Săn cổ vật Óc Eo - Kỳ 7: Vắt kiệt cổ vật

24/02/2013 03:20 GMT+7

Tất cả những cổ vật được xem là quý giá nhất của nền văn hóa Óc Eo được phát lộ đã không còn ở Óc Eo.

Tất cả những cổ vật được xem là quý giá nhất của nền văn hóa Óc Eo được phát lộ đã không còn ở Óc Eo.

Cổ vật “đi không trở lại”

Trưa nắng. Trên đỉnh Ba Thê, từng đoàn người hổn hển men theo dốc khúc khuỷu để cốt đặt chân đến Nhà trưng bày cổ vật Óc Eo. Nhưng chưa kịp lấy lại hơi, khách tham quan đã sớm thất vọng. Những hiện vật được xem là quý giá khai quật tại các di chỉ Óc Eo đã không có ở đây. Những món được xem là đắt giá nhất tại nhà trưng bày như tượng thần 4 mặt, phù điêu hình nữ thần hay tượng đầu người… đều là phiên bản. Số thì được công an huyện cất giữ; số được cán bộ bảo tàng tỉnh mang đi… Bà Lê Kim Bình, Phó chủ tịch UBND H.Thoại Sơn, cho biết về số cổ vật vận động người dân giao nộp: “Số quý hiếm thì đưa về bảo tàng tỉnh, số thông thường thì trưng bày ở Óc Eo”.

Vì thế cho nên, khi xây dựng nhà trưng bày ở Ba Thê, không có một hiện vật quý giá nào được đưa lại để trưng bày đã sinh tâm lý nghi ngờ trong cán bộ và người dân tại H.Thoại Sơn. Giải thích lý do chưa đồng ý để Bảo tàng tỉnh An Giang tiếp tục mang đi các hiện vật Óc Eo đang lưu giữ tại Công an huyện, thượng tá Nguyễn Văn Hiếu, Phó công an H.Thoại Sơn, nói: “Chính tôi không cho mang đi. Bởi đem đi là mất. Tôi giữ lại với lý do nếu mang đi thì phải trả công người dân khai quật”. Với điều kiện này, Công an Thoại Sơn đã giữ lại được các hiện vật trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, bà Kim Bình cho biết, huyện đang chuẩn bị bàn giao số cổ vật còn lại cho bảo tàng tỉnh.

 
Di chỉ Óc Eo tại gò Cây Thị được khai quật

 
Nhà trưng bày hình linga trên đỉnh Ba Thê - Ảnh: T.T

Vì sao các hiện vật được đưa về bảo tàng lại vấp phải sự nghi ngại như vậy?

Là vì những thắc mắc của cán bộ và người dân Óc Eo về số phận của những món cổ vật được mang đi nhưng “có đi không có lại” chưa được trả lời thỏa đáng. Rằng có một “bất công” nào đó khi Nhà trưng bày hiện vật Óc Eo, niềm tự hào của người dân địa phương phải trong tình trạng “đói” cổ vật như thế. Bộ mặt “hốc hác” của nhà trưng bày đã chạm đến tự ái của người dân bản địa. Giới chơi cổ vật tại Óc Eo nhận xét, nếu ghé nhà một cán bộ tài chính thị trấn Óc Eo, số cổ vật nằm trong bộ sưu tập cá nhân của anh này còn có nhiều món đáng giá hơn các hiện vật tại nhà trưng bày trên đỉnh Ba Thê.

Sự hoài nghi càng lớn hơn khi một số người dân giữ cổ vật trình bày rằng số cổ vật họ trình báo với bảo tàng tỉnh thì “bỗng dưng” có người đến mua. Khi lật lại hồ sơ cổ vật trong vụ án truy xét năm 2002, chúng tôi thấy cả… đơn thưa đòi tiền “huê hồng” của những đối tượng liên quan. Trong đơn, những người này nói khi đào được các hiện vật quý như “tượng đầu Phật nặng 30 kg” và “bàn tay Phật nặng 3 kg” có báo với Bảo tàng tỉnh An Giang. Nhưng đợi mãi họ không thấy người của bảo tàng mà chỉ có nhiều người lạ đến hỏi mua với giá hàng trăm cây vàng. Một điều khó hiểu trong khi thông tin đào được cổ vật luôn được giữ kín (kể cả với công an), thì vì sao những “người lạ” biết được những nông dân này có cổ vật mà đến mua?

Còn lại gì ?

Tiếp xúc với chúng tôi, phần lớn các hộ dân hiến cổ vật tại Óc Eo không đắn đo vì những cổ vật đã cho đi. Tuy nhiên những gì họ quan tâm là số phận cổ vật mà họ tin tưởng gửi cho cơ quan quản lý nay đã về đâu. Rất cần có những rà soát toàn diện để đối chiếu những gì người dân đã hiến với những gì hiện lưu giữ tại nhà trưng bày hay các bảo tàng để có câu trả lời thỏa đáng với người dân.

Không chỉ các hiện vật đã được khai quật, mà việc gìn giữ tại các di chỉ cũng là vấn đề. Hầu hết diện tích khu vực di chỉ đều nằm trên đất của dân, hoặc cơ sở thờ tự. Vụ hai hộ dân cho thuê đất ruộng để đào tìm cổ vật tại gò Giồng Cát một lần nữa cho thấy các di chỉ ở đây đã được bảo vệ lỏng lẻo như thế nào. Lãnh đạo Phòng Văn hóa H.Thoại Sơn cho biết lãnh đạo huyện cũng đã nhiều lần ra công văn nghiêm cấm xâm phạm các khu vực di chỉ; cấm đào bới tìm cổ vật. Tuy nhiên, khi các phần đất di chỉ vẫn thuộc quyền quản lý, sử dụng của người dân thì rất khó cấm người dân tác động, dù là tác động để canh tác. Có hợp lý không nếu cấm người dân đào đất trồng cây, nuôi cá ngay chính trên phần đất của mình?

Bà Kim Bình cho biết, huyện đang xác định rõ phạm vi di tích để thực hiện các biện pháp bảo vệ. Một động lực để thực hiện điều này là quyết định của Thủ tướng công nhận di chỉ Óc Eo là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Sau các đợt bòn vàng, đến đào bới tìm cổ vật, tìm chuỗi hạt… Cho đến khi cổ vật được phát lộ thì cũng là đối tượng của các cuộc săn tìm với vô số thủ đoạn. Một câu hỏi đặt ra: Óc Eo còn lại gì sau khi bị vắt kiệt? 

Tiến Trình

>> Phương án phân chia cổ vật sau khai quật trên tàu đắm
>> Một cụ ông hiến tặng 56 cổ vật và hiện vật quý
>> 40.000 cổ vật trên con tàu đắm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.