang Linh - sinh viên trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cho biết: có chủ vườn thu đến 50.000 đồng/người, đắt quá bọn mình từ chối và đi chụp phong cảnh xung quanh nhưng họ cũng không đồng ý, họ nói thẳng: “Không nộp tiền thì… biến”!
Theo quan sát của PV Thanh Niên thì những người vì tiếc tiền phải bỏ về hay đứng từ đằng xa để chụp ảnh hoa cải rất ít; phần lớn số còn lại đều tặc lưỡi rút “hầu bao” vì đã mất công đi một quãng đường xa tới đây để chụp ảnh bên hoa cải.
Ngược hẳn với mục đích ban đầu của việc trồng cải để cho ra hoa rồi lấy hạt, người dân giờ đây chuyển sang chú trọng hơn đến việc kinh doanh dịch vụ thu phí chụp ảnh. Chuyện này đem lại lợi nhuận cao hơn cả số tiền mà việc thu hoạch cải đem lại. Ông Lưu, chủ một vườn cải ở Trâu Quỳ, cho biết, mảnh vườn nhà ông gồm ba luống cải. Nếu thu hoạch hạt để bán, vườn cải này sẽ chỉ mang về lợi nhuận khoảng 300-400 ngàn đồng/vụ, thế nhưng vào dịp cuối tuần và những hôm trời hửng nắng đẹp thì mỗi ngày đã thu về vài trăm ngàn đồng.
Cứ như vậy, các chủ vườn cải bỗng dưng “hốt bạc” trong mùa hoa cải. Không chỉ thu phí thuê địa điểm chụp ảnh, hàng loạt các dịch vụ ăn theo cũng đua nhau bung ra. Nhiều bãi trông đỗ xe tự phát cũng mọc lên với giá trông xe từ 5.000 - 10.000 đồng/xe; hoặc một số nơi còn bày bán hàng nước, trà đá, hoa quả bánh kẹo... kiếm lời thêm.
Tuệ Nguyễn
Bình luận (0)