Đó là thông tin chia sẻ tại tọa đàm Tiếp sức sản phẩm OCOP vươn xa, do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 12.7, tại Hà Nội.
Sản phẩm OCOP phải hướng đến xuất khẩu
Cũng theo ông Đào Đức Huấn, trong 3 năm trở lại đây, nhiều sản phẩm OCOP được sử dụng, làm quà tặng ở các địa phương. Chương trình đã góp phần thay đổi nhận thức của toàn xã hội, sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường và đó là sự kết nối, điểm gặp gỡ của người tiêu dùng trên sản phẩm mang tính chất đặc trưng văn hóa của địa phương.
Bên cạnh ghi nhận thành công của Chương trình OCOP, các chuyên gia cũng thẳng thắn góp ý để các sản phẩm ngày càng vươn xa trên thị trường.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, để chương trình phát triển mạnh hơn thì việc công nhận số lượng sản phẩm OCOP không còn phù hợp mà phải quan tâm đến thị trường tiêu thụ. Nhiều sản phẩm OCOP đã có thương hiệu, chỗ đứng ở thị trường trong nước phải hướng đến xuất khẩu.
Góp ý cụ thể hơn, PGS-TS Mai Quang Vinh, Viện trưởng Viện Công nghệ xanh, cho rằng tính minh bạch trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP còn yếu. Để người tiêu dùng thật sự yên tâm, tin tưởng thì truy xuất nguồn gốc phải minh bạch toàn bộ quy trình sản xuất, số lô, số luống, ngày bón phân, phun thuốc... chứ không chỉ là thông tin về địa chỉ, cơ sở sản xuất chung chung. Sản phẩm OCOP phải được truy xuất bằng nhật ký điện tử, hình ảnh thì người tiêu dùng mới tin tưởng được.
Cũng theo PGS-TS Mai Quang Vinh, OCOP hiện nay chỉ là tiêu chí chứ không phải là tiêu chuẩn sản xuất như VietGap, GlobalGap, tiêu chuẩn hữu cơ... để các đơn vị buộc phải tuân thủ. Đối với thị trường xuất khẩu, việc đạt được các tiêu chuẩn sản xuất yêu cầu bắt buộc, cao hơn sắp tới là sản xuất xanh, không phát thải carbon... nếu không đạt được thì phải mua tín chỉ carbon.
"Chúng ta đang ở thời kỳ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Nếu sản phẩm OCOP chỉ quan tâm đến bao bì, mẫu mã hình thức đẹp mà không quan tâm đến yếu tố bảo vệ môi trường, xã hội thì tới đây sẽ rất khó xuất khẩu. Đây là vấn đề lớn, cần phải hỗ trợ cho các sản phẩm OCOP", ông Vinh nói.
Ngân hàng không thiếu tiền cho vay
Chia sẻ góc nhìn từ cho vay vốn sản phẩm OCOP, ông Phạm Trường Giang, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Thọ, cho rằng OCOP lựa chọn sản phẩm trọng tâm gắn với văn hóa địa phương, vùng miền nhưng thực tế tính vươn xa còn hạn chế. Nguyên nhân là do năng lực quản trị, tiềm lực tài chính các chủ sở hữu sản phẩm OCOP hạn chế, muốn làm lớn thì không đủ vốn, các chính sách hỗ trợ chỉ là điều kiện ban đầu.
Ông Phạm Trường Giang khẳng định, ngân hàng không thiếu vốn và lãi suất hiện nay không phải là quá cao, kỳ hạn không phải là vấn đề, nhưng dư nợ cho vay OCOP thấp là do chưa có gói tín dụng riêng cho sản phẩm OCOP. Ngoài ra, giữa ngân hàng, khách hàng còn thiếu sự kết nối, tư vấn để sử dụng đồng vốn đó ra sao trong phương án sản xuất kinh doanh để quản lý được dòng tiền, đảm bảo được khoản vay.
"Giữa ngân hàng và chủ thể OCOP cần phải phối hợp ra sao để không chạy theo số lượng, hình thức, chỉ tiêu nghị quyết phát triển sản phẩm OCOP, không để buông trôi nó đi, hỗ trợ làm sao để sản phẩm phải sống được", ông Giang nêu vấn đề.
Ông Chu Ngọc Quý, Phó trưởng ban Khách hàng cá nhân, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), cho biết từ năm 2018 đến nay, Agribank cho vay vốn 500 tỉ đồng để khách hàng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP. Ngoài ra, từ tháng 1, Agribank tiếp tục dành 2.000 tỉ đồng tín dụng cho vay OCOP, đến nay đã có 28/171 chi nhánh cho vay được hơn 101 tỉ đồng. Trong đó, sản phẩm OCOP từ 3 - 5 sao được hưởng lãi suất thấp hơn 2% so với mức lãi suất sàn.
Tại Agribank, khách hàng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP có thể vay vốn không có đảm bảo tài sản với mức vay lên tới 1 tỉ đồng (đối với hợp tác xã, chủ trang trại); hoặc tối đa 80% dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (đối với doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao).
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng, cho biết thành công trong phát triển sản phẩm OCOP những năm vừa qua có vai trò đồng hành, hỗ trợ từ các ngân hàng.
Trong đó, dòng vốn ngân hàng đã trở thành chất xúc tác quan trọng góp phần thay đổi tư duy trong sản xuất của người dân, hợp tác xã, từng bước chuyển đổi từ quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường.
Dòng vốn ngân hàng cũng góp phần giúp các địa phương đầu tư, sản xuất phát triển các sản phẩm có lợi thế, thế mạnh, từ đó đưa sản phẩm OCOP ngày càng vươn xa, không chỉ ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu.
Bình luận (0)