Cà Mau đang tăng cường các biện pháp xây kè, trồng rừng, giải tỏa những hộ dân lấn chiếm đất rừng... để ứng phó với tình hình sạt lở bờ biển diễn biến ngày càng phức tạp.
Nhiều đoạn ven biển, rừng bị sóng “ăn” trắng - Ảnh: Gia Bách |
Cuốn trôi rừng phòng hộ
Những năm gần đây, tình hình sạt lở ở Cà Mau diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là sạt lở ven biển Đông và biển Tây. Từ năm 2007 đến nay, bình quân mỗi năm, vùng ven biển Cà Mau bị sạt lở khoảng 15 m, cá biệt có nơi lên đến 50 m. Theo thống kê, có 80% đường bờ biển bị sạt lở với diện tích khoảng 304,8 ha/năm.
Đến thời điểm này, nhiều đoạn rừng phòng hộ ven biển Cà Mau đã biến mất, số còn lại cũng đang đứng trước nguy cơ bị sóng biển cuốn trôi. Anh Nguyễn Quốc Trong (ngụ xã Khánh Bình Tây, H.Trần Văn Thời) cho biết: “Trước đây, khu vực này cũng có sạt lở nhưng không nhiều. Đây là lần đầu tiên tôi thấy sạt lở bờ biển diễn ra nghiêm trọng như vậy. Nhiều nơi cây mắm, đước... bị bật gốc, sóng biển cuốn đi hàng loạt”.
Theo khảo sát của Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, tình hình sạt lở đang ở mức nguy hiểm và có nguy cơ phá vỡ đê biển; trong đó, đê biển Đông có 8 điểm, đê biển Tây 4 điểm, với tổng chiều dài trên 3 km. Sạt lở xảy ra từng đoạn, mỗi đoạn vài trăm mét nhưng đoạn nào cũng đáng báo động vì nước biển đã ngập tới chân đê. Chẳng hạn như từ vàm kinh Đá Bạc đến kinh Mới, khu vực sạt lở có chiều dài khoảng 250 m. Sóng biển bào mòn khiến rừng phòng hộ trở nên thưa thớt, đai rừng chỉ còn cách chân đê chưa đầy 10 m.
Sạt lở đê biển là chuyện tự nhiên đối với những địa phương có biển, nhưng riêng Cà Mau, do chiều dài bờ biển lên đến 252 km, lại là tỉnh có hệ sinh thái nửa mặn nửa ngọt nên nếu đê bị sạt lở sẽ tác động tiêu cực tới đời sống và sản xuất của người dân. Đặc biệt ở vùng ven biển Tây, 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời có tới 2/3 diện tích ngọt hóa được quy hoạch chuyên sản xuất lúa và nuôi các loại cá đồng. Nếu vỡ đê, nước biển tràn vào sẽ gây xâm mặn cả vùng ngọt hóa.
Ứng phó với sạt lở
Trước nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn đê biển, Cà Mau đang áp dụng nhiều biện pháp phòng chống sạt lở từ những hình thức đơn giản với kinh phí đầu tư thấp (đóng cừ dừa, cừ tràm) đến hình thức lớn hơn với nguồn kinh phí cao (kè bản nhựa, kè rọ đá, kè ngầm tạo bãi, kè áp bờ...). Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN-PTNT, nhiều giải pháp kè chỉ là tạm thời, không phát huy được hiệu quả lâu dài; chỉ có kè ngầm tạo bãi là thích hợp với tình hình sạt lở ven biển Cà Mau. Ưu điểm của kè ngầm tạo bãi là được làm trong khu vực đất mềm, không phải xử lý nền đáy, thi công đơn giản, tạo được các bãi bồi sau công trình. “Loại kè này vừa khắc phục được sạt lở vừa giữ phù sa bồi đắp bãi tái sinh cây mắm để khôi phục lại rừng phòng hộ...; qua đó giúp bảo vệ đê biển, tạo điều kiện thích nghi với môi trường sinh thái đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu”, ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết.
Cũng theo ông Nam, giải pháp phòng, chống sạt lở bờ biển cần chú trọng việc bảo vệ và khôi phục lại rừng phòng hộ. “Quản lý bờ biển phải dựa vào cộng đồng thông qua việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân; đồng thời giải toả các hộ dân cất nhà trái phép trên rừng phòng hộ và hành lang bảo vệ đê biển để giảm áp lực chặt phá cây rừng. Bên cạnh đó, cần chọn trồng các loại cây chắn sóng phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực”, ông Nam nhấn mạnh.
Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chức năng xem xét chủ trương đầu tư khắc phục sạt lở bờ biển Tây với chiều dài 5.107 m thuộc xã Khánh Tiến (H.U Minh); đồng thời sớm hỗ trợ 150 tỉ đồng để tỉnh triển khai các giải pháp khẩn cấp bảo vệ khu vực sạt lở.
|
Bình luận (0)