‘Săn’ phu đào vàng: 'Ngựa thồ’ cảnh giới

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
29/05/2019 11:02 GMT+7

Ngoài việc đưa phu vàng vào làm việc trái phép, những “ngựa thồ” ở các bãi vàng H.Phước Sơn (Quảng Nam) còn kiêm đủ thứ công việc, đặc biệt là làm tai mắt cảnh giới cho các chủ bãi.

H. (35 tuổi) ví nghề xe ôm đường rừng của mình như “ngựa thồ”. Bởi tuy dùng xe máy để vận chuyển, nhưng với địa hình trắc trở của núi rừng xã Phước Hiệp (H.Phước Sơn) thì họ chẳng khác gì người điều khiển ngựa. Hằng ngày, H. chốt ngay ngã ba Phước Hiệp, đoạn dẫn vào thôn 8 để phục vụ hầu hết các nhu cầu của bãi vàng: từ vận chuyển lao động, bán thực phẩm đến công việc cảnh giới cho các chủ bãi vàng.

“Luật chơi” nghiêm ngặt !

“Những năm trước, có các vụ tai nạn chết người, cánh xe ôm phải vào chở ra. Một mình với một xác chết buộc trên xe, anh nghĩ có đứng tim không?”
D. (40 tuổi), chạy xe ôm
ở bãi vàng Phước Sơn “Những năm trước, có các vụ tai nạn chết người, cánh xe ôm phải vào chở ra. Một mình với một xác chết buộc trên xe, anh nghĩ có đứng tim không?”
D. (40 tuổi), chạy xe ôm ở bãi vàng Phước Sơn
Ở H.Phước Sơn, người lạ mặt muốn vào bãi vàng đều không thể qua mặt được chủ bãi. Ngành chức năng tuy tổ chức kiểm tra đột xuất nhiều lần nhưng cũng “cơ bản” là thất bại, do gần như không thể thoát khỏi sự dòm ngó của cánh xe ôm cảnh giới. Hôm chúng tôi đến, lập tức 2 người phóng xe máy dạng cào cào phi đến hỏi chuyện. “Muốn vào bãi có thể đi bộ nửa ngày đường. Còn không thì lên xe. “Khứ hồi” 600.000 đồng. Ra vào mất 4 giờ đồng hồ. Nếu đi thì nhanh lên, chứ không mưa rừng”, D. (40 tuổi, anh trai của H.) gằn giọng hối thúc.
Thế nhưng, khi chúng tôi đồng ý, D. lấy lý do đi vệ sinh để thực hiện một cuộc gọi. PV hỏi thẳng: “Mỗi cuộc gọi báo tin, họ trả anh bao nhiêu?”. Thoáng chút ngỡ ngàng, D. tỏ vẻ thật thà: “Ở đây mình sống cũng nhờ vào bãi vàng cả nên họ có nhờ nếu thấy người vào bãi thì báo cho họ một tiếng. Anh yên tâm, tôi không biết anh là ai, làm gì. Chỉ là một tin báo thôi...”. Suốt 2 giờ băng rừng, D. kể về 10 năm chạy xe ôm phục vụ bãi vàng của mình cũng giống như những “thợ săn” người lạ, cảnh giới cho các bãi.
Hồi mới vào nghề, D. lái chiếc Zin 3 cầu đầy đủ cáp tời để vận chuyển hàng hóa. Nhưng rồi xe hỏng thường xuyên, nhiều đêm phải nằm lại giữa rừng... nghe mưa, vắt bám vào người. D. bán luôn chiếc xe. Đầu tư 12 triệu đồng mua xe máy gầm cao, côn tay, bỏ thêm 3 triệu đồng thay nhông dĩa, bọc bánh xích, làm “ống thở”..., D. làm “ngựa thồ”. “Ở bãi vàng này, tôi đứng cánh đưa đón lao động cho 2 công ty vàng. Hai công ty vàng khác thuộc nhóm xe ôm khác. Chúng tôi “nước sông không phạm nước giếng”, biết ai vào bãi nào, của công ty nào thì phải nhường chứ không được tranh giành khách của nhau”, D. nói về “luật chơi”.
Xe ôm là một khâu quan trọng để các lao động có thể vào bãi vàng

Đụng gì cũng chở

Chiếc xe máy phải có bánh lớn để đối mặt với những con dốc cao, trơn tuột như xối mỡ sau mỗi trận mưa, nhưng điểm đặc biệt là bộ chế hòa khí được bọc kín và dẫn bởi một ống hơi dài ngoằng lên tay lái. Người vào nghề không đòi hỏi cao về sức khỏe nhưng chắc chắn phải là tay lái “lụa” để xử lý ở những khúc cua khuỷu tay. “Mỗi xe chở 2 lao động hoặc vài tạ hàng là bình thường. Trừ những lúc mưa lớn sợ trôi xe, chứ mưa nhỏ nước suối dâng cỡ gần tới ngực thì vẫn chạy tốt. Tùy loại hàng và có mưa hay không, nếu chở người thì tính phí tầm 600.000 đến 1 triệu đồng”, D. cười cười.
Dọc đường đi, chiếc xe máy hết nhả khói khét lẹt vượt qua trùng trùng ngọn đồi lại ì ạch “bơi” qua sông Tà La. Đến mỗi đoạn, D. lại chỉ cho chúng tôi xem những bãi vàng làm theo kiểu “tọ mọ” (nhóm làm vàng trái phép nhỏ lẻ - PV) ở các cánh rừng.
Khi xe vừa qua khỏi con suối thứ 7, khu bãi vàng lộ ra. Ngay tiệm tạp hóa nằm giữa rừng, một số “ngựa thồ” khác đang chở 4 con heo sống kêu eng éc vừa cập xuống. Một nhóm “ngựa thồ” khác rồ ga, nẹt pô chuẩn bị để chở một số “sếp lớn” là “đầu cánh” của các bãi vàng xuống núi. “Ở bãi vàng Phước Hiệp, ngoài nhóm “ngựa thồ” tập hợp khoảng 5 - 7 thanh niên của anh em tôi thì còn có nhóm của ông P. Nhóm này chuyên phục vụ cho 2 công ty khác”, D. nói nhỏ với chúng tôi và hé lộ thêm, hồi đầu tháng 5, nhóm của ông P. đã chở 8 lao động trái phép từ phía bắc vào làm tại bãi của Công ty TNHH N.L.
Xe được độ chế bánh xe, “ống thở”... để phù hợp với đường rừng
“Thường thì việc vận chuyển lao động đều vào giữa khuya nên chúng tôi cứ nhận được điện thoại là lên đường”, D. kể và hài hước: Làm “ngựa thồ” ngoài kỹ năng chạy xe thì trước hết phải không sợ... ma. Bởi có nhiều hôm, máy móc của bãi vàng bị hỏng, chủ bãi gọi là phải có mặt để đem ra. Nhiều lúc 1 - 2 giờ sáng giữa rừng, chim kêu vượn hú đến rợn người nhưng theo nghề lâu dần ai cũng quen. “Những năm trước, có các vụ tai nạn chết người, cánh xe ôm phải vào chở ra. Một mình với một xác chết buộc trên xe, anh nghĩ có đứng tim không?”, D. hỏi mà như trả lời.

Từ “ngựa thồ” thành “phó giám đốc ngoại giao”

Tiếp xúc với “đầu cánh” và chỉ huy trưởng của Công ty TNHH N.L, chúng tôi được những người này xác nhận 8 lao động đã vào bãi làm việc nhưng “chưa kịp đăng ký tạm trú”. Từ giới thiệu của những người này, chúng tôi tìm gặp ông Ph., Phó giám đốc Công ty TNHH N.L, tại văn phòng của công ty (cũng là nhà riêng của ông Ph.) ở ngã 3 Phước Hiệp. Ông Ph. khẳng định các công nhân được đưa vào bãi đều có giấy tờ đầy đủ. “Kể cả 8 người vừa đưa từ phía bắc vào?”, nghe hỏi vậy thì ông Ph. quả quyết: “Không phải vào làm việc cho công ty” (?!). Nói về các lao động trẻ em, ông Ph. nhát gừng: “Đăng ký tạm trú tạm vắng tôi không cung cấp cho các anh được. Nhiều thành phần chẳng biết tin ai cả nên tôi không cung cấp. Tôi không biết các anh là nhà báo thật hay giả. Nhiều cơ quan yêu cầu tôi cũng không đưa”.
Thật bất ngờ khi người giữ chức danh phó giám đốc kia từng là người chạy xe ôm đưa thực phẩm vào bãi vàng. Ông Nguyễn Thanh Lực, Trưởng công an xã Phước Hiệp, xác nhận chi tiết này. “Vì ông Ph. là người địa phương nên được Công ty TNHH N.L thuê làm phó giám đốc phụ trách giấy tờ, được thuê làm công tác ngoại giao... Cứ có họp hành thì ông đi dự, có khách thì ông sắp xếp đón. Những người chủ thật sự thì ở ngoài địa phương”, ông Lực nói.

Con sông chết Tà La

Dọc đường vào bãi vàng Phước Hiệp, xe máy phải 7 lần vượt sông vì con sông Tà La ngoằn ngoèo dưới những vách núi. Đi đến đâu, cảnh tượng ô nhiễm hiện ra đến đó.
Con sông đục ngầu, chảy lừ đừ vì mang theo quá nhiều bùn đất; có đoạn lại cạn khô. Hai bên bờ, bột đá dạt vào trắng xóa... Sau chuyến trực tiếp kiểm tra tại bãi vàng thôn 8 Phước Hiệp, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã yêu cầu các cơ sở sản xuất vàng trên địa bàn phải thực hiện quy định khai thác khoáng sản, trong đó thực hiện nghiêm báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp chưa đầu tư xây dựng theo yêu cầu ĐTM dẫn đến việc xả thải làm ô nhiễm dòng sông.
Trong lần kiểm tra gần đây, ông Thanh chỉ đạo Sở TN-MT nghiêm túc rút kinh nghiệm và yêu cầu gắn trách nhiệm quản lý của Sở với địa phương. “Chậm nhất vào tháng 6, các doanh nghiệp phải hoàn thành hệ thống xử lý môi trường. Trường hợp nào chưa thực hiện thì dừng hoạt động”, ông Thanh chỉ đạo.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.