Quá đam mê xe đạp, cựu cua rơ nổi tiếng của đội Cảng Sài Gòn Trần Hùng đã bỏ công ăn việc làm chỉ để được đồng hành cùng các cua rơ ở tất cả các giải đấu trong nước.
Chật vật mưu sinh
Thời còn thi đấu trong màu áo Công nhân Hóa chất (1989 - 1991), rồi Cảng Sài Gòn (1996 - 1999), Trần Hùng không có vinh dự mặc chiếc áo vàng dù anh là tay đua được đánh giá rất mạnh. Thi đấu gan lì, thể lực tốt nhưng không quá giỏi về nước rút, Trần Hùng thường được phân nhiệm vụ làm “máy kéo” để hỗ trợ đồng đội.
Thời Cảng Sài Gòn làm mưa làm gió trên đường đua, người ta biết nhiều hơn đến Võ Hải Thanh, Nguyễn Văn Hiệp, Đỗ Thành Đạt bởi những thành tích họ đạt được, nhưng ít ai biết rằng thành công đó có sự hỗ trợ thầm lặng của Trần Hùng trong vai trò “máy kéo”. Chính HLV Huỳnh A, người đã dẫn dắt Cảng Sài Gòn nhiều năm liền vô địch Cúp truyền hình, nói: “Khi đó chúng tôi là tập thể mạnh và đồng đều. Từng người đều có khả năng như nhau nhưng quan trọng là biết hy sinh vì cái chung. Trần Hùng là dạng cua rơ như vậy, rất âm thầm để bọc lót mang vinh quang về cho đồng đội”.
Cuối năm 1999, Trần Hùng rời đường đua và được tạo điều kiện làm việc ở Cảng Sài Gòn. Không học hành, chẳng bằng cấp do dành tất cả tuổi trẻ cho xe đạp, Hùng phải chấp nhận vào làm ở bộ phận bốc xếp. Đó là khoảng thời gian đầy cơ cực, nhưng với ý chí của một cua rơ từng thấm bao nỗi nhọc nhằn trong tập luyện lẫn thi đấu, hơn nữa lại đứng trước áp lực lo cho cuộc sống thời hậu đỉnh cao, Hùng cắn răng chịu đựng. Nhiều đêm nằm suy nghĩ, anh thấy không thể “bằng lòng” với hiện tại. Thế là Hùng tìm cách vươn lên khi quyết định tiếp tục đi học để lấy bằng tốt nghiệp phổ thông ở tuổi... 32! Nhờ có mảnh bằng này mà Trần Hùng được chuyển sang bộ phận kiểm đếm, thoát khỏi phận làm công nhân bốc xếp. Đồng lương nhờ thế cũng có chút cải thiện theo hướng tích cực hơn.
Đam mê xe đạp
Nhọc nhằn mưu sinh là vậy nhưng Trần Hùng vẫn không quên xe đạp. Hùng tâm sự: “Dù xa rời đường đua nhưng tôi vẫn luôn quan tâm đến môn thể thao lôi cuốn này. Tôi không thể “sống” nếu thiếu xe đạp, niềm đam mê bất tận của cuộc đời mình. Tôi vẫn theo dõi đầy đủ từng giải đấu và sự phát triển phong trào, sự tiến bộ của từng cua rơ và luôn có mặt ở hầu hết các giải lớn nhỏ để quan sát và động viên các VĐV thi đấu”. Giới xe đạp đều thừa nhận mỗi năm xe đạp nam Việt Nam có tầm 7 giải, giải nào Trần Hùng cũng có mặt trên đường đua.
Khó khăn lớn nhất của Trần Hùng là sắp xếp công việc để tham dự các giải đấu. Bởi lẽ đặc thù của các tour xe đạp là dài ngày, như Cúp truyền hình TP.HCM kéo dài gần 20 ngày trong khi mỗi năm Trần Hùng chỉ có 12 ngày nghỉ phép. Tính ra mỗi năm anh “trốn việc” gần 3 tháng để đồng hành cùng các cua rơ. Dù vậy, Hùng vẫn vui vẻ cho biết: “Ở cơ quan nhiều người biết tôi mê xe đạp và không thể bỏ khi các cuộc đua diễn ra nên đều động viên tôi phải luôn sắp xếp công việc ở cơ quan cho tốt, đảm bảo tiến độ, tránh gây ảnh hưởng kế hoạch, sau đó thuyết phục các sếp cho nghỉ không lương”.
Trò chuyện với Trần Hùng, càng thấm lòng đam mê xe đạp của cựu cua rơ này. Ở các giải đấu, Trần Hùng đều đi cùng đội BVTV Sài Gòn hoặc Eximbank TP.HCM - nơi đồng đội cũ Đỗ Thành Đạt làm HLV trưởng. Đi cùng đội, làm đủ vai từ săn sóc viên, tiếp tế, trợ lý huấn luyện viên... nhưng Trần Hùng chủ động không nhận một đồng lương nào từ đội, bởi “được có mặt trên đường đua, được gặp lại những gương mặt thân quen, được nhìn thấy các thế hệ đàn em thi đấu đã là niềm vui”. Tại Cúp xe đạp truyền hình TP.HCM vừa rồi, Trần Hùng được đăng ký chức danh HLV đội BVTV Sài Gòn. Anh tỏ ra rất mát tay khi kết hợp ăn ý với HLV Đỗ Thành Đạt giúp tay đua trẻ Trần Thanh Điền đoạt được chiếc áo vàng chung cuộc.
Ngay sau khi kết thúc giải, Trần Hùng lại bù đầu vào công việc. Anh chủ động xin tăng ca để bù đắp phần nào những ngày nghỉ, dù mức lương 4-5 triệu đồng/tháng không đủ để Hùng chăm lo cho gia đình nhỏ 1 vợ, 2 con. Vợ anh vì thế cũng tần tảo mua bán ở chợ để kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình. Trần Hùng tâm sự anh khát khao trở lại hẳn với xe đạp trong vai trò HLV để được sống mãi với đam mê mà không mang tiếng “trốn việc” đi chơi.
Trần Hùng sinh năm 1971 tại TP.HCM, Cú đúp áo vàng, áo xanh giải xe đạp Nam Kỳ Khởi Nghĩa năm 1994; hạng 4 cá nhân chung cuộc Cúp truyền hình lần thứ 1 năm 1989 và lần 3 năm 1991. Nhiều năm vô địch đồng đội Cúp truyền hình trong màu áo Cảng Sài Gòn. |
Hoàng Quỳnh
>> Cúp xe đạp truyền hình TP.HCM: Toan tính
>> Các tuyển thủ quốc gia đua… “xe đạp chậm”
>> Cúp xe đạp truyền hình: Gay cấn áo vàng và áo xanh
Bình luận (0)