CUỘC CÁCH MẠNG DANG DỞ
Nguyên nhân nổi bật nhất dẫn đến thất bại của HLV Troussier chính là sự không phù hợp. Không phù hợp ngay ở sự lựa chọn triết lý lối chơi, con người, mối quan hệ trong và ngoài phòng thay đồ và cuối cùng là những sai lầm và thiếu nhất quán trong những quyết định cá nhân của ông. Từ chiến lược cho cả một chiến dịch đến kế hoạch, chiến thuật cho từng trận đấu và thời điểm cụ thể trên sân, từ đấu pháp nhập cuộc cho đến sự điều chỉnh cụ thể từng giai đoạn, từ lối chơi tổng thể đến từng tiểu tiết vị trí trên sân.
Không phủ nhận, kế hoạch ban đầu của HLV Troussier thực sự rất tốt, thậm chí còn được ví như cuộc cách mạng lớn của bóng đá VN. Vì ông dám nghĩ đến việc thay đổi lối chơi, thay đổi nếp nghĩ của rất nhiều cầu thủ đã quen với phong cách phòng ngự phản công; dám chọn một triết lý lối chơi khác hoàn toàn với người tiền nhiệm và tiếp cận với những xu hướng bóng đá chủ động và hiện đại hơn. Và đặc biệt vì nhiều thời điểm dám bỏ qua vai trò, tầm ảnh hưởng của các cựu binh mà đặt hoàn toàn niềm tin vào các cầu thủ trẻ như Tuấn Tài, Minh Trọng, Thái Sơn, Đình Bắc, Văn Khang. Nhưng rất tiếc cuối cùng tất cả lại trở nên một cuộc cách mạng dang dở vì yếu tố không phù hợp đã đề cập ở trên.
Highlight Việt Nam 0-3 Indonesia: Thất bại toàn tập | Vòng loại World Cup 2026
Đầu tiên phải thẳng thắn thừa nhận, cầu thủ VN hiện nay chưa được đào tạo một cách cơ bản và toàn diện về chiến thuật cá nhân, nhóm hay toàn đội. Ngay cả những yếu tố cơ bản về mặt kỹ thuật như tư thế, vị trí, chạm 1, chạm 2 của người nhận hay lựa chọn - thời điểm - chất lượng của người chuyền. Việc này dẫn đến ban huấn luyện mất quá nhiều thời gian vào chỉnh sửa, uốn nắn cho việc kiểm soát bóng mà quên mất còn phải tập chuyển đổi, phòng ngự, tình huống cố định.
Các cầu thủ trẻ dễ uốn thì có thể đáp ứng được mong muốn của thầy nhưng lại quá yếu và thiếu về bản lĩnh, kinh nghiệm trận mạc, các yếu tố phòng ngự cá nhân dẫn đến việc thường xuyên mắc lỗi nghiêm trọng. Còn các cầu thủ đã trưởng thành, cách chơi tư duy của họ đã thành nếp, không thể thay đổi một sớm một chiều. HLV Troussier quá chú trọng lối chơi kiểm soát mà quên hết cự ly đội hình, khối đội hình tấn công, phòng ngự, vị trí, tư thế cá nhân trong các giai đoạn tấn công, chuyển đổi tấn công sang phòng ngự, chủ động phòng ngự và chuyển đổi sang tấn công nhanh.
Kết quả là một đội tuyển chưa được chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt, chưa có lối chơi vận hành trơn tru, chưa phân tích đối thủ kỹ lưỡng, chưa có kế hoạch cụ thể cho từng trận đấu, từng giai đoạn của trận đấu; chưa làm kỹ tình huống cố định. Gặp đối thủ cứng và toàn diện như Iraq, Indonesia thì vỡ vụn là đương nhiên.
Bản thân HLV Troussier với những cách xử lý các mối quan hệ không tốt đã tạo ra khoảng cách giữa cựu binh và cầu thủ trẻ. Đặc biệt là cách ông đối xử với các công thần thời HLV Park Hang-seo đã tạo nên những vết xước trong mối quan hệ thầy trò. Tất cả điều đó khiến ông chưa thể xây dựng được một tập thể thống nhất và có sức chiến đấu cao như đội tuyển của thời kỳ trước. Đội tuyển không có được sức mạnh về mặt tinh thần để khỏa lấp những thiếu hụt trong chuyên môn.
Xem nhanh 20h ngày 28.3:Lộ diện người thay ông Troussier ở đội U.23
BÀI HỌC LỚN CHO VFF VÀ NGƯỜI KẾ NHIỆM
Thất bại của HLV Troussier cho thấy bản CV (lý lịch) hay những thành tích chói lọi trong quá khứ chỉ là một yếu tố mang tính tham khảo. Không phải là căn cứ chủ chốt để quyết định chọn lựa. Năng lực thực sự ở thời điểm hiện tại và sự phù hợp mới là yếu tố quan trọng nhất.
Đội tuyển VN từng chạm đáy rồi lên đỉnh dưới thời thầy Park, nhưng rồi "Park's team" cũng đã chạm ngưỡng và có dấu hiệu đi xuống ở thời kỳ cuối. Bóng đá có chu kỳ thành công nhưng cũng sẽ có những giai đoạn sa sút. Chúng ta đã tự làm khó mình khi mất phương hướng trong suốt một năm qua. Bây giờ là lúc Liên đoàn Bóng đá VN (VFF), Hội đồng HLV quốc gia cần có những cuộc hội thảo, sự cân nhắc và lựa chọn chính xác để đưa con thuyền đội tuyển VN quay trở lại đúng quỹ đạo. Có thể lựa chọn nhân tố mới với bài test là giải vô địch Đông Nam Á (AFF Cup) vào cuối năm nay, trước khi đưa ra những bản hợp đồng có tính dài hơi với chiến lược cụ thể. Xa hơn nữa, chúng ta cũng nên nhìn vào bài học công tác đào tạo cầu thủ trẻ của Thái Lan với các lứa đồng đều và toàn diện để có thể đáp ứng được mọi yêu cầu triết lý lối chơi. Hay kết quả thực tiễn của đội tuyển Indonesia với dàn cầu thủ được nhập tịch đào tạo cơ bản ở châu Âu đã cho thấy sự khác biệt.
Tóm lại, chiến lược dài hơi, kế hoạch ngắn hạn, mục tiêu cụ thể là quan trọng. Nhưng yếu tố con người mới là quan trọng nhất, nếu những mầm non không được chăm sóc một cách bài bản và hoàn thiện thì sẽ không hy vọng có ngày hái quả ngọt.
Thăm dò ý kiến
HLV nội hay ngoại phù hợp dẫn dắt đội tuyển Việt Nam sau khi ông Troussier ra đi?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Bình luận (0)