Anh Trần Mạnh Tiến (28 tuổi, thôn Nhất Hòa, xã Đặng Cương, H.An Dương, TP.Hải Phòng) đã sáng tạo ra mô hình tưới cây tự động mang lại hiệu quả cao, trong khi trước đó, anh chưa hề được đào tạo hay học hỏi, tiếp xúc mô hình tương tự.
Anh Tiến bên gốc đào được tưới bằng mô hình tự động - Ảnh: Lê Tân
|
Xã Đặng Cương, H.An Dương là địa phương trồng đào cảnh nổi tiếng nhiều năm nay của TP.Hải Phòng. Tuy nhiên, tại đây chưa có ai nghĩ ra được mô hình tưới cây tối giản và tiết kiệm như anh Tiến. "Dây chuyền công nghệ" mới này của anh bao gồm một bể chứa có hai ngăn: ngăn dưới chứa phân hữu cơ, ngăn trên chứa nước.
Nguyên lý hoạt động của hệ thống này khá đơn giản: nước được lấy từ sông bằng một hệ thống ống dẫn và bơm chân không. Sau khi nước được bơm vào bể sẽ hòa phân hữu cơ ở ngăn dưới hoặc các loại phân vô cơ khác rồi được bơm ra vườn đào bằng một hệ thống ống dẫn đến từng gốc cây.
Trao đổi với Thanh Niên, anh Tiến nói: “Tôi đã có nhiều năm trồng đào, qua thực nghiệm thì thấy mô hình này tiết kiệm đến 90% sức lao động. Bình thường một người tưới nước cho 600 m2 vườn đào phải mất nửa ngày. Nếu phải bón phân hữu cơ, hay phân lân, phân đạm thì phải mất cả ngày. Nay tôi dùng dây chuyền này thì vừa hòa phân, vừa tưới nước chỉ mất khoảng 1 tiếng đồng hồ là xong. Ngoài ra không phải chịu nắng, chịu gió”.
Dẫn chúng tôi đi xem từng gốc đào, anh Tiến cho biết cái hay của "công nghệ" này là nước được tưới theo kiểu nhỏ gọt qua các lỗ nhỏ li ti của các ống dẫn. Lượng nước tưới không bị thất thoát, tiết kiệm đến 60%. Việc nước và chất dinh dưỡng được dồn hết vào gốc đào còn khiến các loại cỏ xung quanh không có cơ hội "ăn hôi” được chất dinh dưỡng nên không phát triển, lại tiết kiệm được cả công làm cỏ.
Hơn 10 năm trồng đào, thấu hiểu được sự vất vả, bỏ nhiều công sức để có được vườn đào cảnh khá đẹp. Anh Tiến đã nhiều lần thử nghiệm các phương pháp cải tiến, nâng cao năng suất vườn đào. Đầu năm 2015, được sự gúp sức của trung tâm khuyến nông H.An Dương, anh Tiến lắp đặt thành công mô hình tưới cây tự động chỉ với chi phí là 16 triệu đồng cho 600 m2 vườn đào.
Ông Nguyễn Xuân Thêm (51 tuổi, hội sinh vật cảnh xã Đặng Cương) nhận xét: “Mô hình tưới nước tự động của anh Tiến rất hay và chưa có vườn đào nào áp dụng. Cây đào phát triển rất tốt, cho lộc đều, phân, đạm cũng được phân bố rất hợp lý. Tuy vẫn cần thời gian để đánh giá toàn diện hiệu quả của mô hình này với vườn đào, nhưng với kinh nghiệm của mình, tôi tin là nó hiệu quả”. Ông Thêm cũng cho biết, nhiều hội viên đã gặp anh Tiến để xin áp dụng mô hình tưới cây tại vườn đào nhà mình.
Với những tìm tòi, sáng tạo trong công việc, tháng 6.2015, anh Tiến đã vinh dự được nhận giải thưởng Lương Đình Của do Trung ương Đoàn trao tặng. Trao đổi với PV Thanh Niên, anh Tiến nói: “Trong thời gian tới, mình sẽ cố gắng tìm hiểu thêm nhiều mô hình mới về cách chăm sóc, phát triển cây đào. Mình muốn vườn đào quê mình được hiện đại hóa”.
Bình luận (0)