Ở Brazil, Pele và Zico đều đã có lúc giữ ghế bộ trưởng thể thao. George Weah thậm chí đã vào đến "vòng chung kết" trong cuộc bầu cử tổng thống ở Nam Phi hồi năm 2005. Nhưng Gianni Rivera đặc biệt hơn cả. Ông cũng quay sang chính trị sau khi kết thúc sự nghiệp bóng đá và từng giữ ghế Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ý dưới thời Thủ tướng Romano Prodi.
|
Cầu thủ Rivera ngày trước và chính khách Rivera bây giờ - Ảnh: AFP
|
Rivera là một trong những huyền thoại vĩ đại nhất của Calcio. Dưới màu áo Azzurri, ông từng vô địch Euro 1968 và đoạt chức á quân World Cup 1970 (thua đội Brazil của Pele). Ông xuất hiện lần đầu tiên trên sân cỏ Serie A khi mới 15 tuổi và ngay sau đó, vào tuổi 16 Rivera gia nhập AC Milan với bản hợp đồng kỷ lục thế giới về giá chuyển nhượng. Ở Milan, Rivera đoạt Quả bóng vàng châu Âu năm 1969. Ông và đồng đội lấy Cúp C1 châu Âu 2 lần, Cúp C2 châu Âu 2 lần, chưa kể hàng loạt danh hiệu khác. Ngoại trừ năm đầu chơi cho đội bóng nhỏ Alessandria (từ khi mới 15 tuổi), gần 2 thập niên còn lại trong sự nghiệp bóng đá của Rivera đều diễn ra ở Milan. Rivera gắn bó đến nỗi ông từng giữ ghế Phó chủ tịch Milan đến năm 1986.
1986 là một cột mốc quan trọng đối với cả Milan lẫn Rivera. Silvio Berlusconi mua lại đội bóng nổi tiếng này và ngay lập tức Rivera phải bỏ đi. Ông không huấn luyện, mà chuyển luôn sang lĩnh vực chính trị. Giống như trong bóng đá, Rivera thành công rất nhanh trên chính trường. Nên nhớ, đây là chính trường Ý và châu Âu (chứ không phải Liberia như sân chơi của George Weah). Năm 1987, Rivera đắc cử lần đầu tiên, trở thành thành viên quốc hội Ý. Rồi ông lại được bầu vào Nghị viện châu Âu khi đại diện cho đảng Uniti dell'Ulivo.
Rivera cũng từng giữ ghế Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong nội các của Thủ tướng Prodi. Điều này có nghĩa, trên sân chơi chính trị thì huyền thoại Milan Gianni Rivera lại là đối thủ của ông chủ Milan Silvio Berlusconi. Giới chuyên môn nhận xét, tiếng nói luôn mạnh mẽ của Rivera trong việc chống lại Berlusconi là một ưu điểm của chính khách này. Ông có thái độ vô cùng nghiêm túc khi bước vào chính trường và nhìn chung thì không hề lợi dụng danh tiếng cũ trong lĩnh vực bóng đá. Điểm yếu của Rivera là ông thuộc phe trung - tả vốn không mấy đoàn kết ở Ý. Tất nhiên, người ta không biết quá nhiều về việc cụ thể của Rivera khi ông giữ một chức vụ quan trọng trong Bộ Quốc phòng Ý.
Một tạp chí từng xếp Rivera vào vị trí số 3 trong top 10 chính khách xuất thân từ giới thể thao (2 người xếp trên Rivera đều hoạt động ở Mỹ, xuất thân từ các môn bóng rổ và bóng đá kiểu Mỹ). Rivera được chấm điểm 9/10 về sự nghiệp thể thao và điểm 7/10 cho một sự nghiệp chính trị vẫn chưa kết thúc.
Vì sao Rivera quay sang lĩnh vực chính trị? Ông nói trong một cuộc phỏng vấn: "Tôi muốn thay đổi một số điều. Trong chính trường, tôi nhìn ra được không ít người tốt. Đấy là những người luôn sẵn sàng hy sinh quyền lợi, thậm chí hy sinh cả cuộc sống cho lý tưởng của họ. Ngược lại, chính trường cũng là nơi có rất nhiều người lợi dụng lý tưởng của người khác để trục lợi. Có cả những nhân cách lớn lẫn những kẻ lợi dụng".
Nói chung, Rivera có cả năng khiếu bóng đá lẫn năng khiếu chính trị. Đặc điểm ấy đủ để ông lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Ý (FIGC)? Rivera từng đứng đầu một bộ phận tương đối "chính trị" trong hàng ngũ FIGC. Đó là bộ phận đặc trách vấn đề giáo dục cho cầu thủ trẻ. Sau scandal dàn xếp trọng tài ầm ĩ hồi năm 2006, FIGC rơi vào cơn khủng hoảng. Mãi đến năm 2007, người ta mới bầu được một nhân vật giữ ghế chủ tịch là Giancarlo Abete. Sau đó, Abete đề nghị Rivera thế chỗ, nhưng kế hoạch không diễn ra như mong muốn. Rivera chỉ đạt 60% số phiếu trong khi ông phải có ít nhất 93% số phiếu thì mới có thể thay chỗ Chủ tịch Abete. Rivera khi ấy thậm chí đã soạn thảo một kế hoạch tỉ mỉ để chấn hưng làng bóng Ý, nhưng ông vui vẻ rút lui. Ông nói: "Tôi luôn rút lui nếu không có đủ số phiếu ủng hộ như quy định. Cuộc chơi phải luôn như vậy".
Bình luận (0)