Theo báo cáo của UBND P.Hàm Tiến, TP.Phan Thiết (Bình Thuận) - trung tâm du lịch Mũi Né, hiện có khoảng 1 km bờ biển bị sạt lở sâu vào bờ, gây nguy hiểm đến tính mạng của du khách.
Biến mất những bãi biển đẹp
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, dọc bờ biển Hàm Tiến, xuất hiện nhiều khu vực bị sạt lở sâu vào bờ vài chục mét, có nơi hơn 100m. Đưa chỉ tay xuống bãi biển, bà Nguyễn Hồng Ngọc, Chủ đầu tư khu du lịch Suối Tiên Mũi Né resort, buồn bã nói: “Tôi làm khu du lịch này 18 năm nhưng chưa từng thấy hiện tượng xói lở, ăn sâu vào bờ thế này. Trong vòng 1 tháng qua, bãi biển tuyệt đẹp ở đây đã biến mất, khách du lịch vắng tanh. Chúng tôi cho làm nhiều bao cát đắp vào khu sạt lở cho khách dễ xuống biển nhưng họ vẫn bỏ đi. Tháng rồi, chúng tôi phải bồi thường hơn 100 triệu đồng cho khách vì họ không chấp nhận nghỉ lại khu du lịch có bãi biển tồi tệ như vậy”.
Gần đó, chủ đầu tư Coco Beach resort cũng đã bỏ ra khoảng 400 triệu đồng để làm kè mềm nhằm chống đỡ với triều cường nhưng không mấy mang lại hiệu quả. Sóng biển vẫn gây sạt lở gần 100m, một phần nhà hàng và nguyên khu spa ra biển. Còn anh Mai Văn Sơn, Giám đốc điều hành Aria Mui Ne resort, cho biết suốt một tháng qua khu nghỉ dưỡng bị nhiều du khách phàn nàn về bãi biển. “Nhiều khách Tây vừa đến nơi nhận phòng, khi thấy bãi biển đang bị sạt lở liền lập tức đòi lại tiền và bỏ đi. Chúng tôi cố giải thích do triều cường gây ra chứ không phải lỗi của khu nghỉ dưỡng nhưng họ vẫn không chấp nhận”- anh Sơn nói.
Làm kè bát nháo gây sạt lở
Theo nhiều chủ đầu tư resort ở khu phố 1 (P.Hàm Tiến) thì nguyên nhân sạt lở do có trước đây có một resort tự ý làm kè mềm (từ chuyên môn gọi là mỏ hàn) lấn 150m để bảo vệ bờ biển, gây sạt lở khu vực xung quanh. Bị sạt lở, một số resort khác tự làm kè để bảo vệ dẫn đến tình trạng sạt lở càng trầm trọng hơn. Ông Phạm Vũ Phong, Tổng giám đốc Công ty du lịch Sài Gòn- Mũi Né, cho biết: "Tình trạng làm kè theo kiểu bát nháo hiện nay nếu không chấm dứt thì chỉ trong một mùa gió nữa bãi biển từng được mệnh danh là thiên đường nghỉ dưỡng này sẽ tan tành”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Xà Văn Thắng, Giám đốc Sở xây dựng Bình Thuận, khẳng định hiện nay khu vực Hàm Tiến-Mũi Né đã có quy hoạch chi tiết về xây dựng kè và đã được UBND tỉnh phê duyệt nhưng chưa có kinh phí để triển khai. “Sở Xây dựng chưa cấp phép cho bất cứ chủ đầu tư nào làm kè biển ở Hàm Tiến - Mũi Né. Chúng tôi chỉ cấp phép khi công trình đã được cơ quan chuyên môn (Sở NN-PTNT) thẩm định và phê duyệt. Việc làm kè tự phát hiện nay hoàn toàn không phù hợp với thiết kế kỹ thuật và quy hoạch cả vùng”, ông Thắng nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Phước, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, cho hay: “Trong khi nhà nước chưa có kinh phí, các chủ dự án du lịch tự bỏ tiền ra làm kè là điều tốt nhưng công trình phải đảm bảo về giải pháp kỹ thuật, được cơ quan chức năng phê duyệt và cấp phép. Cách làm hiện nay ở bờ biển Hàm Tiến- Mũi Né không bảo vệ được bãi biển mà còn phá nát khu vực lân cận, tạo nên hình ảnh xấu, nhếch nhác".
Ông Phước nói thêm: “Chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Bình Thuận, có sự chỉ đạo thống nhất. Đối với những kè chủ resort tự ý làm, nếu không có tác dụng bảo vệ, mà còn phá hủy bờ biển, tạo cảnh quan xấu thì phải tháo dỡ cho đến khi được cấp phép”, ông Phước nói.
Theo PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu
biển và hải đảo (Bộ TN-MT) việc làm kè tự phát như Hàm Tiến-Mũi Né hiện
nay sẽ làm gia tăng xói lở bờ biển khu vực lân cận. “Tất cả các công
trình như kè cứng, kè mềm, kè mỏ hàn…đều làm thay đổi dòng vận chuyển
cát dọc bờ và ngang bờ. Nó có thể bảo vệ được chỗ này nhưng lại gia tăng
xói lở chỗ khác. Do vậy khi xây dựng công trình bảo vệ bãi biển phải
nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động của nó tới các khu vực xung quanh.
Không cho xây dựng bất cứ công trình nào dưới biển hay ngay mép nước khi
chưa có các điều tra, nghiên cứu” ông Ca phân tích.
|
Bình luận (0)