Bỏ cuộc khi gần đến đích
Trường Khoa, sinh viên một trường CĐ nghề tại TP.HCM rít xong điếu thuốc, vừa vứt tàn xuống đất và dùng chân ấn mạnh vừa nói như trách mình: “Biết bao nhiêu lần quyết tâm từ bỏ thuốc lá mà đến tận bây giờ vẫn không thể cai được”.
Nhớ lại một cách chi tiết và đầy đủ, Khoa cho biết anh đã 8 lần bỏ hút thuốc và đều... suýt thành công. Trong đó, có lần cha anh ra lệnh phải bỏ cho bằng được, nếu không thì đừng về nhà; hay bạn gái ra tối hậu thư “hoặc chọn em hoặc chọn thuốc”. Khoa bỏ lửng câu nói “thế mà...”, tiếp tục rít từng hơi dài và phả khói một cách sành điệu.
|
Nhiều bạn trẻ cũng rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười khi dừng lại quyết tâm thực hiện mục tiêu ban đầu. Tuấn Minh, một sinh viên ngành kỹ thuật than thở: “Đã cố gắng hết sức mà vẫn không “vĩnh biệt” được thói quen nhậu nhẹt”. Trong hai năm qua, nhiều lần Tuấn Minh quyết đoạn tuyệt với rượu bia bằng cách thề thốt, ký giao kèo uống lần này nữa rồi thôi. Tuy nhiên, kết cục là “ngưng nhậu là tạm thời, còn nhậu mới là mãi mãi”.
Thi đỗ vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM vào năm 1997 là niềm tự hào của không chỉ riêng bản thân anh V.T (quê Bà Rịa-Vũng Tàu) mà còn của cả gia đình anh. Suốt 4 năm liền, ba mẹ V.T làm lụng vất vả để chu cấp tiền bạc cho anh ăn học. Dù không sa lầy vào nhậu nhẹt, rượu chè, ăn chơi nhưng trớ trêu thay, V.T dường như không chú tâm vào việc học, nhiều lần thi cứ rớt lên rớt xuống.
Đến năm học cuối, V.T vẫn còn nợ một số môn nên không đủ điều kiện thi tốt nghiệp lần thứ nhất. Thay vì cố gắng trả hết nợ để đủ điều kiện thi tốt nghiệp lần 2, V.T lại bỏ về quê nghỉ ngơi. Bạn bè khuyên bảo hết lời, V.T cũng hứa này nọ nhưng đến gần ngày thi, anh dửng dưng cho qua. Khi công ty nơi anh thực tập bấy lâu đề nghị anh bổ túc hồ sơ, bằng ĐH để được ký hợp đồng chính thức, V.T không thể đáp ứng. V.T day dứt: “4 năm học ĐH tốn biết bao nhiêu tiền của, công sức cha mẹ, giờ chẳng có gì trong tay. Mình rất hối hận nhưng cơ hội đã vuột mất rồi”.
Chưa đánh đã thua
Qua khảo sát của chúng tôi, khá đông bạn trẻ thừa nhận họ từng bỏ cuộc trong nhiều trường hợp như mang cà mèn cơm đến lớp, đến công sở; quyết tâm không ngủ nướng, dậy sớm tập thể dục; cố gắng đi làm bằng xe buýt; cai thuốc lá, bỏ rượu bia… Những lý do phổ biến được đưa ra là: tâm lý “chưa đánh đã thua”, mục tiêu không rõ ràng, “mất lửa” trong quá trình thực hiện, dễ nản lòng khi gặp khó khăn…
Thành Long, sinh viên một trường ĐH ngoài công lập tại TP.HCM, tự nhận bản thân anh cũng nhiều phen “vật vã” với việc cai đi nghiện lại thói quen hút thuốc lẫn nhậu nhẹt. Lý do? Theo Thành Long, có khá nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là vì… hoàn cảnh xung quanh. “Mình quyết tâm là vậy, nhưng khi đến trường, ra quán uống nước, nhìn bạn bè hút cũng thèm. Hình ảnh này cứ lặp lại hoài quen mắt nên dù gắng gượng cũng khó dứt”, Long lý giải.
Còn Hoàng Sự, sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, khẳng định một lý do khác dẫn đến việc nhiều bạn trẻ, nhất là những sinh viên dễ từ bỏ mục tiêu đặt ra chính là tâm lý “chưa đánh đã thua”. Sự giải thích: “Các bạn cứ nghĩ có biết bao người đã từng như thế nhưng không thực hiện thì có lẽ mình cũng chẳng khá hơn, hay việc thay đổi thói quen chẳng dễ dàng như mình tưởng tượng đâu nên thôi, không làm nữa”.
Cùng ý kiến như trên, Long phân trần: “Nếu lúc mình muốn cai điều gì đó mà bạn bè xung quanh có cùng suy nghĩ, cùng ý chí, chắc chắn sẽ thực hiện được. Chứ muốn bỏ thuốc lá mà toàn đi với người hút thuốc, muốn bỏ nhậu mà cứ được rủ đến quán bia, quán rượu thì không thể nào cai thành công”.
Phụ trách các lớp võ tự vệ miễn phí dành cho nữ công nhân, giới văn phòng gần đây tại Cung văn hóa Lao động TP.HCM, võ sư Lê Hoàng Mai phân tích những nguyên nhân chính khiến một số học viên ban đầu rất háo hức, nhưng sau đó… rơi rụng dần. Ông nói: “Phần lớn, chị em viện cớ bận bịu công việc. Đặc biệt, họ ít vận động nên bây giờ tập thấy mệt, nhức mình nhức mẩy. Từ đó dễ có cảm giác chán nản, không muốn đi nữa”.
Để khắc phục, theo võ sư Mai, điều quan trọng nhất chính là ý chí, nghị lực của mỗi người. Bởi lẽ, khó khăn luôn luôn nảy sinh, không thể tránh khỏi trên đường đời. Nếu chúng ta vì khó khăn mà bỏ cuộc thì sau này phải làm lại từ đầu, có khi khó khăn gấp bội. “Một khi vượt qua được những thử thách, chúng ta sẽ cảm thấy mình mạnh mẽ, quyết đoán và tự tin hơn rất nhiều trong cuộc sống”, võ sư Lê Hoàng Mai khẳng định.
Ý kiến Chiến thắng từ những điều nhỏ nhặt Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều bạn trẻ bỏ cuộc. Thứ nhất, đó là do các bạn chưa tạo điều kiện để biến nỗ lực thành thói quen hằng ngày. Chẳng hạn, bạn có nỗ lực đi tập thể dục buổi sáng nhưng lại thức khuya dẫn đến không thể dậy sớm đi tập. Hay như muốn đi tập thể dục nhưng buổi tối lại không chuẩn bị kỹ lưỡng dụng cụ, chưa giặt giày khiến lười mang giày bẩn; không đặt đồng hồ báo thức khiến dậy trễ; không ăn sáng dẫn đến việc tập mệt, làm buổi sau "sợ" phải đi tiếp... Nguyên nhân tiếp theo là do bản thân thiếu ý chí, dễ buông xuôi, làm nô lệ cho những cảm xúc dễ chịu. Giữa một bên ngủ nướng và một bên dậy chạy thể dục, thường mọi người sẽ chọn cái "dễ làm hơn". Để thay đổi tình trạng này, mỗi người cần tạo điều kiện đưa mình vào những tình huống phải thực hiện, qua đó củng cố thành thói quen. Chẳng hạn như phải đặt đồng hồ báo thức ở một nơi xa giường ngủ, muốn tắt phải bắt buộc thức dậy; cần công bố việc mình sẽ quyết tâm thực hiện cho bạn bè, người thân biết, để họ sẽ là người giám sát, nhắc nhở mình thực hiện… Và chúng ta nên nhớ rằng, nếu cứ phụ thuộc vào thói quen, không làm chủ được mình thì sẽ không làm chủ cuộc đời mình. Mình chịu thua trong những trường hợp nhỏ thì gặp cái lớn hơn sẽ đầu hàng. Muốn làm chủ cuộc sống phải chiến thắng bản thân từ những điều nhỏ nhặt nhất. Nghĩ đến điều này sẽ giúp chúng ta khó từ bỏ quyết tâm hơn. Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu Lặp lại thói quen thuở nhỏ Theo tôi, việc bỏ dở giữa chừng trong bất kể lĩnh vực nào của bạn trẻ có một phần nguyên nhân từ quá khứ. Thông thường, trẻ nhỏ hay làm việc gì đó theo cảm tính. Thiếu sự kèm cặp của người lớn, trẻ dễ nản chí và bỏ cuộc trước những vấn đề khó khăn, như lắp ghép đồ chơi, học tập… Nếu không được khắc phục và rèn luyện tốt, khi lớn lên, các em sẽ lặp lại như một thói quen. Với người trẻ, những bạn hay bỏ cuộc thường chỉ có mục đích nhưng chưa đề ra được cách thức, lộ trình thực hiện cũng như những khó khăn gặp phải trong giai đoạn chinh phục mục tiêu. Do vậy, khi gặp trở ngại hoặc biến cố, khó khăn, các bạn dễ nản chí và bỏ ngang. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh Chưa cố gắng hết sức Chúng ta không nên biện minh sự bỏ cuộc của mình bằng những lý do bên ngoài. Thay vào đó, phải thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân chính dẫn đến thất bại là do bản thân ta chưa cố gắng hết sức. Muốn loại trừ thói quen hút thuốc chẳng hạn, chúng ta chịu khó tìm tới môi trường không có thuốc lá, không có người hút thuốc lá và thay đổi những thói quen hằng ngày liên quan đến việc hút thuốc... Minh Vương (Kỹ sư công nghệ thông tin) X.P - M.L - L.T |
Như Lịch - Xuân Phương - Lê Thanh
>> Sao dễ bỏ cuộc ?
>> Giáo dục thanh niên cách ứng xử văn hóa
>> Đổi mới công tác Hội theo nhu cầu của thanh niên
>> Vườn cây thanh niên trên Thủy điện Sơn La
Bình luận (0)