Túc trực suốt một ngày dài tại các quầy vé quanh sân Bung Karno, chúng tôi mới thấy được nỗi vất vả của người dân nghèo Indonesia khi muốn có một chiếc vé vào sân cổ vũ cho đội nhà.
Từ dân nghèo Indonesia…
Sân Bung Karno có sức chứa hơn 80 ngàn người, nhưng dường như chừng đó vẫn quá ít ỏi so với niềm đam mê bóng đá của người dân nơi đây. Sáng sớm qua, khi màn sương vẫn chưa tan trên xứ vạn đảo, không khí bên ngoài sân Bung Karno đã ấm dần lên khi từng đoàn người nối đuôi nhau xếp hàng dài trước các cổng bán vé. Sau khi tìm hiểu, chúng tôi biết hầu hết họ đều là dân nghèo ở Indonesia.
Mặt trời lên, lượng người mua vé đông dần khiến BTC bắt đầu lo lắng không đáp ứng đủ nhu cầu, dù giá vé bán kết đã tăng gấp đôi so với các trận vòng bảng. 10 giờ sáng, BTC buộc phải ra quy định: mỗi người chỉ được mua 1 vé và bắt buộc phải có bản photocopy chứng minh nhân dân (CMND) kèm theo - như kiểu mua vé tàu tết ở VN. Thông báo của BTC khiến khá nhiều người rơi vào cảnh “dở khóc dở cười”. Có người chiếm được vị trí đẹp nhưng quên đem theo CMND nên phải “cố thủ” để gọi người nhà cầm giúp CMND đến sân. Một số người có CMND thì lại không có bản photocopy, nên đứng ngẩn ngơ giữa hàng dài vì nếu chạy đi photocopy sẽ phí công xếp hàng từ sáng sớm, thậm chí không thể mua được vé.
May thay, dịch vụ photocopy lưu động xuất hiện để phục vụ đến từng người đứng trong hàng. Ai có nhu cầu lập tức được đáp ứng, trong đó có nhóm người sẵn sàng nhận CMND đem đi photo và giao lại tận tay với giá 6.000 rupiah (khoảng 15.000 đồng)/bản. Anh Taurum, người xếp hàng từ 6 giờ sáng, nói: “Indonesia thi đấu quá ấn tượng, sẽ vô địch SEA Games kỳ này, nên chúng tôi phải bỏ hết công việc để mua được một tấm vé vào sân. Vậy mà đến nơi rồi cũng không dễ mua vé”.
Đến giữa trưa, các cổng bán vé giá rẻ mới được mở. Để hạn chế tình trạng vé chợ đen, người mua chỉ được nhận phiếu biên nhận, đến sáng 19.11 mới được đổi vé vào sân.
Từ cổng vé khán đài C và D chật chội vòng qua khán đài A, chúng tôi thật sự bất ngờ bởi lượng người nơi đây khá ít, vắng lặng, thi thoảng mới có người đến mua, nhưng họ phải gọi điện trao đổi rất lâu với người nhà rồi mới quyết định. Thì ra các cổng này dành cho CĐV nhà giàu với các mệnh giá cao ngất ngưởng so với thu nhập của người nghèo ở đất nước này, gồm: 500 ngàn rupiah (khoảng 1,25 triệu đồng), 700 ngàn rupiah (khoảng 1,75 triệu đồng), 1 triệu rupiah (khoảng 2,5 triệu đồng). Trường hợp này khá ngược với VN, bởi ở nước ta, các loại vé V.I.P dù đắt đến mấy nhưng người xem cũng khó mua được với giá chính thức mà phải bấm bụng mua lại của dân phe vé với giá trên trời. Thế mới biết người mê bóng đá ở VN rất “chịu chơi”.
…đến CĐV của VN
Từ ngày 17.11, dự đoán VN sẽ vào bán kết nên có khá đông người hâm mộ từ VN sang cổ vũ cho thầy trò HLV Falko Goetz. Sáng hôm qua, nhiều nhóm phân công một số thành viên có nhiệm vụ rảo quanh các cổng sân tham khảo giá vé. Sau một hồi tìm hiểu, CĐV VN quyết định mua vé có mệnh giá 300 ngàn rupiah (750 ngàn đồng). Bởi loại vé này không quá đắt, chỗ ngồi cũng khá thuận tiện để cổ vũ cho các chàng trai VN.
Cầm được tờ biên nhận trên tay, anh Sáng, CĐV đến từ Củ Chi (TP.HCM), hồ hởi: “May quá, hầu hết chúng tôi đã mua được vé. Trên đường bay qua đây mọi người cứ lo ngại vé đã được bán hết, không biết cách nào để vào sân, nhưng giờ thì có thể yên tâm rồi”. Khác với các CĐV từ quê nhà sang, những sinh viên VN đang học tại Jakarta phải bấm bụng mua vé giá 300 ngàn rupiah vì được ngồi chung nhóm với CĐV VN mới… sướng và phần nào chống chọi lại sức ép của CĐV chủ nhà. Hy vọng rằng, các cầu thủ VN biết hy sinh quyền lợi cá nhân, chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo để không phụ lòng người hâm mộ.
Quang Huy
Bình luận (0)