Nguyễn Thị Tĩnh bảo điền kinh thay đổi cuộc đời chị. Quan trọng nhất, nó cho chị một người chồng tuyệt vời.
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 56: Đi mãi với đam mê
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 55: Lá thư trên giường bệnh
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 54: Con nhà tông nhưng không ỷ lại
Cho người yêu cùng tập
Nguyễn Thị Tĩnh đưa bàn chân trái ra, từ mắt cá xuôi xuống phần đuôi gót chân phồng lên lạ lùng - di chứng của chấn thương xơ gót chân từ đầu những năm 2000. Với bàn chân này, người ta tưởng chị đã bỏ cuộc tại SEA Games 2003, nhưng cô gái nhút nhát bỗng trở thành người có ý chí thép, nhờ một người đàn ông!
Tiếng sét ái tình của Tĩnh đến vào năm 1997 khi ánh mắt anh chàng Nguyễn Văn Phúc, bằng tuổi, cùng bộ môn điền kinh, vô tình ngang qua cô. Họ yêu nhau, cùng chia sẻ những cơn mưa bất ngờ đổ ập xuống đường chạy đầy cỏ dại ở Khu thể thao Quần Ngựa, những bữa cơm chỉ có độc rau muống luộc, lạc rang muối trong bếp ăn tập thể. Tĩnh vào đội tuyển điền kinh Việt Nam năm 1998, lúc nào Phúc cũng đi theo chị, tình nguyện làm một cổ động viên trung thành.
|
Sau khi phát hiện gót chân trái của mình đang tập luyện bỗng nhói lên tận óc, đi khám được bác sĩ Moss nổi tiếng người Đức chẩn đoán xơ gót chân, khuyên chị nên phẫu thuật. Tĩnh kiên quyết nói không, vì sợ vĩnh viễn không ghi được thành tích. Để vượt qua nỗi đau, Tĩnh dùng vải quấn kín lòng bàn chân, vừa cắn răng vừa chạy, cảm giác như sắp bị đứt lìa gót chân. SEA Games 22 ngay trước mắt, leo cây đến ngày ăn quả, Tĩnh không muốn bỏ cuộc. Chuyên gia người Trung Quốc, bà Vy Tường Hoa đề xuất một ý tưởng lạ lùng, cho người yêu Tĩnh được tập cùng chị. Lần đầu tiên trong lịch sử huấn luyện VĐV, người ta thấy trên đường chạy có một anh chàng và một cô nàng chơi trò... đuổi bắt. Nguyễn Văn Phúc không có thành tích nổi bật, song lại là người cảm giác về tốc độ rất chuẩn. Phúc chạy chỉ như một nữ đối thủ của Tĩnh, để chị cứ thế đuổi theo, ánh mắt, nụ cười của Phúc truyền thêm lửa cho chị. Cứ thế, Tĩnh quên đi cái chân đau, chị chạy vì cảm giác mình không đơn độc trên đường đua. Cảm giác này đưa một cô gái suýt không được tham sự SEA Games thành chủ nhân các HCV vinh quang ngay trong dịp sinh nhật 22 tuổi.
Tĩnh bảo, bây giờ cái chân đã “ngoan”, trừ những ngày rét quá, nó mới trở chứng đau buốt lên óc, còn lại Tĩnh vẫn “chung sống hòa bình”. Nhìn vết phồng nằm lại nơi bàn chân, Tĩnh không quên những tháng ngày cả hai vợ chồng vã mồ hôi trên đường chạy ở xứ người, tối tối Phúc nấu cơm cho cô ăn, bóp chân, động viên Tĩnh. Lần Tĩnh đau ngất lịm giữa đêm, Phúc cõng chị xuống mấy tầng nhà, tìm bác sĩ. Thấy kim tiêm bác sĩ chuẩn bị đâm vào gót chân, Tĩnh hét thất thanh, khóc lóc thảm thiết, Phúc lại là bác sĩ tâm lý cho bạn gái, anh dỗ dành chị như dỗ bé con. Thấm thoắt 9 năm, đầu năm 2006, Phúc đón Tĩnh về “dinh”, để mãi mãi Tĩnh không phải lo một mình chống chọi với cơn đau nào nữa.
Khóc cũng không dám khóc to
|
Tĩnh cảm ơn điền kinh bằng việc cống hiến không ngừng nghỉ. Cô chưa từng bỏ một ngày tập, dù có hôm, nghĩ đến giáo án của các thầy người Trung Quốc cũng khiến các cơ bải hoải. Tối tối, cô lại leo cầu thang lên 4 tầng nhà học lớp tại chức ĐH TDTT mở tại Trịnh Hoài Đức. Bước chân bủn rủn, người nhão ra, mắt chỉ muốn sụp xuống nhưng Tĩnh vẫn học ngày học đêm. Chị còn tự học tiếng Trung để nói, phiên dịch giúp bạn bè, đồng đội cực kỳ lưu loát. Thành tích đang rực rỡ, sau SEA Games 22, Tĩnh tuyên bố giải nghệ vì không thể chịu đựng được nữa với cái chân đau. Trước những thị phi dành cho mình, nghi ngờ chị không trung thực, kiêu ngạo, mắc bệnh ngôi sao, Tĩnh im lặng, khóc thầm.
Ít ai biết Tĩnh là một người sợ chuột, sợ bị tiêm, sợ điện thoại di động, sợ xe máy và sợ cả... trả lời phỏng vấn báo chí. Sức ép của dư luận những ngày cuối năm 2003, sau khi Tĩnh tuyên bố dừng sự nghiệp thi đấu khiến chị phải trốn hàng giờ trong toilet, khóc cũng không dám khóc to vì sợ người ta nghe thấy. Tĩnh bảo chị sống đúng với cái tâm của mình và chưa bao giờ hối hận.
Mãi đến 32 tuổi, Tĩnh mới tập đi xe máy và sử dụng điện thoại di động. Hiện chị về công tác tại Phòng Thể thao quần chúng, Sở VH-TT-DL Hà Nội. Công việc chủ yếu lo giấy tờ, hành chính nhưng bao giờ Tĩnh cũng làm bằng cả tấm lòng. Tĩnh dùng vốn tiếng Trung của mình, phiên dịch cho VĐV các quận, huyện trong buổi học với các giảng viên Trung Quốc chuẩn bị Đại hội TDTT của thành phố hay toàn quốc. Bà mẹ của một cậu con trai 6 tuổi, một cô con gái 5 tuổi luôn tỏ ra mãn nguyện với cuộc sống hiện tại. Tĩnh và chồng rảnh là lại phóng xe máy từ Cầu Diễn, H.Từ Liêm về thăm bố mẹ đẻ tại Gia Lâm. Mái nhà xưa khang trang hơn nhiều từ sự vun vén của các cô con gái, trong đó có một phần mồ hôi, nước mắt trên đường chạy của “nữ hoàng chân đất” Nguyễn Thị Tĩnh.
Thúy Hằng
Bình luận (0)