Đó là dự án “Hạn chế sử dụng túi nylon và cải tiến giỏ đi chợ truyền thống” của bạn Nguyễn Thanh Tiến, sinh viên khoa Môi trường, trường ĐH Sài Gòn.
Giỏ đi chợ đa ngăn
Kiểu dáng bên ngoài của chiếc giỏ này tương tự như giỏ đi chợ thông thường, làm bằng nhựa, cao khoảng 50 cm, rộng khoảng 30 cm. Giỏ có hai phần: phần dưới đáy là 2 khay chứa thực phẩm được thiết kế giống như ngăn kéo tủ có khuy gài an toàn tránh bị xô lệch và bung ra khi di chuyển. Trong các ngăn được chia thành nhiều hộc với kích thước khác nhau, gồm một ngăn đựng thịt, cá hạn chế bay mùi thức ăn sống và một ngăn chứa rau, có tác dụng hạn chế thức ăn sống chín bị trộn lẫn, ngăn ngừa cát đất bám vào thực phẩm, có thể dùng như thau (chậu) để rửa rau xanh hoặc giữ nước ngâm cho rau tươi. Khuôn đặt khay vào có gờ sẽ giữ khay chứa thực phẩm bên trong chắc hơn. Mỗi khay có thể chứa từ 2 - 3 kg thực phẩm. Còn phần ở trên khay, người dùng có thể đựng thực phẩm khô hay áo khoác, nón, mắt kiếng…
Chiếc giỏ này giống như một tủ lạnh thu nhỏ, vừa đảm bảo chức năng đựng hàng hóa cho người dùng, cộng thêm phần lưu trữ và bảo quản thực phẩm, đồng thời góp phần làm giảm thiểu tác động của túi nylon về mặt sức khỏe, môi trường và các thành phần kinh tế khác.
Túi ba quai
Ngoài chiếc giỏ nhựa dành cho những bà nội trợ trên, Tiến còn thiết kế thêm chiếc túi dành cho chị em công nhân và người làm việc văn phòng. Túi ba quai làm bằng vải giúp phân loại thực phẩm tại nguồn vì bên trong có hộp đựng thực phẩm, hộp rửa thực phẩm và hộp đựng thức ăn. Dưới đáy túi có thêm ngăn bảo quản thức ăn cho hợp thẩm mỹ, còn có tác dụng giữ nhiệt. Người dùng có thể đặt túi vào tủ lạnh, mang đi du lịch, đến cơ quan… Nhờ có ngăn phân loại thực phẩm từ đó dần hình thành ý thức phân loại rác thải cho người sử dụng.
|
|
|
Khởi nghiệp với 4 triệu đồng (số tiền do Đoàn khoa và nhà trường hỗ trợ), chàng trai này phải tự đi mua nguyên liệu, màu, chất liệu làm nên chiếc giỏ. Sau đó, Tiến liên hệ với Công ty TNHH bao bì Kim Nhật nhờ sản xuất. Đợt sản phẩm đầu tiên đã ra lò với 10 chiếc giỏ nhựa và 30 chiếc túi ba quai hàng mẫu. Tiến đã giới thiệu về dự án của mình tại khu lưu trú văn hóa công nhân Q.Bình Tân, TP.HCM. Từ đó, bạn lấy ý kiến người dân để cải tiến sản phẩm. Đồng thời, Tiến cũng lồng ghép sản phẩm vào tuyên truyền bảo vệ môi trường.
Hiện tại, Tiến đang liên hệ cùng các công ty nhựa gia dụng trình bày kế hoạch trong giai đoạn hai là cải tiến sản phẩm và tìm nhà đầu tư. Tiến dự tính sẽ tham gia cuộc thi Ý tưởng kinh tế xanh của diễn đàn Thế hệ xanh để tìm nguồn tài trợ cho dự án và đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ sáng kiến của mình.
Tiến cho biết: “Với mỗi sản phẩm của bạn có thể hạn chế được từ 5 - 10 túi nylon/ngày thì bài toán rác nylon sẽ có thêm một lời giải”. Hiện nay chàng trai này đang tất bật xây dựng một đội ngũ thực hiện dự án như kêu gọi thanh niên tình nguyện trong trường để giới thiệu sản phẩm cho người dân và thuyết phục doanh nghiệp khác tiếp nhận sản phẩm.
Tuyết Vân
Bình luận (0)