Ngay khi Bộ Y tế chính thức công bố trường hợp nhiễm virus Zika, ngành y tế Đà Nẵng cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị… để tiếp nhận, điều trị những bệnh nhân nhiễm virus Zika nếu có.
Phun thuốc diệt muỗi để đẩy lùi bệnh sốt xuất huyết và phòng vật trung gian truyền virus Zika - Ảnh: Diệu Hiền |
Trước thông tin Bộ Y tế chính thức công bố về việc xuất hiện 2 trường hợp nhiễm virus Zika tại Việt Nam, ngành y tế Đà Nẵng cũng đã triển khai nhiều hoạt động phòng dịch tích cực.
Đối với Đà Nẵng, nguy cơ dịch xâm nhập là khá lớn, bởi Đà Nẵng có cảng quốc tế, sân bay quốc tế, hằng ngày đón lượng khách từ trong và ngoài nước rất lớn. Bên cạnh đó, tại Đà Nẵng, sốt xuất huyết vẫn đang trong mùa dịch, với nhiều ca bệnh rải rác khắp các quận, huyện trên địa bàn.
Chính vì vậy, ngày 5.4, ngay khi Bộ Y tế chính thức công bố trường hợp nhiễm virus Zika, Đà Nẵng cũng nâng mức đáp ứng dịch của toàn ngành lên mức độ 2. Các bệnh viện tại Đà Nẵng cũng sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị… để tiếp nhận, điều trị những bệnh nhân nhiễm virus Zika nếu có.
Bệnh viện Đà Nẵng là bệnh viện tuyến thành phố, đã sớm xây dựng kế hoạch tiếp nhận bệnh nhân nhiễm virus Zika từ giữa tháng 3. Một Ban chỉ huy gồm ban giám đốc, 2 tổ phòng dịch cũng sẵn sàng được điều động. Tầng 1 Khoa Y học nhiệt đới Bệnh viện Đà Nẵng sẽ là nơi tiếp nhận bệnh nhân, với khoảng 30 giường bệnh. Nếu trong trường hợp số lượng bệnh nhân tăng hơn, thì sẽ bố trí toàn bộ khoa này để chăm sóc bệnh nhân cũng như hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo đối với các bệnh nhân khác.
Làm tốt công tác vệ sinh môi trường nơi mình cư trú là cách góp phần cùng ngành y tế đẩy lùi tốc độ lây lan của virus Zika - Ảnh: Diệu Hiền
|
Bên cạnh đó, theo Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng, việc giám sát những thai phụ cũng được tiến hành chặt chẽ, giám sát chứng đầu nhỏ trước sinh và trẻ sơ sinh tại các cơ sở sản nhi. Đồng thời, Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng cũng đã nhập sinh phẩm xét nghiệm phát hiện Zika trong tuần này để không kéo dài thời gian xét nghiệm mẫu như trước đây là phải gửi vào viện Pasteur Nha Trang.
Trong khi đó, việc vệ sinh môi trường vẫn chưa được nhiều người chú trọng, đây là điều kiện để lăng quăng, bọ gậy, muỗi phát triển - những ổ truyền virus Zika.
“Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền là quan trọng. Mỗi gia đình nếu tự ý thức diệt loăng quăng, bọ gậy, muỗi… và làm tốt công tác vệ sinh môi trường, nghĩa là đã góp phần cùng ngành y tế đẩy lùi tốc độ lây lan của virus Zika”, bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng, chia sẻ.
Bình luận (0)