'Sáng tác' truyền thuyết để kinh doanh lễ hội

04/03/2015 09:00 GMT+7

Như Thanh Niên đã thông tin, mặc dù Sở VH-TT-DL Nam Định đã ra công văn cấm bán ấn tại đền Bảo Lộc (Nam Định) nhưng người dân vẫn đổ về đây nườm nượp để mua ấn. Nguyên nhân xuất phát từ việc vài năm nay, nhiều người dân và quan chức tin rằng lá ấn tại đền giúp thăng quan, tiến chức.

NhưThanh Niên đã thông tin, mặc dù Sở VH-TT-DL Nam Định đã ra công văn cấm bán ấn tại đền Bảo Lộc (Nam Định) nhưng người dân vẫn đổ về đây nườm nượp để mua ấn. Nguyên nhân xuất phát từ việc vài năm nay, nhiều người dân và quan chức tin rằng lá ấn tại đền giúp thăng quan, tiến chức. 

Ấn đền Bảo Lộc được bày bán ở các hàng quán ven đền - Ảnh: Hoàng Long
Ấn đền Bảo Lộc được bày bán ở các hàng quán ven đền - Ảnh: Hoàng Long
Giáp ngày khai ấn đền Trần năm nay (rằm tháng giêng năm Ất Mùi), có mặt tại đền Bảo Lộc, PV chứng kiến cảnh người ra vào đền tấp nập. Tất cả đều ra về với vẻ mặt hồ hởi vì có được lá ấn đền Bảo Lộc. Phấn khởi nhất là những người được vào hậu cung bằng lối cửa tò vò, bò 3 vòng quanh gầm ban thờ rồi tự tay đóng ấn cho mình.
Chị Nguyễn Thị Hải, một người dân ở ô 17, P.Hạ Long, TP.Nam Định cho biết năm nay chị có con thi đại học, dù chưa biết thực hư nhưng cũng đem con lên đền, cố lấy được cánh ấn cầu cho con thi đỗ và sau này thành đạt.
Sửa đền nên mới phải bò !
Tuy nhiên, ngay lập tức quan điểm này đã bị bác bỏ bởi chính những người am hiểu về đền Trần và triều đại nhà Trần. Ông T.V.H, ở xã Mỹ Phúc, có nhà ngay giáp đền Bảo Lộc, cho biết: Cách đây hơn chục năm, khi chưa có tục “vào luồn ra cúi” rồi xin ấn thì sẽ được làm quan, nhà đền Bảo Lộc khoét một ô trên cửa vào bên phải, yêu cầu khách đến xin ấn phải bò 3 vòng quanh gầm ban thờ rồi mới cho ấn thì có mấy ai xin ấn đền Bảo Lộc đâu.
Cũng theo ông H., tập tục “vào luồn ra cúi” xuất phát từ việc nhà đền sửa hậu cung. Do hậu cung chật nên khi mở rộng ban thờ thì chỗ đứng cho người hành lễ không còn. Người vào hành lễ phải bò qua gầm ban thờ để sang phía trái hậu cung. “Không hiểu ai “sáng tác” ra việc bò quanh ban thờ 3 vòng với câu nói “vào luồn ra cúi để thăng quan”. Nhưng đáng nói là mọi người đều tin vào điều phi lý, thậm chí phản văn hóa này rồi nườm nượp đến đây chui, bò”, ông H. ngậm ngùi nói. “Nếu như thế mà thăng quan, tiến chức thì cả xã Mỹ Phúc này đều thành quan hết rồi, sao phải đi cày ruộng, bán hàng ở đền mưu sinh”, ông H. nói thêm.
Theo một người dân khác ở xã Mỹ Phúc, nơi có đền Bảo Lộc, thì từ ngày có tục này, số người về đền đông hẳn. Nhà đền giàu lên trông thấy. Người này cho hay: “Ở xã tôi có câu: “Một năm làm đền bằng 5 năm đi đức. Nghe đâu mỗi khóa làm thủ từ 2 năm kiếm được khoảng 5 tỉ đồng”.
Chiếc ấn chưa bao giờ dùng đến
Về khía cạnh khoa học, luận điểm trên cũng bị phản đối gay gắt. Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng Nam Định, người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Trần và lễ hội đền Trần, cho biết: Đền Bảo Lộc là nơi thờ An Sinh vương Trần Liễu, cha của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Ấn được đóng tại đây là chiếc ấn “Trần triều Quốc Bảo” do vua Trần ban thưởng cho Trần Quốc Tuấn vì ông có công dẹp giặc ngoại xâm. Dù hiểu thế nào thì chưa bao giờ chiếc ấn này mang ý nghĩa thăng quan, phát tài mà thực ra là ban cho ông quyền xét xử, tha hay xử tử người khác. Theo ông Thư, tư liệu lịch sử cho thấy suốt cuộc đời mình, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chưa từng dùng đến quyền lực của chiếc ấn này. “Vậy mà con cháu của ngài ở đền Bảo Lộc lại xiên xẹo ý nghĩa của chiếc ấn để kiếm lợi”, ông Thư than thở.
Xếp hàng để vào hậu cung “vào luồn ra cúi” mua ấn thăng quan tại đền Bảo Lộc
Xếp hàng để vào hậu cung “vào luồn ra cúi” mua ấn thăng quan tại đền Bảo Lộc
Ông Bạch Ngọc Chiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, khẳng định đây là hành vi xuyên tạc lịch sử để trục lợi, từ nhiều năm qua tỉnh đã chỉ đạo tuyên truyền, làm rõ vấn đề này đến du khách về dự hội. Mới đây nhất, khi có phản ánh về tình trạng đóng ấn, bán ấn tràn lan, gây phản cảm, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo cấm. “Nhưng không hiểu sao mọi người vẫn tin vào truyền thuyết vô lý đó”, ông Chiến băn khoăn.
Khi được PV thông tin có cả lãnh đạo cấp sở của Nam Định cũng đến “vào luồn ra cúi” rồi mua ấn để mong thăng quan, tiến chức, ông Chiến cho rằng ngay cả cán bộ tỉnh còn nhận thức như thế nên nhiều người dân mới tin vào truyền thuyết phản cảm này. Ông Chiến cũng cho biết sẽ báo cáo với UBND tỉnh để ngăn chặn tình trạng này.
Về tình trạng hàng quán tràn vào khắp sân, nội tự của đền Bảo Lộc, ông Chiến thông tin UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo huyện Mỹ Lộc phải thành lập ban quản lý, đưa hoạt động tại đền này vào quy củ nhưng đến nay nhà đền và một số người dân có quyền lợi ở đây vẫn phản ứng quyết liệt. Nguyên nhân là vì quyền lợi kinh tế quá lớn.
“Tuy nhiên, không thể vì quyền lợi của một nhóm người mà để tiếp diễn tình trạng này. Lần này, tỉnh Nam Định sẽ làm quyết liệt, khi nào được thì thôi”, ông Chiến khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.