(iHay) Đã sống xa quê gần 20 năm, mà mỗi dịp sắp Tết là tôi lại thấy nhớ da diết món mứt me của mẹ và chị dâu tôi.
>> Trổ tài làm bánh phô mai mứt khế
|
Ở Nam bộ, mứt me là thứ mứt sang, chảnh nhất trong 5 loại mứt cổ truyền trên mâm cỗ ngày Tết gồm: mứt hạt sen, mứt dừa, mứt gừng, mứt mãng cầu. Nó sang ở chỗ đó là thứ mứt đắt tiền nhất. Cái vị chua ngọt, thanh thanh không lẫn vào đâu được.
Mứt me không quá ngọt để ngán đến rờn rợn cổ họng như các loại mứt dừa, mứt bí. Có lẽ mứt me đắt tiền bởi sự kỳ công của nó. Phải lựa những trái me ván to, dầy cơm, không quá xanh, quá chín rồi ngâm nước muối, tách vỏ. Cái công đoạn này quả là cơn ác mộng của những kẻ thiếu kiên nhẫn như tôi.
Lần đầu tiên cùng làm mứt me với chị, tôi háo hức lắm, mặc dù mẹ tôi đã cảnh báo, làm mứt me cực lắm, không có dễ đâu. Xí! Trên đời này không có gì với ta là khó cả. Kéo miếng gỗ ngồi, một con dao nhọn trên tay, tôi bắt đầu lột vỏ me. Trước đó, tôi đã cố tình đổ me vào thau của mình nhiều hơn vì “mình là con trai mà!”.
Mồ hôi mỗi lúc càng rịn ra nhiều trên trán, gần 1 tiếng đồng hồ mà chưa xong 1 trái me, đã vậy trái me trên tay tôi đã không còn hình thù nữa vì bị tôi đâm chém không thương tiếc. “Chết rồi, 1 tiếng xong trái, cả cái thau bự chảng kia biết chừng nào mới xong”. Liếc qua thấy chị và mẹ tôi làm thoăn thoắt, hai người cứ tủm tỉm cười.
Gian nan bắt đầu… nản. Biến thôi. “Mẹ với chị làm nha, con đi… học nhóm”. Tôi phóng đi trong tiếng cười của mẹ và chị. Tối về, mấy thau me đã được tách vỏ và tách luôn cả hạt bên trong nữa. Hay dữ vậy trời, mình mà làm hoặc là bể nát hoặc là Tết... Công gô mới có ăn. Tôi tiếp tục đi “học nhóm” trong khi chị tiếp tục các công đoạn tiếp theo là xả me, sên đường và đem phơi nắng.
Những xửng me thơm lừng phơi trước sân được chị cẩn thận đậy lớp vải mùng để che bụi và các loại ruồi nhặng… Lúc ấy, tôi là người siêng năng “thăm” me nhất. Đến giờ còn chảy nước miếng khi nhớ tới cái cảm giác giở lớp vải mùng lên, mùi me thơm phức, lấy tay quẹt một lớp mật đường dính trên cái xửng, cái vị chua chua ngọt ngọt nó mới đã làm sao. Tất nhiên là xửng nào cũng bị nhót đi vài trái vì sự thăm thú vô độ của tôi.
Những trái me vàng ươm được chị và mẹ bao giấy kiếng rất đẹp, xong mẹ đem… cất bảo là Tết cúng ông bà xong mới được ăn. Tiu nghỉu và thất vọng, từ một thằng tuổi Thìn tôi chuyển qua đội lốt…con chuột. Cứ mỗi đêm nhón vài trái, đến khi bị phát hiện thì hộp mứt của mẹ tôi đã vơi đi gần một nửa. Dĩ nhiên là tôi bị một trận tơi bời. Chị tôi thì phải cấp tốc chạy đôn chạy đáo tìm me về để làm bổ sung, vì năm đó mẹ tôi dự định Tết sẽ mang đi biếu cho bà con, bạn bè (chắc là để khoe con dâu).
|
Khổ nỗi, lúc đó đã hết mùa me, cây nào còn thì cũng đã chín không làm mứt được. Anh chị tôi chạy tuốt qua bên cù lao, may sao còn một cây, mà nó rất cao to, anh tôi trèo hái bị kiến vàng cắn muốn sưng cả… háng. Đây cũng chính là điều làm nên độ “chảnh” của món mứt me.
Một năm, cây me chỉ ra trái có một lần, me già rộ vào khoảng tháng 11 Âm lịch, lúc đó nhà nhà làm mứt me. Ai cũng tranh thủ làm một ít để dành Tết. Ở Nam bộ còn một món mứt “bá đạo” mà quý bà quý cô ai cũng thích nữa là mứt chùm ruột. Cũng chua ngọt, thơm ngon nhưng cây chùm ruột có trái quanh năm nên nó thua hẳn mứt me về độ hiếm.
Tôi nhớ lắm cái không khí nhà tôi thuở ấy. Ngày Tết, đi chơi về là tôi quất luôn cả một đòn bánh tét với thịt kho, lủm vài trái mứt me là chắc dạ. Ngoại và mẹ tôi giờ không còn nữa, cảnh chộn rộn chuẩn bị bánh trái giờ cũng vơi đi vì anh em tôi mỗi người một nơi thường đến ngày 30 Tết mới gom về đông đủ.
Nhưng món mứt me của chị tôi thì không bao giờ thiếu, chị vẫn cặm cụi làm để cúng ngoại và mẹ. Sau Tết, trở lại với cuộc sống thường ngày trong ba lô mấy anh em tôi luôn luôn có một gói mứt me của chị...
Đặng Chánh Trung
>> Mứt dừa thơm nồng hương Tết
>> Da diết hương mứt gừng mẹ làm ngày tết
>> Nồng ấm mứt nghệ ngày tết
>> Trở về tuổi thơ với mứt dừa ngày tết
Bình luận (0)