Sao thế Hạ Long ?

14/10/2014 03:00 GMT+7

Du lịch VN vừa tung ra sản phẩm độc, không sợ đụng hàng “Hòa nhạc tại hang Đầu Gỗ” thuộc di sản thế giới Hạ Long vào trưa 11.10 vừa qua. Hơn 150 khách mời trong khuôn khổ Festival Âm nhạc mới Á - Âu quá mãn nhãn và mãn nhĩ bởi lần đầu được thưởng ngoạn chương trình trong không gian hang động hàng triệu năm tuổi.

Hạ Long đã tổ chức như vậy từ nhiều năm trước, bất chấp ý kiến phản đối của các nhà khoa học, khảo cổ và du lịch.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn (nguyên Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long) cho rằng làm như vậy là “Bán rẻ tài nguyên du lịch và không hiệu quả” nhưng Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long Phạm Thùy Dương thì khẳng định “Hòa nhạc không ảnh hưởng gì đến cảnh quan và thẩm mỹ của hang”.

Cảnh quan và thẩm mỹ thì còn tranh luận, nhưng tác hại về môi trường và bảo tồn hang động thì nhãn tiền. Không chỉ các chuyên gia về địa chất và khảo cổ mà những người dân bình thường cũng có thể hiểu như vậy. Nguy hại hơn, “đặc sản” này có thể lây lan sang các hang động khác như Ngườm Ngao (Cao Bằng), Phong Nha, Tiên Sơn, Thiên Đường (Quảng Bình)... Trên thế giới không ai làm chuyện ngược đời và thất đức với di sản như vậy. Ở Angkor, người Khmer cũng tổ chức ngoài sân chứ không đưa vào trong đền.

Hang động ở các nước được bảo vệ nghiêm nhặt, khống chế lượng khách tham quan mỗi ngày và cấm nhiều thứ như hút thuốc, dùng loa, la hét; hạn chế chụp ảnh đèn flash... Định kỳ, các hang động được khám sức khỏe và nghỉ ngơi để “phục hồi sức khỏe”. Nhiều bảo tàng còn cấm chụp ảnh và không cho khách dừng bước. Ngay cả hơi thở của khách tham quan cũng có tác động xấu đến hiện vật trưng bày. Hạ Long thì không. Mùa cao điểm, khách chen chúc muốn ngộp thở, tiếng ồn của đám đông và âm thanh của loa tra tấn người tham quan và cả hang động.

Không hiểu ai là tác giả của “tối kiến” lạ đời này. Thiên hạ không dám làm và không được phép làm. Hòa nhạc trong hang Đầu Gỗ là điển hình cho việc xâm hại di sản không thể nào biện minh. Không chỉ “bán rẻ tài nguyên và không hiệu quả” mà còn là sự phá hoại nhiều giá trị văn hóa.

Hạ Long đã có mặt trong “black list” (danh sách đen) của Unesco với nhiều khuyến nghị về bảo tồn. Xin đừng tiếp tay cho việc đưa Hạ Long khỏi danh sách di sản thế giới. Một đất nước tự hào với văn hiến mấy ngàn năm không thể chấp nhận những hoạt động “vô văn hóa” và xâm hại tới di tích như vậy.

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.