Sau dịch sởi, thủy đậu có nguy cơ bùng phát

11/04/2019 07:50 GMT+7

Khi có thông tin về nguy cơ bùng phát dịch sởi trong mấy ngày gần đây, nhiều phụ huynh mới vội vàng đưa con đi tiềm ngừa.

Tâm lý "nước tới chân mới nhảy" này có thể khiến con bạn rơi vào vòng nguy hiểm, đặc biệt trước những căn bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng trong cộng đồng như sởi, thủy đậu... Và nếu không chặn đứng kịp thời sẽ có nguy cơ bùng phát thành dịch.

Thủy đậu - tốc độ lây truyền không hề thua kém sởi

Từ cuối năm 2018 đến nay, dịch sởi bùng phát ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Pháp, Philippines,…
Tại Việt Nam, nhiều tỉnh thành cũng đã xuất hiện dịch sởi. Các bậc phụ huynh đang gấp rút tìm cách bảo vệ con khỏi vi rút sởi mà quên mất thủy đậu cũng nguy hiểm không kém. Con đường lây truyền thủy đậu tương tự như sởi. Người lành có nguy cơ nhiễm thủy đậu khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết, nước bọt của người bệnh. Hơn nữa, khi người chăm sóc bệnh nhân tiếp xúc với mầm bệnh mà không thực hiện các bước diệt khuẩn, nguy cơ lây nhiễm sang cho người khác cũng rất cao. Thủy đậu thậm chí còn nguy hiểm hơn khi diễn tiến âm thầm và có thể lây lan ngay trong thời gian ủ bệnh, từ 7 đến 10 ngày trước khi xuất hiện các nốt đỏ, mụn nước trên da. Ẩn họa lây nhiễm này khiến nhiều phụ huynh không kịp trở tay bảo vệ con, nhất là khi trẻ học tập, vui chơi trong môi trường tập thể.
Khi mắc thủy đậu, những mụn nước trên da niêm mạc miệng, không chỉ gây đau nhức, ăn uống khó khăn mà còn có nguy cơ để lại sẹo lõm, khiến trẻ mất tự tin về sau. Biến chứng thứ hai có thể gặp phải là viêm phổi với triệu chứng nguy hiểm như đau ngực, khó thở, tím tái, ho ra máu. Biến chứng thần kinh gây mất điều hoà tiểu não cấp, viêm não… thậm chí có thể gây tử vong.

Chặn đứng nguy cơ bùng phát thủy đậu

Thủy đậu là bệnh có thể phòng ngừa bằng cách tiêm ngừa vắc xin. Song tại sao mỗi năm các bệnh viện vẫn quá tải khi tiếp nhận hàng loạt ca thủy đậu trong thời gian cao điểm? Lối suy nghĩ thủy đậu là bệnh lành tính, tự đến tự đi khiến nhiều người không chủ động phòng bệnh cho con trẻ. Theo PGS-TS-BS Cao Hữu Nghĩa (Viện Pasteur TP.HCM), thủy đậu vốn là một bệnh lành tính nhưng nếu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bé có thể bị sẹo vĩnh viễn cùng các biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách (Ảnh minh họa)
Bé có thể bị sẹo vĩnh viễn cùng các biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách (Ảnh minh họa)
Song, các thông tin sai lệch về vắc xin ngày càng tràn lan khiến phụ huynh ngờ vực, phân vân khi suy nghĩ đến việc có nên cho con đi tiêm ngừa thuỷ đậu và các bệnh dễ lây truyền khác hay không, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát và lan rộng.
Chị T.N (quận 7, TP.HCM) chia sẻ, con gái lớn (12 tuổi) của chị vừa trải qua thời gian dài điều trị thủy đậu, đến nay, da cháu vẫn còn để lại sẹo, cháu mất tự tin trông thấy, chỉ muốn mặc áo dài tay khi ra đường. Thấy con như vậy, chị vừa thương vừa ân hận vì trước đây nếu không nghe lời bạn bè bài trừ vắc xin, chủ động đi tiêm ngừa sớm thì con sẽ không ra nông nỗi như hôm nay. Sau thời gian chăm sóc con ở bệnh viện, chị T.N nhất quyết đưa cả 2 con đến cơ sở y tế tiêm ngừa để vừa bảo vệ cháu gái nhỏ (9 tuổi) vừa không để tái nhiễm với con gái lớn.
Với tốc độ lây lan nhanh và không có thuốc đặc trị, sau sởi, thuỷ đậu rất có thể sẽ bùng phát thành dịch. Ngay từ hôm nay, các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể tạo được bức tường bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh nguy hiểm này. Bên cạnh việc cách ly, giữ vệ sinh nơi học tập, vui chơi thì đưa trẻ đi tiêm ngừa vắc xin là cách hữu hiệu để bảo vệ trẻ tránh khỏi những hệ lụy nguy hiểm từ thủy đậu cũng như hạn chế thủy đậu bùng phát thành dịch trong cộng đồng.
Để ngăn ngừa thủy đậu, phụ huynh có thể đưa con đến hầu hết các cơ sở y tế cả công lẫn tư trên khắp cả nước để tiêm ngừa thủy đậu. Trẻ từ 1 tuổi trở lên và người lớn tiêm 1-2 liều (Tham khảo thêm tư vấn từ bác sĩ). Gọi ngay tổng đài 1800545459 để được tư vấn miễn phí về bệnh thủy đậu và cách phòng ngừa. Truy cập fanpage Chặn đứng hệ lụy từ thủy đậu hoặc website http://www.tiemphongvacxin.com để biết thêm thông tin về thủy đậu.
*Bài viết nằm trong chương trình truyền thông cộng đồng của Hội Y học Dự phòng Việt Nam, được tài trợ bởi MSD vì mục đích giáo dục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.