Nàng Xê Đa Thanh Vy

30/07/2007 22:09 GMT+7

60 tuổi, NSƯT Thanh Vy vẫn đi đóng phim liên tục. Mà vui nhất là đi đâu khán giả cũng nhớ mặt và gọi: "A, nàng Xê Đa kìa!". Đến nỗi vào một tiệm ăn của người Hoa mà họ cũng biết "bà Thanh Vy Xê Đa!". Vai diễn đã 23 năm trôi qua nhưng vẫn đọng lại trong ký ức người xem như thế...

Nhà hát Trần Hữu Trang dựng vở Nàng Xê Đa năm 1984, lúc Thanh Vy 37 tuổi. Kịch bản gốc là kịch nói của hai cha con tác giả Lưu Quang Thuận và Lưu Quang Vũ. Các đoàn chèo miền Bắc chuyển thể đặt tên là Nàng Si Ta, vào Nam thì tác giả Thể Hà Vân lại chuyển sang cải lương, gọi là Nàng Xê Đa. Và Nàng Xê Đa đã "làm mưa làm gió" hơn 1.000 suất liên tục. TP.HCM có 7-8 rạp lớn thuộc hàng "đại gia", như Thủ Đô, Hào Huê, Quốc Thanh, Hưng Đạo, Cao Đồng Hưng, Bà Chiểu, Cây Gõ... thì Nàng Xê Đa "đóng đô" hết trơn. Cứ luân phiên mà diễn các rạp, có nhiều ngày phải diễn hai suất, mà vé chợ đen vẫn ì xèo mới lạ! Sau đó mới đi khắp các tỉnh, diễn "nhừ tử" rồi cho phép thu hình. Nói thật, hồi đó tôi không nhớ nổi mình đã xem Nàng Xê Đa trên truyền hình đến mấy lần, phát đi phát lại hoài mà bà con vẫn... khóc.

Nhà hát Trần Hữu Trang lúc đó có mấy cô đào chính thay phiên nhau các vở, như Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Thanh Vy, Trang Bích Liễu... nhưng đạo diễn Đoàn Bá đã chọn Thanh Vy. Quả không  lầm. Nét đẹp của chị thanh nhã, sang trọng, pha chút trang nghiêm, u hoài, cực kỳ thích hợp cho cảnh cuối khi Xê Đa về dự lễ tang vua Rim. Bà phải nén lại bao nhiêu tình cảm phức tạp trong lòng, nhưng tất cả đều tỏa ra hết trên gương mặt và đôi mắt. Vừa là tình yêu tha thiết, vừa là nỗi hận nghìn thu, vừa muốn trào nước mắt, vừa mím môi ngăn lại giây phút yếu đuối.

Một Xê Đa muốn chạy tới ôm chầm người yêu từ thuở ban đầu, và một Xê Đa ngoảnh mặt làm ngơ trước người chồng ghen tuông đã gieo tiếng oán cho bà. Lời thề đã lỡ khắc ghi, khi bước qua có nghĩa là chấp nhận cái chết. Vành khăn voan màu đen cùng với trang phục đen tuyền đã làm nên một Xê Đa sang trọng còn hơn thời trẻ, đồng thời cũng rất cô đơn, mong manh và huyền bí. Trọng tâm của vở diễn dường như dồn hết vào cảnh cuối, nên nét đẹp của Thanh Vy có cơ hội tỏa sáng, không ai thay thế được.

Diễn tới suất mấy trăm thì Thanh Vy đuối quá, phải nhờ cô đào Thái Châu thay vai, nhưng cô ấy chỉ thay được phần đầu, còn phần sau thì chính Thanh Vy phải diễn, vì sức nặng của nội tâm, của ngoại hình. Gương mặt u hoài của Xê Đa cứ chập chờn đi theo khán giả dù sân khấu đã hạ màn. Bi kịch tình yêu sao mà đẹp quá, cứ thổn thức lòng người! Đẹp trong từng lời thoại, lời hát, như một triết lý, đầy chất văn học, chứ không hề "quê", "sến" như người ta vẫn nghĩ sai lầm về cải lương.

Để có được một vở diễn hay đến vậy, anh em nghệ sĩ đã phải tập ngày tập đêm, hết ca tới múa. Biên đạo là NSND Cao Phi Long đã tập cho diễn viên múa các vũ khúc cung đình của Campuchia trên ca khúc và nền nhạc sáng tác của Lư Nhất Vũ. Rồi học từng cách chào, cách trang sức, ăn mặc... Vất vả vậy, nhưng khi diễn thì cát-sê chỉ bằng... hai tô phở. Thanh Vy phải chạy xe đạp từ nhà tới rạp, dù trời mưa ầm ầm cũng không dám nghỉ vì vé đã bán trước cả tháng. Thời bao cấp có xe đạp đã là may lắm rồi.

Lâu ngày, một anh công nhân hậu đài tên Lộc thương tình nói: "Để chiều con tới nhà chở cô đi!". Một thời gian có thêm cô khán giả trẻ ái mộ, cũng tới nhà giành chở. Có hôm Thanh Vy phải đi xích lô, thì anh xích lô nhìn ra "nàng Xê Đa", nhất định không lấy tiền. Và cả những hôm tan suất khán giả đứng chờ đông nghẹt ở cửa ra vào chỉ để xem mặt Xê Đa. Niềm hạnh phúc đó đã giúp người nghệ sĩ vượt qua thời kỳ khó khăn của cải lương và của đất nước, để bây giờ nhìn lại mới thấy thật sự đó mới là thời hoàng kim rực rỡ, vì để lại một vai diễn tuyệt vời đâu phải dễ!

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.