Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 6: Nữ hoàng karatedo “đẹp hơn ngày ấy”

02/02/2013 00:40 GMT+7

Ấn tượng nhất của tôi khi đến nhà Hồng Thắm, không phải là hai tấm bằng khen “Chiến sĩ thi đua cơ sở” treo trang trọng trên tường nhà, mà là mái tóc dài đến tận khoeo chân của bé Ngọc Khánh, con gái chị. Bên trong nữ võ sĩ “máu lửa” một thời này, phải chăng có một người đàn bà khác?

Ấn tượng nhất của tôi khi đến nhà Hồng Thắm, không phải là hai tấm bằng khen “Chiến sĩ thi đua cơ sở” treo trang trọng trên tường nhà, mà là mái tóc dài đến tận khoeo chân của bé Ngọc Khánh, con gái chị. Bên trong nữ võ sĩ “máu lửa” một thời này, phải chăng có một người đàn bà khác?

“Hồi đó không được đẹp như bây giờ”

Gặp chị tại nhà mẹ đẻ, người phụ nữ dong dỏng cao, với mái tóc nâu và môi hồng, mắt xanh tươi tắn không giống chút nào với hình ảnh tràn ngập trên ti vi và các trang báo cách đây chừng 16 năm về trước: một Phạm Hồng Thắm tóc tém như con trai, rạng ngời trên bục nhận HCV bộ môn karatedo tại SEA Games 19, 20. Không được gặp chị vào những ngày sôi nổi ấy, nhưng Hồng Thắm của ngày hôm nay đẹp hơn và “đằm” hơn là điều ai cũng dễ dàng nhận ra.

Rời sàn đấu khi là mẹ của cô con gái 2 tuổi, đến nay bé Ngọc Khánh, con gái chị đã 13 tuổi, cao bằng mẹ và rất ra dáng thiếu nữ. Sau SEA Games 21, chị về đầu quân cho thể thao Công an Nhân dân. Đến nay, nữ võ sĩ kỳ cựu một thời đang là huấn luyện viên của Trung tâm thể thao CAND, vừa đảm nhiệm vai trò Phó ban Quản lý huấn luyện của trung tâm. “Trước kia là vận động viên chỉ phải lo cho bản thân mình. Nhưng làm huấn luyện viên, làm quản lý, thì phải lo cho cả hàng trăm, hàng nghìn học viên”, chị tâm sự.

Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 6: Nữ hoàng karatedo “đẹp hơn ngày ấy”
Hồng Thắm (bìa trái) bên mẹ và con gái - Ảnh: Tịnh Tâm

Cứ vào mỗi mùa giải, chị lại sụt đi vài cân vì ròng rã ở sàn tập từ sáng sớm đến tận đêm khuya. Học trò của chị, mà chị vẫn âu yếm gọi là con, nhiều khi kêu oai oái vì “cả ngày mà cô chỉ uống hộp sữa cầm hơi”. Những ngày bình thường, Hồng Thắm huấn luyện cho học trò ba buổi sáng - chiều và từ 18 đến 21 giờ tối. Nhiều thế hệ học trò của chị đã đạt được thành tích cao như Hoàng Ngân, Trần Minh Đức... Học trò yêu mến chị, không chỉ vì tài huấn luyện, mà vì chị cũng là người lặn lội tìm “đầu ra” cho họ, giới thiệu làm huấn luyện viên tại các nhà thi đấu, câu lạc bộ khi họ không còn là vận động viên.

Lần thi đấu cuối cùng của Phạm Hồng Thắm là tại giải Cảnh sát quốc tế năm 2002 ở Trung Quốc. Chị kể: “Chưa bao giờ bị đau nhiều như thế, và cũng chưa có lần thi đấu nào nhiều bỡ ngỡ như thế. Bỡ ngỡ ngay từ trang phục thi đấu là quần đùi, áo hở rốn. Khi bước lên sàn đấu trước hàng nghìn con mắt đổ dồn, cảm giác xấu hổ khiến mình mất bình tĩnh ngay từ những phút đầu”. Đau, bầm dập, nhưng chung cuộc đoàn VN vẫn giành được HCB.

Suốt 11 năm sống với karatedo, Hồng Thắm cũng như tất cả các vận động viên khác chỉ biết đến tập luyện. Chị cười: “Hồi đó không được đẹp như bây giờ đâu. Tóc tém, chân tay sứt sẹo, bầm tím”. Giờ là cựu võ sĩ, nhưng chị còn bận rộn hơn cái thời còn bầm dập, lăn lộn trên sàn đấu. Ngoài cơ quan, Hồng Thắm còn hoạt động ở Ban Chấp hành Hội Phụ nữ, Ban Thanh niên của Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, Chi hội Phụ nữ của trung tâm. 

Con gái tuổi Dần

 

Phạm Hồng Thắm là VĐV karatedo số 1 VN từ năm 16 tuổi. Năm 1994 Thắm đã tham dự ASIAD, năm 1995 giành HCB Đông Nam Á và bảo vệ thành công tấm HCV tại hai kỳ SEA Games 19, 20. Khi bắt đầu tập luyện để tham dự kỳ SEA Games 21, Thắm mới sinh con được 3 tháng. Năm đó do cách xử lý bất nhất của trọng tài, Thắm mất “oan” tấm HCV tại SEA Games 21.

Hồng Thắm sinh năm 1974, tuổi Giáp Dần. Chẳng hiểu cái quan niệm “con gái tuổi Dần cao số” có vận vào chị hay không. Rời sàn tập, có nhiều thời gian hơn dành cho gia đình, nhưng hai vợ chồng chị lại chia tay nhau sau đó 4 năm. Đến giờ, hai người cũng đã tìm được cho mình hạnh phúc riêng. Tìm được chỗ dựa cho mình, nhưng sau cuộc hôn nhân không trọn vẹn, tờ giấy đăng ký kết hôn với chị không còn quá quan trọng. “Kết hôn hay không cũng chỉ hơn nhau một tờ giấy. Điều ràng buộc lớn nhất là tình cảm, là cảm xúc của mình”.

Rời con khi bé mới 3 tháng tuổi, mãi đến khi bé 2 tuổi, Hồng Thắm mới được ở gần con thực sự. Tự lập từ bé, Ngọc Khánh ngoan và chín chắn trước tuổi. Vất vả lớn nhất của Hồng Thắm khi ấy chỉ là việc đưa đón con tới trường, tới lớp học thêm mỗi ngày. Đến giờ, Ngọc Khánh đã có thể tự đạp xe đi học và vẫn sống cùng bà ngoại. Chị sống cùng anh ở gần cơ quan, và cuối tuần lại đón con gái về với mẹ. Chị thú thực mình đang quản lý con bằng... điện thoại.

Thắm kể khi còn thi đấu cô có bầu vài tháng mà không hề biết, vẫn tham dự các giải đấu, vẫn đánh đấm quyết liệt mà cái thai vẫn an toàn. Coi đó là cái duyên trời cho, chị quyết định sinh con, dù việc nuôi con lại phải nhờ hoàn toàn ở ông bà ngoại.

Khó hình dung, bên trong người phụ nữ tưởng mạnh mẽ như đàn ông ấy, lại vẫn có cái nét rất “đàn bà”. Nhưng sẽ dễ hiểu hơn khi gặp mẹ chị, người phụ nữ Hà Nội gốc vẫn đẹp nền nã ở tuổi 80. Bà nhắc cháu gái phải vén tóc sang một bên mới đẹp và ý tứ khi tôi ngỏ ý muốn chụp một bức ảnh gia đình. Mái tóc đen mượt của Ngọc Khánh là niềm tự hào của mẹ và bà.

“Tôi đang hạnh phúc”, câu cuối cùng chị nói với tôi giữa ánh sáng của nụ cười và ánh mắt long lanh, trong buổi gặp ngắn ngủi một sáng cuối năm Hà Nội mưa phùn.

Tịnh Tâm

>> Giải vô địch karatedo trẻ châu Á: VN đoạt 2 HCV
>> Khai mạc Giải trẻ Karatedo toàn quốc lần thứ 14
>> Cúp Karatedo các CLB mạnh toàn quốc lần 8: Hỗn chiến trên khán đài
>> Ẩu đả tại giải Karatedo các CLB mạnh toàn quốc
>> Tuyệt vời karatedo!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.