Sau cú 'bốc đầu', vàng có còn tăng giá?

Thanh Xuân
Thanh Xuân
03/12/2023 16:21 GMT+7

Giá vàng tăng vọt vào cuối tuần qua và xấp xỉ ở mức kỷ lục. Liệu kim loại quý có tiếp tục tăng trong thời gian tới hay không là câu hỏi đặt ra với nhiều người?

 Có thể lên 78 triệu đồng/lượng?

Giá vàng quốc tế tăng mạnh vào cuối tuần qua khi lên 2.071 USD/ounce, tiến sát mức giá kỷ lục 2.080 USD/ounce xác lập vào đầu tháng 5.2023. Tính chung, vàng tăng 65 USD/ounce trong tuần qua, tương ứng mức tăng hơn 3,2%. 

Thông thường, sau khi tăng giá mạnh, lực bán chốt lời sẽ xuất hiện và vàng có thể đảo chiều đi xuống trong tuần tới. Chuyên gia vàng Dương Anh Vũ nói, điều này có thể xảy ra, giá có thể rớt về lại mức 2.053 USD/ounce hay 2.033 USD/ounce. Tuy nhiên, ông Dương Anh Vũ cho rằng từ nay đến cuối năm 2023, mức giá kỷ lục 2.081 USD/ounce có thể bị phá vỡ với lực mua của các ngân hàng trung ương và bối cảnh bất ổn địa chính trị trên thế giới. 

BIẾN ĐỘNG VÀNG ngày 4.12: Giá vàng lại tăng ‘bốc đầu'

Giá vàng sẽ còn tăng nữa hay không? - Ảnh 1.

Người mua vàng thận trọng ở mức giá cao kỷ lục

NGỌC THẮNG

Theo ông Dương Anh Vũ, dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ từ năm 2022 nhưng giá vàng thế giới vẫn tăng và trụ vững quanh 1.900 USD/ounce. Khi đã thiết lập mức hỗ trợ cao hơn, kim loại quý còn được các ngân hàng trung ương mạnh tay mua vào, giúp giá vàng vượt ngưỡng cản 2.000 USD và dần tiếp cận đỉnh cao kỷ lục 2.081 USD/ounce. Thời gian còn lại của năm 2023 và trong năm 2024, nhiều khả năng xu hướng tăng chưa dừng lại. Nguyên nhân, xung đột ở Đông Âu và khu vực Trung Đông chưa có lối thoát, trong khi các quốc gia sẽ tiếp tục mua vàng để phòng vệ rủi ro và nỗ lực phi đô la hóa các giao dịch trên thị trường tài chính. 

Với lập luận này, giá vàng thế giới có thể tăng và dao động quanh mức 2.110 USD/ounce trong quãng thời gian cuối năm. "Trường hợp vượt qua ngưỡng kháng cự 2.110 USD/ounce, giá vàng sẽ tăng lên 2.280 USD/ounce trong năm 2024. Tương ứng với diễn biến này trên thị trường thế giới, giá vàng trong nước có thể chạm mức 75 triệu đồng/lượng vào cuối năm. Trong năm 2024, dự báo giá vàng có thể lập kỷ lục mới 78 triệu đồng/ lượng", ông Dương Anh Vũ dự báo.

Một số dự báo trên thị trường vàng quốc tế cho rằng, nếu phá vỡ mức giá kỷ lục 2.081 USD/ounce trong tuần tới, kim loại quý sẽ lên 2.090 - 2.120 USD/ounce. Trong trường hợp không phá vỡ được mức kỷ lục, vàng sẽ giảm khoảng 50 - 70 USD/ounce. 

Theo ông Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, vàng có xu hướng giảm vào tuần tới. Cụ thể, vàng được dự báo điều chỉnh về mức 2.010 USD/ounce trước khi tăng cao hơn vào cuối năm. Triển vọng tăng giá đối với vàng vào năm 2024 với niềm tin chắc chắn rằng lãi suất đã đạt đỉnh và cũng như Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, với rất nhiều biện pháp nới lỏng đã được dự báo trên thị trường, cơ hội phục hồi theo đường thẳng là khó có thể xảy ra. Vàng sẽ chứng kiến những giai đoạn bị thách thức và đi xuống. Tương tự, các nhà phân tích của Societe Generale coi việc đẩy giá lên trên 2.000 USD là sự khởi đầu của một đợt phục hồi lớn hơn và giá vàng giữ ở mức khoảng 2.200 USD/ounce trong năm 2024.

Rủi ro khi mua vàng

Với mức dự báo giá vàng quốc tế khả năng lên 2.100 - 2.200 USD/ounce, tăng so với giá hiện nay từ 30 - 130 USD/ounce, tương ứng từ 880.000 đến 3,8 triệu đồng/lượng nhưng theo các chuyên gia, người mua vàng trong nước cần thận trọng. Ông Nguyễn Ngọc Trọng - Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới thừa nhận, về xu hướng, giá vàng trong nước cũng sẽ biến động theo giá thế giới nhưng mức độ rủi ro cho người mua đang tăng cao khi chênh lệch giữa giá mua và bán ngày càng giãn ra. Trong lịch sử đã có lúc ghi nhận giá mua và bán vàng miếng chênh nhau lên đến 2 triệu đồng/lượng. Ở mức giá cao kỷ lục, thị trường vàng hay xuất hiện lực bán chốt lời cũng như lực mua khi lo ngại giá còn tăng. Qua đó dẫn đến giá tăng giảm bất thường, người dân thường lỗ khi mua vào những thời điểm như vậy nên cần thận trọng.

Một điểm lạ trên thị trường trong nước cuối tuần qua là kim loại quý quốc tế lên mức cao nhưng vàng miếng SJC chưa cán mức giá kỷ lục 74,4 - 74,6 triệu đồng/lượng trước đó. Tốc độ tăng giá vàng trong nước chậm hơn so với quốc tế. Điều này dẫn đến vàng miếng SJC cao hơn thế giới 12,95 triệu đồng/lượng, thay vì khoảng 13,5 triệu đồng/lượng. Thêm vào đó, giá mua bán vàng miếng SJC cũng tăng lên 1,3 - 1,7 triệu đồng/lượng vào cuối tuần qua. Cụ thể, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vàng miếng SJC với giá 72,7 triệu đồng, bán ra 74 triệu đồng; Tập đoàn Doji mua vào 72,3 triệu đồng/lượng, bán ra 74 triệu đồng/lượng… Giá mua vàng có xu hướng tăng chậm hơn so với bán ra. Tín hiệu này cho thấy các đơn vị kinh doanh vàng thận trọng "ôm" hàng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.