Sau đề nghị của Bộ GD-ĐT, nhiều 'vùng xanh' vẫn chưa cho học sinh đến trường

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
26/10/2021 15:34 GMT+7

Thống kê đến ngày 25.10 của Bộ GD-ĐT cho thấy, sau 10 ngày Bộ có hướng dẫn về việc nên cho học sinh đến trường học trực tiếp ở "vùng xanh" (cấp độ dịch ở mức 1, 2), nhưng số địa phương cho học sinh đến trường chưa chuyển biến đáng kể.

23 địa phương dạy học trực tiếp, Hà Nội tiếp tục trực tuyến

Tổng hợp của Bộ GD-ĐT đến ngày 25.10, sau hơn 10 ngày Bộ này ban hành hướng dẫn dạy học trực tiếp tương ứng với cấp độ dịch bệnh, vẫn chỉ có 23/63 tỉnh, thành phố cho 100% học sinh học trực tiếp gồm: Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hải Phòng, Hoà Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lào Cai, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Sơn La, Lạng Sơn.

Có 25 địa phương tổ chức dạy học bằng hình thức trực tuyến và qua truyền hình; 15 địa phương kết hợp cả 3 hình thức: dạy học trực tiếp, trực tuyến, và qua truyền hình.

Trước đó, theo thống kê của Bộ GD-ĐT đến ngày 10.10, cả nước có 23 địa phương đang tổ chức dạy học trực tiếp cho 100% học sinh.

Những học sinh đầu tiên ở tâm dịch TP.HCM đã được trở lại trường

phạm hữu

Như vậy, so với số liệu tổng hợp ngày 10.10, cả nước vẫn giữ nguyên về số lượng địa phương cho học sinh đi học trực tiếp; còn so với thời điểm sau khai giảng năm học thì con số này vẫn... giữ nguyên.

Tuy nhiên, trong số 23 địa phương cho học sinh học trực tiếp đến thời điểm này so với từ đầu năm học đã có thay đổi. Có 4 tỉnh đang dạy học trực tiếp 100% đã phải chuyển một số trường sang học trực tuyến do phát sinh ổ dịch mới, hoặc các ca bệnh liên quan đến trường học như Bắc Ninh, Phú Thọ, Bình Định, Hải Dương… Ngược lại, cũng có 4 địa phương đã chuyển từ dạy học trực tuyến sang dạy học trực tiếp như: Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Sơn La, Lạng Sơn.

Do vậy, dù có thêm 4 địa phương cho học sinh trở lại trường nhưng cũng bằng đó địa phương lại chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến nên tổng số tỉnh, thành dạy học trực tiếp cho 100% chỉ dừng ở con số 23.

Số địa phương cho học sinh đến trường vẫn thấp so với cảnh báo về cấp độ dịch

Theo văn bản của Bộ GD-ĐT (có tham khảo ý kiến của Bộ Y tế) gửi UBND các tỉnh, thành phố ngày 15.10 về việc dạy học trực tiếp thì các trường học ở khu vực thuộc cấp độ 1 và 2 về dịch Covid-19 có thể dạy học trực tiếp hoàn toàn; cấp độ 3 dạy kết hợp trực tiếp và trực tuyến, cấp độ 4 tổ chức dạy học trực tuyến và trên truyền hình.

Nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã đánh giá cấp độ dịch ở phạm vi tỉnh, huyện và phường, xã dựa vào Nghị quyết số 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Cả nước có 37 tỉnh, thành ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) và 26 tỉnh, thành ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới). Không có tỉnh, thành cấp độ 3 (nguy cơ cao) và cấp 4 (nguy cơ rất cao). Tuy nhiên, vẫn còn 14 huyện và 98 xã ở cấp độ 3, 2 huyện và 37 xã ở cấp độ 4.

Nếu áp dụng theo đề nghị của Bộ GD-ĐT thì tất cả tỉnh, thành cả nước đã có thể mở cửa trường học được, trừ các xã, huyện đang ở cấp độ 3 và 4.

Tuy nhiên, theo số thống kê mới nhất của của Bộ GD-ĐT như trên thì hiện cả nước chỉ có 25 tỉnh, thành cho toàn bộ học sinh đến trường.

Trường học ở Hà Nội nhiều lần dọn dẹp để sẵn sàng đón học sinh nhưng đến giờ vẫn dạy học trực tuyến

T.H.S

Tại Hà Nội, dù tất cả các xã phường đều ở cấp độ 1, 2 nhưng sau một vài lần bàn bạc, đề xuất rồi rút lại, đến hôm nay, 26.10, thành phố này vẫn chưa đưa ra bất cứ phương án chính thức nào về việc cho học sinh trở lại trường. Hà Nội vẫn tiếp tục nằm trong danh sách các địa phương dạy học trực tuyến hoàn toàn từ đầu năm học đến nay. Trong khi đó, tâm dịch TP.HCM đã bắt đầu cho học sinh ở H.Cần Giờ đến trường (nằm trong số 15 tỉnh, thành có kết hợp các hình thức dạy học khác nhau).

Một số địa phương có ca mắc mới trong cộng đồng hoặc F0, F1 có liên quan đến trường học như Phú Thọ, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Quảng Ninh… cũng đóng cửa trường học theo phạm vi nhỏ theo cấp xã hoặc huyện, thay vì cho toàn bộ học sinh cả tỉnh ở nhà như trước đây.

Ngày 25.10, chia sẻ trên một số phương tiện truyền thông, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nêu thực tế rất nhiều tỉnh, thành phố, nhiều địa bàn ở nông thôn là “vùng xanh” không có dịch nhưng tại sao vẫn chưa cho học sinh đi học? Chúng ta quy đồng cả một tỉnh, cả một thành phố sẽ ảnh hưởng rất lớn, cần có kế hoạch phân vùng nào gọn vùng đấy. Vùng nào có nguy cơ, vùng nào không? dịch ở mức độ nào giải quyết nguy cơ đó, phạm vi đó.

“Rủi ro các cháu không được đi học, không được đến trường cao hơn việc có thể một số cháu nhiễm Covid-19”, ông Trần Đắc Phu nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.