Những ngày cận tết, nhà vườn trồng quýt ở thị trấn D’Ran (H.Đơn
Dương, Lâm Đồng) tất bật chuẩn bị thu hoạch và đưa quýt đặc sản về các
tỉnh thành tiêu thụ.
Vườn quýt của ông Năm Thu trĩu quả - Ảnh: L.V |
Thị trấn D’Ran được xem là vùng trồng quýt quy mô lớn tại tỉnh Lâm Đồng. Theo thống kê của UBND thị trấn D’Ran, diện tích cây quýt hiện nay được mở rộng lên trên 30 ha với nhiều loại giống lai tạo khác nhau như: quýt tiều, quýt đường, quýt cam, quýt giấy... trong đó, quýt tiều son được thị trường ưa chuộng và giá bán cao hơn.
Quýt trồng xen lẫn trong vườn cà phê hoặc vườn hồng. Sau khi thu hoạch hồng, cà phê thì từ tháng 10 âm lịch đến tháng chạp người dân bắt đầu chuyển sang thu hoạch quýt. Nhưng phần lớn sản lượng quýt là để cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán. Thời điểm này, đến các thôn Phú Thuận 1, Phú Thuận 2 có thể chứng kiến những vườn quýt trĩu quả, màu quýt chín vàng rực rỡ cả một thung lũng vốn là vườn cà phê, vườn hồng. Ông Đặng Trung, cán bộ nông nghiệp UBND thị trấn D’Ran, cho biết: “Với sản lượng trung bình trên 10 tấn/ha thì dịp tết này người dân D’Ran sẽ có khoảng 400 tấn quýt được tung ra thị trường”. Đặc điểm của quýt D’Ran là ngon, ngọt, khi lột vỏ vẫn còn nguyên sợi tơ trên múi quýt, khác hẳn với một số loại quýt trôi nổi, nhập từ nước ngoài, nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Ông Huỳnh Văn Thu (thôn Phước Thuận 2) là chủ vườn quýt rộng hơn 4 ha phủ kín cả một ngọn đồi, được trồng từ 20 năm trước nhưng đến nay vẫn trĩu quả. Ông Thu cho biết bình thường vào mùa thu hoạch, mỗi ngày ông chỉ thu hái lai rai vài tạ quýt bán cho mối lái, nhưng khi vào cao điểm vụ tết (từ 20 âm lịch trở đi), ông phải thuê gần 100 nhân công tất bật thu hoạch, đóng gói, trung bình mỗi ngày bán khoảng 5 - 7 tấn. Quýt sạch thương hiệu “Năm Thu” từ trong vườn được vận chuyển ra quốc lộ 27 rồi gửi theo xe tải cung cấp tận nơi cho bạn hàng ở TP.HCM, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Nha Trang, Đà Nẵng...
Với kinh nghiệm hàng chục năm trồng quýt, ông Thu đã hình thành một quy trình khép kín cho vườn quýt của gia đình, tự trồng tự hái và tự bán cho các mối tiêu thụ. Ông Thu chia sẻ: “Để chuẩn bị hàng tết, mấy tháng nay tôi chỉ tưới nước, tuyệt đối không bơm thuốc bảo vệ thực vật, nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, qua đó cũng góp phần xây dựng thương hiệu quýt sạch cho vùng D’Ran này”. Bằng cách làm này, với 4 ha quýt gia đình ông có thu nhập gần 1 tỉ đồng/năm, cao hơn khoảng ba lần so với trồng cà phê hoặc trồng cây hồng truyền thống.
Riêng vườn quýt của gia đình ông Nguyễn Văn Hải (thôn Phú Thuận 3) thì nằm nép trong thung lũng đầu đèo Ngoạn Mục. Tuy vậy, với 2 sào quýt trồng xen với vườn cà phê, dịp tết năm trước cũng đem lại cho gia đình ông Hải khoảng 70 triệu đồng. Tết năm nay ông đang để dành những cây quýt chất lượng ngon, trái to đẹp nhất để cung cấp cho thị trường trong vài ngày tới, hy vọng sẽ có vụ mùa bội thu.
Trước Tết Bính Thân vài tuần, các vựa đến D’Ran thu mua quýt với giá dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, tùy loại. Tuy nhiên, càng đến cận ngày tết giá quýt sẽ tăng theo nhịp mua sắm của thị trường. Theo ông Đặng Trung, quýt để chín vàng trên cây là cách “bảo quản” tốt nhất để giữ tươi lâu mà không phải sử dụng hóa chất hay đưa vào phòng lạnh. Làm như vậy quýt sạch và luôn đảm bảo chất lượng.
Bình luận (0)