Hy Lạp có một hòn đảo mang tên Santorini - tâm điểm của truyền thuyết Atlantis, nơi được xem khởi nguồn của nền văn minh nhân loại. Atlantis mãi mãi là truyền thuyết, còn Santorini thì hiện hữu ngoài khơi Địa Trung Hải, ẩn chứa sự tò mò về một thế giới đã biến mất.
Phong cảnh Santorini - Ảnh: Đoàn Xuân Hải |
Truyền thuyết và phim ảnh
Có rất nhiều phim tài liệu do các kênh truyền hình nổi tiếng trên thế giới, trong đó có Discovery, thực hiện đề tài Atlantis và cũng khá nhiều phim truyện dựng lại câu chuyện về lục địa đã biến mất dưới lòng biển này.
Thế giới Atlantis được đề cập trong một tác phẩm của triết gia Hy Lạp lừng danh
Platon thời cổ đại cách nay hơn 2.300 năm. Theo đó, thế giới Atlantis của Platon, hiện diện hơn 11.000 năm trước, là một lục địa có nền văn minh vượt trội so với phần còn lại của quả địa cầu. Như thế này cho dễ hình dung: trong khi ở Atlantis người ta đã xây nhà lầu bằng gạch và đá, tường tô vữa, thì hầu hết lãnh thổ châu Âu vẫn còn là nhà tranh vách đất, cuộc sống lam lũ, mông muội. Thành phố Athens (thủ đô của Hy Lạp ngày nay, nằm cách Santorini 300 km) cũng có nền văn minh tương đồng với
Atlantis thời bấy giờ. Ai cũng biết Hy Lạp chính là cái nôi của nền văn minh nhân loại từ vài ngàn năm trước, nhưng với Platon thì “cái nôi” ấy - Atlantis - xuất hiện còn sớm hơn gần chục ngàn năm nữa. Vì sao nền văn minh rực rỡ ấy lụi tàn?
Theo truyền thuyết, do mang tội báng bổ thánh thần, Atlantis đã phải gánh chịu cơn thịnh nộ của núi lửa, tiếp theo đó là đại hồng thủy, dìm vùng đất này dưới làn nước biển. Mặc dù đã tốn khá nhiều công sức để truy tìm, nhưng những gì chứng minh sự tồn tại của một nền văn minh thời Atlantis vẫn còn là điều bí ẩn chìm sâu dưới đáy đại dương. Atlantis vì thế mãi mãi vẫn là truyền thuyết, một huyền thoại. Những ai đã từng xem phim truyện có nhan đề Atlantis: End of a world birth of a legend
(Atlantis: Huyền thoại về một thế giới đã mất) và có máu phiêu lưu, hãy làm một chuyến du lịch đến đảo Santorini của Hy Lạp. Tại sao lại là Santorini? Câu trả lời nằm ở chỗ hòn đảo này chính là tâm điểm của bộ phim nói trên.
Cây nho cuộn tròn như tổ chim ở Santorini
|
Vùng đất mê hoặc
Triết gia Platon tạ thế cách nay 2.362 năm, trong khi tai họa núi lửa được xem là khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại ập xuống Santorini xảy ra tính đến nay đã là 3.615 năm. Khoảng cách hơn 1.200 năm ấy đủ để tiền nhân ghi chép lại vào sử sách, rồi từ đó Platon đưa ra giả thuyết về Atlantis. Có lẽ tạm thời xếp lại điều bí ẩn của tiên sinh Platon về một thế giới đã bị dìm sâu dưới đáy biển để nói về một vùng đảo hiện hữu trên Địa Trung Hải.
Nhìn từ không ảnh do vệ tinh chụp, đảo Santorini (tên cổ đại là Thera) trông giống cái bánh sừng trâu, ở giữa có một “cái nhân mứt nho đen”.
Santorini gồm những rặng núi vòng cung và một ốc đảo chính giữa - “cái nhân mứt nho đen” - kết quả của sự phun trào nham thạch. “Cái nhân” này vẫn còn âm ỉ hoạt động dưới lòng đại dương, chưa biết khi nào thì “nổi giận” như thời Atlantis. Địa hình của Santorini ngày nay là tàn tích của miệng núi lửa khổng lồ, hình thành sau tai họa xảy ra 1.600 năm trước Công nguyên như đã đề cập. Nham thạch của núi lửa đã “vô tình” ban tặng cho vùng đảo này có một lớp đất màu mỡ, trồng trọt rất tốt, trong đó có cây nho. Cư dân
Santorini đã biết sản xuất rượu vang cách đây 3.600 năm, từ một giống nho thượng hạng có tên Assyrtiko. Không giống những cánh đồng nho bạt ngàn đứng thẳng tắp như vùng Bordeaux của nước Pháp, cây nho ở
Santorini nằm sát rạt dưới mặt đất, cuộn tròn lại như cái tổ chim. Sở dĩ phải như vậy vì vùng đảo này gió mạnh thổi tứ bề, thân cây nho mảnh khảnh không thể đứng thẳng một cách “hiên ngang” được.
Đến Santorini vào thời điểm hiện nay, du khách có thể mua vài chai rượu vang (đặc biệt vang trắng) từ các trang trại trên đảo mang về làm quà, chắc chắn sẽ mãn nguyện vì hương vị rất ngon mà giá cả cũng vừa phải. Ngoài cây nho, Santorini còn có một đặc sản khác là cà chua. Không giống bất kỳ loại cà chua nào khác trên thế giới, cà chua ở Santorini chỉ to bằng trái cherry, nên được gọi là cà chua cherry (riêng tôi đặt cho nó tên “cà chua xì trum”). Tuy “nhỏ nhưng có võ”, cà chua xì trum ngọt lịm, nếu đưa cho người mới gặp lần đầu mà nói là trái cherry chắc sẽ có vô số người lầm.
Cái độc đáo của Santorini hiện nay chính là những khu phố với những ngôi nhà xếp chồng lên nhau trên... miệng núi lửa, cao khoảng 300 m so với mặt nước biển. Ngồi nhâm nhi cà phê hoặc thưởng thức ly rượu vang ở một quán nào đó từ trên cao, bạn sẽ có một cái nhìn bao quát về biển, núi và trời của hòn đảo này. Trời xanh - mây trắng - biển xanh là gam màu đặc trưng ở
Santorini, giống như 2 màu xanh - trắng của lá cờ Hy Lạp vậy. Và không biết cội nguồn từ đâu, hầu hết nhà cửa ở Santorini đều sơn đúng 2 màu cờ Hy Lạp, kể cả nhà thờ Chính thống giáo: mái nhà màu xanh, tường sơn trắng.
Thị trấn vùi trong nham thạch
Nếu có ai đó còn hoài nghi về thế giới Atlantis đã biến mất của Platon, và muốn “giải mã” sự hoài nghi ấy, thì có thể kiểm chứng tại khu khảo cổ Akrotiri trên đảo Santorini. Akrotiri được một nhà khảo cổ Hy Lạp phát hiện vào năm 1967, hiện nay là một trong những điểm khảo cổ nổi tiếng bậc nhất của thế giới. Người ta đã phát hiện, khai quật và trưng bày một phần của thị trấn thời cổ đại bị nham thạch và tro bụi núi lửa chôn vùi cách nay hơn 3.600 năm, đúng như các bộ phim truyện nói về Atlantis diễn tả. Lúc ấy, một số cư dân nhanh chóng xuống thuyền dong buồm chạy xa khỏi hòn đảo, số còn lại chậm chân đã bị chôn sống và vĩnh viễn nằm lại dưới lớp nham thạch phun trào của núi lửa. Akrotiri và thành phố Pompeii của nước Ý láng giềng có số phận giống nhau là bị hủy diệt bởi thiên tai. Thảm họa núi lửa Pompeii xảy ra cách nay 1.936 năm, cũng đã được Hollywood dựng thành phim.
Đọc sách, xem phim xong, quẩy ba lô lên đường đến Santorini - nơi được ví như “hòn ngọc của Địa Trung Hải” - để khám phá điều bí ẩn của Platon, há chẳng thú vị sao?
Bình luận (0)