Sắp cắt sóng 2G, nhu cầu đổi điện thoại tăng mạnh

15/08/2024 06:18 GMT+7

Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa các nhà mạng sẽ chính thức tắt sóng 2G nên nhu cầu đổi sang điện thoại mới đang tăng cao.

Thiếu hụt cục bộ điện thoại 4G phím bấm

Cầm chiếc điện thoại smartphone mới một cách cẩn thận, bà Nguyễn Thị Đẹp, 70 tuổi, ngụ H.Kế Sách, Sóc Trăng, khoe: "Trước giờ tôi chỉ dùng loại điện thoại nghe gọi vì chỉ loanh quanh ở nhà, nhưng mới đây con gái tôi mua cho cái điện thoại mới, nó nói loại điện thoại cũ sắp ngừng phát sóng rồi. Tôi dùng điện thoại mới không rành vì mắt mũi kèm nhèm, đôi lúc muốn gọi điện thoại video thì đợi con cháu gọi đến rồi tôi bấm nút nghe thôi".

Sắp cắt sóng 2G, nhu cầu đổi điện thoại tăng mạnh- Ảnh 1.

Nhà mạng đang nỗ lực hỗ trợ người dân vùng cao chuyển đổi điện thoại công nghệ 4G

CTV

Từ khi thông tin mạng 2G sắp ngừng phát sóng, nhu cầu mua sắm điện thoại tăng lên thấy rõ. Tại cửa hàng điện thoại di động trên đường Lê Hồng Phong, Q.10, TP.HCM, anh B.H.A, 45 tuổi, ngụ H.Hóc Môn, kể: "Tôi chạy xe giao hàng đương nhiên là đã sử dụng qua nhiều loại smartphone, nhưng vẫn dùng thêm một điện thoại phụ khác để nghe gọi. Gần đây nghe nói là sắp tắt sóng 2G nên tôi dành dụm tranh thủ nâng cấp lên máy khác, cũng là loại bàn phím bấm nhưng có tính năng 4G".

Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc thương mại Hệ thống FPT Shop, cho hay: "Hai tuần gần đây nhu cầu mua sắm feature phone 4G (điện thoại 4G dùng bàn phím bấm) tăng gấp 3 lần so với thời gian trước đó. Vì tăng đột ngột, nên việc thiếu hàng đã diễn ra cục bộ. Ngoài điện thoại 4G bàn phím bấm, các điện thoại smartphone giá rẻ, tầm giá chỉ khoảng 2 triệu, cũng ghi nhận tăng trưởng 30 - 50%".

Theo đại diện FPT Shop, khách hàng nâng cấp điện thoại 2G đa số vẫn chọn loại bàn phím bấm vì thời lượng sử dụng pin lâu hơn, phù hợp với người cao tuổi hay những người dùng điện thoại phụ. Bên cạnh đó, xu hướng lên đời các dòng sản phẩm 4G/5G cao hơn với phân khúc giá từ 3 - 6 triệu cũng đang diễn ra. "Nhìn chung, điện thoại 4G có phím bấm được khách hàng chọn mua nhiều nhất, tiếp đó các loại điện thoại dưới 3 triệu đồng khoảng 20%, còn lại là phân khúc điện thoại 2 - 3 triệu hiện tại với số lượng bán chiếm khoảng 10%. Với sự chuẩn bị từ trước, FPT Shop sẽ cung ứng đến thị trường ngay trong tuần này từ 10.000 - 20.000 máy điện thoại 4G bàn phím để phục vụ nhu cầu", ông Nguyễn Thế Kha cho biết.

Tại hệ thống Thế Giới Di Động cũng tương tự. Đại diện truyền thông của Thế Giới Di Động cho biết số lượng smartphone 4G giá rẻ tăng trưởng tới 30% so với các tháng trước đây; doanh số cũng tăng từ 10 - 15 lần, cả thị trường đang có dấu hiệu không đủ đáp ứng nhu cầu. Ông Nguyễn Ngọc Đạt, CEO Di Động Việt, thông tin các sản phẩm smartphone trong phân khúc từ 2 - 7 triệu đồng là sự lựa chọn của đa số người dùng chuyển đổi từ thiết bị 2G lên 4G trong thời gian qua. Doanh số smartphone ở phân khúc này trong tháng 6, 7 tăng khoảng 30% so với tháng 5.

Còn hệ thống Viettel Store với trên 500 cửa hàng trên cả nước cũng đang tất bật cho việc đổi máy 2G lên 4G dành cho khách hàng, thậm chí huy động cả nhân sự tại văn phòng xuống các điểm bán hỗ trợ do nhu cầu tăng cao đột biến. Nhu cầu đổi máy 2G lên 4G từ đầu tháng 8 tới nay tăng 30% so với trước, sau khi có thông tin sẽ tắt sóng 2G.

Đại diện một số hệ thống phân phối điện thoại di động khác như Cell Phone, Di Động Việt cũng nhận định: Việc một số nhà mạng đang dần tắt sóng 2G đã tác động mạnh tới sức mua điện thoại 4G trong thời gian qua, đặc biệt ở dòng feature phone. Doanh số các dòng điện thoại phím bấm có giá dưới 1,5 triệu đồng bán ra trong những ngày đầu tháng 8 đã tăng 4 - 5 lần so với tháng trước. Đặc biệt, đối với các sản phẩm smartphone phân khúc dưới 5 triệu, mức tăng trưởng 30 - 40% so với cùng kỳ tháng trước.

Nỗ lực hỗ trợ người dân chuyển đổi điện thoại

Tại TP.HCM, từ năm 2021, các thiết bị sử dụng 2G only (chỉ sử dụng sóng 2G) không còn được sản xuất cũng như nhập khẩu, mua bán trên thị trường. Những loại điện thoại phím bấm cổ điển đều phải tích hợp 4G (hoặc 4G có công nghệ 2G). Do đó, trên thị trường có rất ít điện thoại 2G only. Theo Sở TT-TT TP.HCM, từ cuối năm 2023, Sở đã phối hợp UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện kiểm tra các điểm, cửa hàng mua bán điện thoại thì không có cửa hàng nào kinh doanh, mua bán thiết bị điện thoại 2G only. Thống kê hiện nay TP.HCM có 14 triệu thuê bao điện thoại di động, chiếm tỷ lệ 149/100 dân số. Đồng thời có 10,6 triệu người sử dụng smartphone kết nối 3G, 4G, tương đương tỷ lệ 113/100 dân. Vì vậy, khi tắt sóng 2G mức độ tác động sẽ không nhiều.

Sắp cắt sóng 2G, nhu cầu đổi điện thoại tăng mạnh- Ảnh 2.

Nhu cầu sử dụng điện thoại nghe gọi vẫn còn khá lớn

Đào Ngọc Thạch

TP.Đà Nẵng thì đã khởi động chương trình tặng điện thoại thông minh miễn phí cho hộ nghèo và hộ cận nghèo. Đây là một phần của nỗ lực nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ cho người dân gặp khó khăn, đặc biệt khi chủ trương tắt sóng 2G sẽ được triển khai vào giữa tháng 9 tới. Tính đến thời điểm hiện tại, các đơn vị viễn thông đã hỗ trợ 2.237 điện thoại cho người dân. Theo chủ trương, tất cả hộ nghèo và hộ cận nghèo trên toàn TP.Đà Nẵng được nhận máy điện thoại thông minh miễn phí, đến nay còn khoảng 500 hộ chưa nhận máy. UBND TP sẽ trích ngân sách tiếp tục phát điện thoại thông minh tận tay người dân và yêu cầu chính quyền cơ sở phải cấp phát đúng đối tượng, không trùng lắp, không để xảy ra tình trạng tiêu cực, lãng phí.

Có lượng khách hàng sử dụng điện thoại 2G lớn nhất, nhà mạng Viettel đang có chính sách giảm giá mạnh từ 30 - 50%, đồng thời, truyền thông sâu rộng tới người dùng thông qua tổ công nghệ số và người có uy tín trong cộng đồng. Thậm chí Viettel còn tổ chức bán hàng lưu động đến tận cấp xã với những điểm hỗ trợ chuyển đổi.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), nhận định sau nỗ lực của các nhà mạng, tỷ lệ thuê bao 2G chuyển đổi sang máy điện thoại 4G cao, số lượng thuê bao 2G only giảm mạnh. Cụ thể trong tháng 6 giảm 1,03 triệu thuê bao, tháng 7 giảm khoảng 1,46 triệu, đến tháng 7 còn khoảng hơn 8,6 triệu thuê bao. Dự kiến đến tháng 9.2024, số lượng thuê bao 2G only còn khoảng 3 triệu, dưới 5%.

Đối với tình trạng thiếu hụt cục bộ điện thoại phím bấm 4G do nhu cầu tăng cao, nhiều hãng điện thoại đã nỗ lực giảm giá dòng điện thoại để đa dạng sự lựa chọn cho khách hàng. Cụ thể, các hãng điện thoại phổ thông như Masstel hay Nokia đã nâng cấp đa đạng mẫu mã để thay thế cho từng dòng sản phẩm 2G ngay từ đầu năm 2023. Trong khi đó các hãng smartphone: Samsung, Xiaomi, Realme, hay brand mới Honor thì đang đưa rất nhiều dòng sản phẩm xuống phân khúc thấp từ 2 - 3 triệu đồng để thúc đẩy khách hàng nâng cấp từ 2G lên thẳng các dòng smartphone giá rẻ thay vì nâng cấp điện thoại phổ thông có trang bị 4G.

Trong chương trình hỗ trợ các thuê bao 2G only, mặc dù ưu tiên chuyển đổi sang máy điện thoại 4G smartphone, doanh nghiệp di động cung cấp thêm cho người sử dụng lựa chọn điện thoại 4G feature phone, đây là các điện thoại công nghệ 4G phím bấm, dễ sử dụng tương tự các máy điện thoại 2G để đáp ứng nhu cầu của bộ phận người sử dụng như người lớn tuổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.