"Bài ca giữ nước" trong tay thế hệ diễn viên trẻ

03/12/2003 15:05 GMT+7

Hai mươi năm đã qua, kể từ ngày đoàn chèo Tổng cục Hậu cần làm nên tên tuổi bằng bộ ba vở diễn lịch sử Bài ca giữ nước. Lứa diễn viên ngày ấy, những Ngọc Viễn, Xuân Theo, Ðào Lê..., từng in đậm dấu ấn trong lòng người hâm mộ, nay đều đã qua thời thanh tân, chẳng còn nhiều sức để vào ra tung tẩy trên sân khấu nữa...

Chèo Quân đội năm 2002 kịp có một lớp người mới, đang hồi xuân sắc. Tuy nhiên, họ chỉ biết đến Lý Thánh Tông tuyển hiền, Ỷ Lan coi việc nước, Lý Nhân Tông học làm vua của NSND Tào Mạt đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1) qua băng hình, ghi âm, sách báo, qua những lời kể, những ấn tượng từ thuở ấu thơ. Thế nên, để phục hồi, giới thiệu với công chúng trẻ hôm nay bộ tác phẩm được dư luận rộng rãi công nhận, để giữ gìn và phát triển những giá trị đã qua thử thách thời gian, đoàn chèo Tổng cục Hậu cần bắt tay vào dàn dựng lại Bài ca giữ nước theo phương cách truyền nghề. Tập hai Nhiếp chính Ỷ Lan - đã ra mắt người xem trong và ngoài quân đội. Tham gia vở diễn toàn những gương mặt tươi rói, mới rời ghế nhà trường độ vài năm. Hoàn toàn tôn trọng bản dựng cũ của đạo diễn, tác giả Tào Mạt, các nghệ sĩ đương thời chỉ phả vào đó sức sống thanh xuân, hiện đại. Tuy thế, vẫn gắng giữ được nét đằm thắm, sâu sắc, giàu triết lý như thuở nào.

Dạo xưa, đã từng có một Hề Hoạn - Ngọc Viễn làm xúc động sâu sắc tới cả các thành viên ban giám khảo trong "Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1985" tại thành phố Vinh. Giọng hát chèo kỳ dị, không lẫn vào ai, nghe gai gai cả người của NSƯT Ngọc Viễn khiến nhiều người nhớ đến tận giờ. Hề Hoạn của Thanh Nga bây giờ còn chập chững, run rẩy lắm. Nhưng, bản thân Nga tự tin đảm nhiệm vai diễn khó, xuyên suốt (khó vào bậc nhất của vở) đã là sự liều lĩnh đáng khích lệ. Rồi thời gian khổ luyện và những tích lũy kinh nghiệm sẽ giúp Thanh Nga thoát khỏi cái bóng của người đi trước. Với cô, mọi chuyện mới bắt đầu. Một Lâm Thanh xinh đẹp, quý phái, một Thùy Linh lợi thế giọng hát hay cũng chiến thắng chính mình khi dám hóa thân thành Nguyên phi Ỷ Lan. Hay Duy Từ sau mười năm tự bằng lòng với các vai phụ, đã nỗ lực dứt ra ngoài ảnh hưởng của NSƯT Xuân Dinh để làm nên Sứ Tống có nhiều nét riêng. Trong suốt quãng thời gian đằng đẵng hằng tháng ròng tập vở, dưới sự chỉ đạo của NSƯT Ðào Lê, các bậc đàn anh đàn chị, những thầy già đã dồn hết sức lực chăm chút cho các con hát trẻ. Họ kiên nhẫn rèn giũa, tận tình uốn nắn, sửa sang từng câu hát, điệu múa, từng cử chỉ, hành động, từng biến chuyển sắc thái nội tâm cho lứa hậu sinh. Chẳng phải dễ mà bắt kịp nhân vật của ông Tào Mạt trong Bài ca giữ nước, vừa cổ điển mực thước, vừa dân dã hồn nhiên, nhất là khi tuổi đời diễn viên còn quá trẻ. Xem bản diễn mới, tuy còn điều này điều nọ chưa thực bằng lòng, nhưng, nhìn chung, đồng nghiệp, cả nhiều tên tuổi đạo diễn, tác giả, diễn viên lão thành trong làng chèo đã đồng tình và ghi nhận sự cố gắng tối đa của các nghệ sĩ. Nhất là nhiều bạn trẻ, lâu nay chỉ được nghe nói về bộ ba chèo của ông Tào Mạt, giờ mới sẵn dịp trực tiếp thưởng thức. Họ có điều kiện hiểu biết thêm về một giai đoạn hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông.

Trọn năm nay (2003), chèo Tổng cục Hậu cần tiếp tục phục dựng hai tập còn lại: Lý Thánh Tông tuyển hiền và Lý Nhân Tông kế nghiệp. Không tham vọng lặp lại thành công vang dội của 15-20 năm trước, đoàn chỉ muốn dành cho những diễn viên còn non nớt tuổi nghề cơ hội có mặt trong vở diễn lớn. Và quan trọng hơn, gắng sức để công chúng hôm nay quan tâm hơn tới chèo, nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc.

(Theo NhânDân)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.