Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 88: Đại úy gác cổng

09/05/2013 00:00 GMT+7

Không nổi tiếng như các đồng nghiệp ở thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam - Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Công Minh… nhưng Nguyễn Thiện Quang vẫn được xem là một trong những trung vệ “dập” xuất sắc của thời kỳ này.

Không nổi tiếng như các đồng nghiệp ở thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam - Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Công Minh… nhưng Nguyễn Thiện Quang vẫn được xem là một trong những trung vệ “dập” xuất sắc của thời kỳ này.

Từ tuyển thủ làm bảo vệ

Xuất thân từ đội trẻ Công an Hải Phòng đến năm 1989 thì Thiện Quang vào nam để đầu quân cho đội Công an TP.HCM. Năm 1991 anh được chọn lên đội 1 và sau đó trở thành trụ cột không thể thiếu của đội bóng này hơn 10 năm. Thi đấu ở vị trí trung vệ, với thể hình tốt, lối chơi dứt khoát, quyết liệt, không ngại va chạm, Thiện Quang thường được phân công bắt chết tiền đạo đối phương.

Nhiều tiền đạo hồi đó mỗi lần gặp đều “ngán” Quang vì anh có lối vào bóng bắm bổ, sẵn sàng theo sát như hình với bóng nên rất khó đá. Tuy nhiên, phải đến năm 1996 anh mới được chọn vào đội tuyển Việt Nam và trong 4 năm khoác lên mình chiếc áo đỏ, Thiện Quang đã để lại dấu ấn với lối chơi thiên về sức mạnh. Biệt danh Quang “voi” ra đời từ đó. Ngay danh thủ Kiatisak nhận xét: “Việt Nam có hàng thủ vào loại mạnh ở Đông Nam Á. Tôi ấn tượng nhất là Đỗ Khải mưu trí và Thiện Quang gan lì. Mỗi lần đối mặt với họ, tôi đều phải luôn có nhiều phương án trong cách chơi. Nhưng nói thật vượt qua họ không phải dễ”.

Thế nhưng chấn thương đầu gối vào năm 1999 khiến Thiện Quang giã từ sự nghiệp cầu thủ để đi học lớp HLV và huấn luyện cho đội trẻ Ngân hàng Đông Á trước khi trở về với Trung tâm thể thao Công an TP.HCM năm 2004. Nhắc lại giai đoạn này, Thiện Quang buồn bã kể: “Đây chính là thời điểm buồn nhất trong cuộc đời tôi. Giám đốc trung tâm lúc đó phân công tôi làm bảo vệ, suốt ngày mở cổng cho xe ra vào. Lương cũng chẳng nhiều nên những lúc hết ca trực, tôi làm thêm trọng tài cho các đội phong trào thi đấu”. Bên cạnh đó, anh còn được giao nhiệm vụ tiếp thị, quảng cáo, khai thác dịch vụ cho trung tâm, một công việc được xem là khó cho các tuyển thủ như anh. Quang nói: “Nhiều khi tôi tủi thân lắm, nhưng phân công thì vẫn phải làm”.

Trầy trật suốt thời gian dài, đến tháng 4.2010 anh mới được chuyển về Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ và đường sắt (PC67), phụ trách mảng thi đua khen thưởng cho đơn vị của mình. Trong những lần chuẩn bị hội thao của ngành, anh trở thành huấn luyện viên ở các môn như bóng đá, bóng chuyền, quần vợt… Thiện Quang liên tục hò hét lẫn động viên các anh em trong đội tập luyện. Anh nói: “Mình rất cảm thông cho các bạn ấy, vì họ chỉ là cầu thủ nghiệp dư và hằng ngày vẫn phải làm việc. Một năm chỉ có 1 giải nên không được tập luyện thường xuyên. Khó khăn lắm nhưng vẫn phải cố thôi”. Ngoài công tác huấn luyện, anh cũng là một tay vợt xuất sắc của ngành công an. Liên tục những năm gần đây, Thiện Quang luôn đoạt chức vô địch ở các nội dung đơn, đôi nam hoặc đôi nam nữ toàn ngành.

Cầu thủ bây giờ thiếu đam mê

Gương mẫu trong công việc, ở nhà đại úy Thiện Quang cũng là một người chồng và người cha rất chu đáo chăm sóc cho 2 con, một bé trai 8 tuổi và một bé gái 7 tuổi. Tuy 2 cháu rất hiếu động và thích thể thao nhưng Quang cho biết: “Thực sự tôi cũng rất ủng hộ các cháu nếu chúng đam mê và có năng khiếu, nhưng đã trải qua đời thể thao chuyên nghiệp và đối mặt với nhiều vất vả, tôi và bà xã lại không muốn cho con cái của mình theo nghiệp thể thao. Cuộc sống thể thao chưa thể đem lại sự an tâm cho VĐV sau khi giải nghệ. Như tôi, không hề nhận được một lời hỏi thăm nào từ LĐBĐ VN hay những người có trách nhiệm khi bị chấn thương dù là đang làm nhiệm vụ của đơn vị mình hay quốc gia”.

Dù bận bịu với công việc của ngành, nhưng Thiện Quang vẫn dành thời gian theo dõi bóng đá đỉnh cao. Anh cho biết: “So với 10 năm trước cầu thủ bây giờ có điều kiện tập luyện và chế độ lương bổng tốt hơn rất nhiều. Nhiều CLB doanh nghiệp xuất hiện và có những đầu tư bài bản. Điều đó thể hiện sự phát triển đúng hướng và nhìn nhận tích cực từ góc độ xã hội. Nhưng thử hỏi tại sao người hâm mộ không mặn mà với bóng đá nội như ngày trước? Bởi một phần bộ máy quản lý và điều hành của bóng đá Việt Nam còn thiếu chuyên nghiệp. Nhưng cái chính là vì có nhiều tiền mà các cầu thủ bây giờ phung phí sức vào những cuộc ăn chơi thâu đêm. Trong khi đó, niềm đam mê và cống hiến lại không nhiều hơn thế hệ chúng tôi thì làm sao công chúng tìm thấy sự đồng cảm được”.

Nguyễn Thiện Quang sinh năm 1970. Từng khoác áo đội Công an TP.HCM từ năm 1991 đến 2001. Vô địch quốc gia năm 1995. 2 lần đoạt Cúp quốc gia năm 1998 và 2001. Thi đấu cho đội tuyển Việt Nam từ năm 1996 đến 1999, đoạt HCĐ Tiger Cup 1996, HCĐ SEA Games 1997, HCB SEA Games 1999, HCB Tiger Cup 1998; HCĐ Dunhill Cup 1997 và 1999.

Minh Tân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.