Theo VSA, thị trường tiêu thụ thép trong nước đang phục hồi tích cực. Dấu hiệu đầu tiên là từ tháng 9 - 11.2023, sản lượng thép tiêu thụ trong nước tăng lên 13%.
Gần đây nhất, từ đầu tháng 1 đến nay, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước có đợt điều chỉnh đồng loạt tăng giá đầu tiên. Cụ thể, giá bán thép cuộn, thép thanh vằn được điều chỉnh với mức tăng phổ biến từ 200.000 đồng/tấn. Dự báo, theo đà phục hồi hiện nay, giá thép tiếp tục tăng lên hơn 15 triệu đồng/tấn, ngay thời điểm trước tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Cũng theo VSA, nền kinh tế hiện nay đang có những diễn biến tích cực, hỗ trợ cho sự tăng trưởng tiêu thụ cũng như sản xuất thép. Điển hình nhất là từ quý 3.2023, các địa phương, bộ, ngành đồng loạt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong triển khai các dự án hạ tầng giao thông khiến nhu cầu tiêu thụ thép gia tăng.
Ngành thép lạc quan về triển vọng năm nay
Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Bắt đầu từ cuối năm 2023, bất động sản có dấu hiệu phục hồi, dự báo tiếp tục khởi sắc trong năm nay góp phần thúc đẩy sản lượng thép tiêu thụ trong nước.
Không chỉ ở thị trường trong nước, khối lượng thép xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng duy trì tăng trưởng nhờ triển vọng nhu cầu thép tăng trên toàn cầu.
Theo Hiệp hội Thép thế giới, năm nay, nhu cầu thép thế giới dự kiến sẽ tăng 1,9% so với 1,8% năm 2023. Trong đó, nhu cầu từ các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ tăng 2,8% trong năm 2024, sau khi đã giảm 1,8% trong năm 2023. Cụ thể, nhu cầu tại thị trường Mỹ và châu Âu lần lượt tăng 5,8% và 1,6%.
Hiệp hội Thép thế giới cũng dự báo nhu cầu thép từ các nước ASEAN (trừ Việt Nam) dự kiến tăng 5,2% trong năm nay, cao hơn mức 3,8% trong năm 2023.
Dựa trên kỳ vọng GDP của Việt Nam năm nay tăng trưởng 6 - 6,5% và nhiều điểm sáng tích cực của nền kinh tế, VSA dự báo tiêu thụ thép năm nay sẽ tăng 6,4% lên gần 21,6 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm sẽ đạt 13 triệu tấn, tăng 12% so với năm 2023. Theo đó, VSA dự báo ngành sản xuất thép trong năm nay có thể tăng trưởng 10% giúp các doanh nghiệp phục hồi lợi nhuận.
Lợi nhuận công ty thép bước vào chu kỳ phục hồi
Phân tích và nhận định từ Công ty cổ phần chứng khoán SSI, lợi nhuận của các công ty thép đã chạm đáy trong năm 2023 và từ năm nay sẽ bước vào chu kỳ phục hồi, kéo dài trong 2 - 3 năm tới. Dự báo năm nay, các doanh nghiệp thép sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiện, giá thép đã kết thúc chu kỳ giảm của những năm trước đây.
Theo SSI, dù có kết quả kinh doanh không tích cực như năm 2022 nhưng giá cổ phiếu thép năm 2023 có diễn biến tích cực. Kết thúc năm 2023, giá cổ phiếu thép tăng trung bình 58%, cao hơn 46% so với chỉ số VN Index.
Trong năm nay, SSI kỳ vọng lợi nhuận của các công ty thép sẽ đạt mức tăng trưởng cao từ mức nền thấp năm 2023 nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiện, đặc biệt là của cổ phiếu HPG (Tập đoàn Hòa Phát) và HSG (Tập đoàn Hoa Sen).
Cụ thể với HPG, tập đoàn này dự báo sản lượng thép tiêu thụ năm nay tăng 11%, lợi nhuận phục hồi 80%; giá cổ phiếu HPG từ 27.950 đồng (cuối năm 2023) tăng lên 30.000 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, giá cổ phiếu HSG được dự báo sẽ tăng từ 22.800 đồng/cổ phiếu lên 24.400 đồng/cổ phiếu, khi lợi nhuận của Tập đoàn Hoa Sen sẽ phục hồi mạnh trong năm nay và sản lượng thép tiêu thụ trong thị trường nội địa sẽ tốt hơn kênh xuất khẩu.
Bình luận (0)