Vừa giành được tấm HCV SEA Games, chị lại chuyển hướng sang làm giảng viên đại học. Ngã rẽ ấy đã giúp chị trở thành một thạc sĩ kinh tế và là điểm tựa giúp chồng gặt hái nhiều thành công.
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 92: Có duyên làm thầy
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 91: “Thể thao đem lại nhiều thứ, nhưng...”
>> Sao thể thao ngầy ấy - Kỳ 90: Tuyển thủ thạc sĩ kinh tế
Lựa chọn khó khăn
Bước vào căn nhà nhỏ của kiện tướng FIDE Võ Hồng Phượng trên đường Vành đai phi trường nối dài (Q.Ninh Kiều, Cần Thơ), chúng tôi không khỏi choáng ngợp với chiếc tủ để hàng trăm huy chương các loại cùng cúp, kỷ niệm chương, bằng khen... Hồng Phượng vui vẻ cho biết: “Bây giờ bận quá, không có thời gian để bảo quản những kỷ vật này nên thường tôi để bên nhà ba nhờ ba giữ giùm. Bữa nay có phóng viên lại mới đem về nhà”. Cũng theo Hồng Phượng, hiện chị không thể nhớ hết các giải đã đoạt được mà chỉ nhớ được một số cột mốc quan trọng nhất của sự nghiệp. Đến nay, dù đã chấm dứt hợp đồng thi đấu cho TP.Cần Thơ từ năm 2008 nhưng với hệ số elo 2.215 (thống kê trên Vietnamchess.vn), Võ Hồng Phượng vẫn nằm trong top 10 nữ kỳ thủ hàng đầu của Việt Nam.
|
Tài năng của Phượng được giới chuyên môn biết đến vào năm 1992, khi mới 13 tuổi, chị đã xuất sắc giành được HCV đồng đội và HCB cá nhân tại giải vô địch đồng đội toàn quốc. Đặc biệt ở giải năm ấy, cô bé Phượng với vóc dáng nhỏ xíu còn vượt qua một đàn chị đã rất thành danh sau một ván cờ kéo dài đến 8 tiếng đồng hồ.
Với thành tích nổi bật ấy, Phượng được gọi vào đội tuyển trẻ quốc gia rồi nhanh chóng lên đội tuyển cờ vua Việt Nam. Tại nhiều giải trẻ quốc tế, Phượng đã liên tiếp mang về vinh quang cho cờ vua Việt Nam. “Kỷ niệm đẹp nhất là năm 1993, lần đầu đi thi đấu quốc tế ở giải U.14 thế giới, không ngờ mình xếp hạng 10 thế giới. Rồi sau đó giành được HCV U.16 châu Á và được trao danh hiệu kiện tướng FIDE”, Phượng kể lại. Những năm sau đó, Phượng còn giành được HCB U.18 thế giới năm 1997, rồi vô địch quốc gia cờ tiêu chuẩn năm 2000 và HCV SEA Games 21 tại Malaysia... Đáng nể hơn, dù thường xuyên tham dự các giải trong nước và quốc tế nhưng thành tích học tập của Phượng vẫn rất tốt. Năm 2001, sau khi giành HCV SEA Games 21 trở về Phượng cũng nhận bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi và vinh dự được giữ lại trường. Kể về lựa chọn khó khăn khi ấy, Hồng Phượng nói: “Lúc đầu cũng đắn đo dữ lắm vì lương giảng viên mới ra trường chỉ bằng 1/10 so với thu nhập khi đi theo cờ. Nhưng rồi mình cũng quyết định nộp đơn ở lại trường vì không phải lúc nào cũng có cơ hội tốt như vậy”.
|
Chăm con và làm tiến sĩ
Lựa chọn của Hồng Phượng khá “sáng suốt” bởi khi là giảng viên của Trường đại học Cần Thơ, lãnh đạo khoa và trường vẫn tạo điều kiện để chị có thể tham gia những giải đấu mà không ảnh hưởng đến công việc ở trường. Nhờ vậy, Phượng vẫn thi đấu cho cờ vua Cần Thơ đến năm 2008 và giành được nhiều thành tích quý giá như: HCB đồng đội châu Á năm 2003. Đặc biệt nhất là giải vô địch đồng đội toàn quốc năm 2007, để tham dự giải, Phượng đã phải bồng con trai 2 tuổi đi thi đấu ở Đà Lạt. Vừa giữ con vừa chơi cờ vậy nhưng chị vẫn xuất sắc mang về cho đoàn Cần Thơ 2 HCV cá nhân và đồng đội.
Hiện tại, bước sang tuổi 34, Phượng đã là một thạc sĩ kinh tế của Trường đại học Cần Thơ và là cố vấn học tập của lớp quản trị du lịch K37, phụ trách giảng dạy 2 môn marketing căn bản và kinh tế du lịch. Tuy nhiên, với chị, hạnh phúc lớn nhất hiện nay là gia đình nhỏ với cậu con trai 8 tuổi rất thông minh và tinh nghịch. Hồng Phượng chia sẻ: “Ông xã đi công tác xa thường xuyên nên ở nhà bao nhiêu việc mình đều phải đảm nhận, vừa lo chăm con, đưa đón con đi học vừa lo việc trường. Nhiều lúc cũng hờn dỗi chồng nhưng rồi không giận được lâu”. “Bật mí” thêm về gia đình nhỏ của mình, Hồng Phượng cho biết, chồng chị trước đây cũng là giảng viên đại học nhưng hiện đã ra ngoài hợp tác với bạn bè thành lập doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón khá thành công. Còn con trai của chị đang thuộc biên chế đội năng khiếu cờ vua U.8 của TP.Cần Thơ.
Về phần mình, Hồng Phượng cho biết dù trước mắt có nhiều dự định phải thực hiện nhưng niềm đam mê cờ vua đôi lúc vẫn khiến chị nhớ cờ da diết. Hồng Phượng nói: “Với những người có hệ số elo trên 2.200 như mình thì có thể đăng ký thi đấu tự do nên tới đây nếu có thể sắp xếp được công việc ở trường, mình sẽ tranh thủ tham dự một số giải trong nước, chủ yếu cho vui”. Còn trước mắt, ưu tiên số một vẫn là học tiếng Anh chuẩn bị cho kế hoạch làm nghiên cứu sinh và chăm sóc cậu con trai thật tốt để chồng yên tâm phát triển sự nghiệp.
Đình Tuyển
Bình luận (0)