TNO

Sau 100 năm xuất hiện, xe tăng vẫn còn vai trò chủ lực

30/07/2015 20:06 GMT+7

(Tin Nóng) Việc Nga trình làng mẫu xe tăng hiện đại nhất thế giới Armata vừa qua cùng việc lập quân đoàn xe tăng cận vệ mới cho thấy xe tăng vẫn có vai trò quan trọng sau khi xuất hiện trên chiến trường đúng 100 năm, dù nay có nhiều vũ khí chống tăng từ mặt đất lẫn trên không.

(Tin Nóng) Việc Nga trình làng mẫu xe tăng hiện đại nhất thế giới Armata vừa qua cùng việc lập quân đoàn xe tăng cận vệ mới cho thấy xe tăng vẫn có vai trò quan trọng sau khi xuất hiện trên chiến trường đúng 100 năm, dù nay có nhiều vũ khí chống tăng từ mặt đất lẫn trên không.

Sau 100 năm xuất hiện, xe tăng vẫn còn vai trò chủ lực - ảnh 1
Xe tăng Armata của Nga, loại xe tăng hiện đại nhất hiện nay - Ảnh: arms-expo.ru

Theo Fox News ngày 24.7, với giá thành ước 7,5 triệu USD/chiếc, Armata là một trong những loại tăng đắt nhất thế giới. Tạp chí Jane's Defence Weekly cho hay vỏ thép của xe tăng Armata chịu được các loại đạn của NATO, có tháp pháo điều khiển từ xa có thể tự bắn 10 - 12 phát/phút.

"Các thế hệ chuyên gia quân sự từ sau Thế chiến I đều nói không cần xe tăng nữa, nhưng người Nga với xe tăng Armata cho thấy xe tăng lại có vai trò chủ lực”, ông David Willey, ở Bảo tàng xe tăng tại Bovington, Anh nói với FoxNews.

“Chiếc xe tăng như con dao đa dụng nổi tiếng của quân đội Thuỵ Sĩ, có thể làm được nhiều việc”, ông nói tiếp.

Lịch sử ra đời của xe tăng

Cách đây đúng 100 năm, chiếc xe tăng đầu tiên của thế giới lăn bánh tham chiến trong Thế chiến I ở mặt trận phía Tây. Lúc đó chiến trường hầm hào này đang dùng đến khí độc, máy bay, và súng máy.

Mùa hè năm 1915, quân Anh trình làng xe tăng đầu tiên trên chiến trường, là loại Little Willie (Willie bé nhỏ). Trước đó, năm 1914, khi Thế chiến I bùng nổ, Bộ trưởng Hải quân Winston Churchill lập ban nghiên cứu tàu đổ bộ, dự định chế tạo loại tàu có thể đánh trên bộ được, nặng sơ sơ 300 tấn, chạy trên mọi địa hình. Tuy nhiên mẫu xe – tàu này là không khả thi về kỹ thuật lẫn chi phí.

Nửa đầu năm 1915, các kỹ sư của ban này nghiên cứu loại xe chiến đấu nhỏ hơn mẫu trên, và mẫu Willie bé nhỏ ra đời. Tháng 7.1915 dự án này chuyển từ Hải quân sang cho Lục quân tiếp quản. 

"Ý tưởng xe tăng Willie là có từ thời Trung cổ, từ thiên tài Leonardo da Vinci, nhưng Willie là chiếc xe tăng bánh xích đầu tiên và có tháp pháo", ông Willey nói.

Sau 100 năm xuất hiện, xe tăng vẫn còn vai trò chủ lực - ảnh 2
Xe tăng đầu tiên của thế giới, chiếc Wilile bé nhỏ - Ảnh: Bảo tàng xe tăng Anh

Các nhà hoạch định quân sự của Anh quyết định không gắn tháp pháo cho xe tăng Mark I (từ mẫu Willie bé nhỏ) mà bố trí súng hai bên sườn xe, lý do cơ bản là các tháp pháo sẽ làm xe bị mất thăng bằng khi leo lên tường chắn của địch. Tuy nhiên xe tăng hạng nhẹ của Pháp lại gắn tháp pháo như loại Renault FT, còn được gọi là FT 17.

Chữ “tăng” (tank) thực ra là tiếng lóng của chương trình bí mật chế tạo xe tăng của Anh. Người ta dùng chữ tank để ám chỉ chương trình mật này, lấy từ chữ tank nghĩa là bồn nước mang ra chiến trường cho binh sĩ dùng. Dần dà tank đồng nghĩa với xe tăng.

Khi mới ra mắt, xe tăng chưa tạo ấn tượng, như trong trận chiến Somme năm 1916, khoảng 40 chiếc xe tăng thâm nhập gần 2 km vào phòng tuyến đối phương và rồi bị lún trong bùn. Đó là do các chỉ huy quân sự chưa đánh giá đúng vai trò xe tăng và chưa hiểu hết công nghệ mới này.

Tuy vậy công nghệ xe tăng sau đó phát triển rất nhanh, cho đến cuối Thế chiến I đã có các loại tăng chiến đấu, xe bọc thép chở quân, xe tăng hậu cần sửa chữa… Thậm chí còn có loại xe tăng lội nước thử nghiệm ở một cái hồ gần London để chuẩn bị đổ bộ lên bãi biển nước Bỉ, theo ông Willey.

Sau 100 năm xuất hiện, xe tăng vẫn còn vai trò chủ lực - ảnh 3
Xe tăng Renault FT của Pháp có tháp pháo quay tròn 360 độ. Pháp sản xuất 3.000 chiếc  Renault FT, và Mỹ sản xuất 950 chiếc này. Trong ảnh là xe tăng Renault FT do Mỹ sản xuất, tại Bảo tàng quốc gia Thế chiến I ở Kansas City - Ảnh chụp màn hình FoxNews
Sau 100 năm xuất hiện, xe tăng vẫn còn vai trò chủ lực - ảnh 4
Xe tăng M4 Sherman của Mỹ trong Thế chiến II - Ảnh chụp màn hình Fox News
Sau 100 năm xuất hiện, xe tăng vẫn còn vai trò chủ lực - ảnh 5
Một xe tăng T-34 tham gia diễu binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng Stalingrad tại thành phố Volgograd ngày 2.2.2013 - Ảnh: RIA Novosti
Sau 100 năm xuất hiện, xe tăng vẫn còn vai trò chủ lực - ảnh 6
Xe tăng Tiger (Cọp) nổi tiếng của Đức quốc xã trong Thế chiến II, dùng pháo 88 mm mạnh nhất thời đó. Từ tháng 8.1942 – 8.1944 có khoảng 1.400 chiếc được sản xuất - Ảnh: Bảo tàng xe tăng Anh

Chỉ xe tăng mới giữ được chiến trường

Vấn đề lớn nhất với xe tăng là chúng không có ứng dụng về mặt dân sự, khác với máy bay, nên sự phát triển về công nghệ xe tăng là rất chậm.

Chỉ sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II, nhiều nhà hoạch định quân sự phương Tây nhìn thấy sự cần thiết về việc đảm bảo công nghệ xe tăng không đi chậm hơn.

Trước khi xe tăng M1 Abrams ra đời trong những năm 1970, xe tăng chính của quân đội Mỹ là loại M60 Patton.

"Mỹ đã coi M60 như loại xe tăng chiến đấu chủ lực tạm thời, nhưng nó đã chứng minh mình trong cuộc đấu với các loại tăng của Liên Xô như T-54, T-55 và T-62 trong các cuộc chiến tranh Ả Rập - Israel năm 1967 và 1973. Nhưng đến khi Liên Xô đưa ra xe tăng T-64 có giáp phản ứng chống đạn, cuối cùng tăng M60A3 của Mỹ ở châu Âu mới gặp đối thủ vượt trội. Vì vậy mẫu xe tăng mới M1 xuất hiện. Đó là nhận định của John Adams-Graf, chủ bút tạp chí Xe quân sự (Military Vehicles) nói với FoxNews.

Tuy vậy trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh và hậu Chiến tranh lạnh, người ta vẫn tranh luận rằng thời của xe tăng đã qua. Tuy nhiên, ở thời gian 100 tuổi, xe tăng tiếp tục được đề cao.

Sau 100 năm xuất hiện, xe tăng vẫn còn vai trò chủ lực - ảnh 7
Xe tăng T-55 của quân đội Peru - Ảnh: Reuters
Sau 100 năm xuất hiện, xe tăng vẫn còn vai trò chủ lực - ảnh 8
M60 Patton, xe tăng chủ lực của Mỹ thập niên 1960 – 1970 - Ảnh: AFP
Sau 100 năm xuất hiện, xe tăng vẫn còn vai trò chủ lực - ảnh 9
Từ năm 1980, xe tăng M1 Abrams trở thành loại tăng chiến đấu chủ lực của quân đội Mỹ, vượt trội so các dòng tăng T-55, T-62 và T-72 - Ảnh: Quân đội Mỹ

"Có thời kỳ vào cuối Thế chiến II, một anh lính với khẩu bazooka hoặc khẩu pháo chống tăng Panzerfaust là có thể hạ được xe tăng. Và trong thời Chiến tranh lạnh, một trực thăng tấn công cũng có thể tiêu diệt nhiều xe tăng. Vấn đề ở chỗ là trực thăng thì không thể giữ được địa điểm trên chiến trường như xe tăng", ông Willey bình luận.

Ông cũng lưu ý rằng một số ít công nghệ mới có thể được áp dụng cho xe tăng, như xe tăng không người lái được điều khiển từ xa, đảm bảo không có tổ lái nào cần phải mạo hiểm mạng sống của họ. Cũng giống như các xe tăng của 100 năm trước đây được thiết kế để bảo vệ bộ binh, công nghệ của ngày mai cũng có thể giúp các tổ lái ở bên ngoài hoả lực của đối phương.

Và người Nga đã đi đầu tiên với dòng tăng Armata có thể điều khiển từ xa.

Sau 100 năm xuất hiện, xe tăng vẫn còn vai trò chủ lực - ảnh 10
Xe tăng Armata của Nga, loại xe tăng hiện đại nhất hiện nay với tháp pháo điều khiển từ xa - Ảnh: arms-expo.ru

Anh Sơn

>> Nga sẽ lập quân đoàn xe tăng Armata
>> Khó khăn kinh tế khiến Nga khó sớm có siêu xe tăng Armata
>> Uralvagonzavod, lò sản xuất xe tăng lớn nhất thế giới của Nga
>> Công thức toán giúp tìm ra số xe tăng phát xít Đức sản xuất
>> 50.000 USD một chiếc xe tăng T-72
>> Siêu xe tăng Armata của Nga không đạn pháo nào bắn thủng
>> Xe tăng T-55 và những thăng trầm trên chiến trường
>> Xe tăng Armata của Nga có thể trở thành rô bốt chiến đấu
>> Pháp, Đức hợp tác chế tạo xe tăng đời mới
>> Tạp chí Mỹ: Mỹ nên e sợ siêu xe tăng Armata của Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.