Những bức ảnh về mưa sao băng Quadrantids và tinh vân Orion được anh Nguyễn Văn Đạt (33 tuổi, ngụ Bắc Ninh) chia sẻ lên mạng xã hội mới đây đã nhận được sự quan tâm của nhiều người yêu thiên văn.
Năm mới "săn mưa" sao băng bí ẩn
Đam mê và gắn bó với thiên văn 2 năm nay, anh Đạt cho biết nhân dịp đầu năm 2025, anh đã cùng bạn gái đi hơn 130 km từ nhà ở H.Tiên Du (Bắc Ninh) đến vùng cao nguyên Đồng Cao (Bắc Giang) để ngắm cực đại mưa sao băng Quadrantids.
Sở dĩ anh chọn địa điểm này vì không bị ô nhiễm ánh sáng, thuận lợi để ngắm bầu trời. Thêm vào đó, anh cho biết ngoài việc nhiệt độ khá lạnh về đêm, thời tiết khá ủng hộ cho việc ngắm sao.
Đêm 3.4, rạng sáng 4.1, anh đã dành thời gian quan sát bầu trời để ngắm mưa sao băng và thu về tầm mắt những khoảnh khắc đẹp. "Mình chờ mòn mỏi đến 2 giờ 15 phút rạng sáng 4.1 mới thấy được vệt sao băng đầu tiên. Mắt thường mình nhìn thấy được hơn 20 vệt sao băng, có những vệt sáng rực rỡ. Mình cũng chụp được một vài khoảnh khắc đẹp dù còn bị hạn chế về thiết bị", anh chia sẻ.
Dù trận mưa sao băng này không quá hoành tráng với nhiều vệt sao băng như Geminids hồi 2023 anh đã từng ngắm và chụp, nhưng anh Đạt cho biết đó vẫn là đêm quan sát bầu trời thú vị.
Ngoài bức ảnh về mưa sao băng, anh cũng đã chụp lại được tinh vân Orion đang rực rỡ trên bầu trời đêm tháng 1. Chàng trai chia sẻ lên mạng xã hội để giao lưu với mọi người. Anh Đạt cho biết mình làm kinh doanh, có tình yêu với chụp ảnh thiên văn nên gắn bó nhiều năm nay.
Quadrantids còn ngắm được tới ngày nào?
Hội Thiên văn Hà Nội (HAS) cho biết mưa sao băng Quadrantids hoạt động hàng năm từ tối 26.12.2024 đến ngày 16.1.2025 với cực điểm năm nay rơi vào lúc 23 giờ ngày 3.1.2025. Như vậy, trận mưa sao băng này kéo dài từ năm 2024 đến năm 2025.
Theo đó, thời gian quan sát tốt nhất trận mưa sao băng này sẽ là rạng sáng ngày 4.1.2025. Trong điều kiện quan sát thuận lợi, bạn có thể nhìn thấy từ 60 đến 200 vệt sao băng bay ngang bầu trời mỗi giờ vào lúc cực điểm. Mặc dù được coi là một trong những trận mưa sao băng đẹp nhất năm, Quadrantids có thời gian cực đại ngắn, chỉ kéo dài trong vài giờ.
Sở dĩ đây được xem là mưa sao băng bí ẩn vì trong nhiều năm, sao chổi mẹ của Quadrantids vẫn chưa được biết đến. Đó là vì các nhà thiên văn học đang tìm kiếm một vật thể có quỹ đạo trùng với quỹ đạo của luồng sao băng Quadrantids.
Các trận mưa sao băng khác có các "vật thể mẹ" có quỹ đạo trùng với luồng sao băng của chúng. Nhưng "vật thể mẹ" của Quadrantids thì khác. Hiện tại có ít nhất hai vật thể liên quan đến thiên thạch Quadrantids.
Trong đó, vật thể chính tạo ra Quadrantids là một tiểu hành tinh có tên là 2003 EH1. Người ta tin rằng đây là một sao chổi đang ngủ yên hoặc đã tuyệt chủng. Các nhà thiên văn học hiện nay cho biết cũng có một vật thể thứ hai liên quan cũng góp phần vào trận mưa sao băng này có thể là sao chổi 96P/Machholz. Vật chất mà chúng ta thấy lướt qua bầu trời đã rời khỏi sao chổi này từ nhiều thế kỷ trước.
Bình luận (0)