Sau 3 năm chiến tranh Iraq

18/03/2006 23:02 GMT+7

Rạng sáng 20/3/2003, những quả tên lửa Tomahawk đầu tiên của Mỹ nhằm thẳng thành Baghdad, khởi đầu cho chiến dịch lật đổ chính quyền Saddam Hussein tại Iraq. Ba năm trôi qua, cuộc chiến do người Mỹ phát động vẫn chưa kết thúc.

Chỉ 3 tuần sau khi cuộc tấn công bắt đầu, xe tăng Mỹ tiến vào thành Baghdad. Tổng thống Iraq lúc bấy giờ là Saddam Hussein cùng binh tướng người thì lẩn trốn, kẻ thì đầu hàng. Baghdad thất thủ dễ dàng hơn so với những gì được dự đoán trước đó. Đến tháng 12/2003, cựu Tổng thống Hussein bị bắt gần thành phố Tikrit trong chiến dịch Bình minh đỏ của Mỹ. Washington rốt cuộc đã nhổ được một trong những cái gai khó chịu nhất. Sau đó, một chính quyền lâm thời được dựng lên. Rồi một hiến pháp tạm thời ra đời, nối tiếp sau đó là cuộc tổng tuyển cử vào ngày 15/12 năm ngoái. Bước tiếp theo trong lịch trình chính trị tại Iraq sẽ là sự ra đời một chính phủ mới.

Xét trên tổng thể thì Mỹ đã đạt được mục đích: lật đổ mối đe dọa mang tên Hussein, lập nên một thể chế chính trị mới tại Iraq. Tuy nhiên, xét về hậu quả, cuộc chiến tranh Iraq vẫn được coi là một thất bại nặng nề đối với Washington. Tính đến ngày 17/3/2006, phía Mỹ đã có ít nhất 2.312 binh sĩ thiệt mạng và 17.000 lính bị thương khi đang tham chiến. Các nước có quân đội tại chiến trường Iraq cũng chịu tổn thất nặng nề: Anh có 103 lính thiệt mạng, Ý 27 người, Ukraine 18 người, Bulgaria 13 người... Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, 100.000 thường dân Iraq đã thiệt mạng trong 2 năm đầu chiến tranh. Con số này đến nay có lẽ đã tăng gấp đôi.

Cùng với thiệt hại về người và của, cuộc chiến tranh Iraq còn làm tăng không khí chống Mỹ và phương Tây trong thế giới Hồi giáo. Trong suốt cuộc chiến tranh này, Mỹ và đồng minh đã gây ra nhiều vụ bê bối nghiêm trọng, chẳng hạn như các vụ ngược đãi tù nhân Iraq. Washington cũng thất bại trong việc thu thập các bằng chứng chứng minh chính quyền của Hussein phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Điều này khiến các hoạt động biểu tình phản chiến ngày càng diễn ra rầm rộ hơn và theo đó là uy tín chính quyền của Tổng thống G.Bush trong lòng dân Mỹ cũng sụt giảm trầm trọng.

Nếu như Mỹ chỉ cần vài tuần để xóa sổ chính quyền Saddam Hussein thì đến nay, khi cuộc chiến đã đi được 3 năm, tình hình Iraq vẫn hết sức bất ổn. Tiến trình chính trị luôn thăng trầm và giờ đang đối mặt với thách thức lớn trong việc thành lập chính phủ mới. Xung đột sắc tộc, tôn giáo với mâu thuẫn chủ đạo là giữa người Hồi Sunni và người Hồi Shiite ngày càng phức tạp, gây ra nhiều vụ bạo lực đẫm máu. Làn sóng quân nổi dậy và hoạt động khủng bố không ngừng lan rộng và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn. Vì thế, nhiều chuyên gia bình luận quốc tế và một số nhân vật có tiếng trong chính quyền Washington cho rằng Mỹ đang sa lầy trong cuộc chiến tại Iraq.

Vào dịp kỷ niệm 3 năm ngày Mỹ tấn công Iraq, nhiều cuộc biểu tình phản chiến đã diễn ra hoặc đang được chuẩn bị. Ở London (Anh) sẽ có cuộc tuần hành của hơn 100.000 người; tại Úc, Mỹ, Đức, Hy Lạp..., hàng loạt hoạt động tương tự cũng sẽ diễn ra. Sau 3 năm, một lần nữa người ta có dịp nhìn lại cuộc chiến đẫm máu nhất của những năm đầu thế kỷ 21.

Đỗ Hùng
(BBC, CNN, AFP)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.