Các vị lãnh đạo chủ chốt của HĐND, UBND các tỉnh, thành phố sẽ phải trải qua đợt “sát hạch” khá nghiêm khắc của các vị đại biểu đại diện cho tiếng nói của cử tri trong địa phương mình. Kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công khai trên các phương tiện truyền thông nên không chỉ người được lấy phiếu tín nhiệm biết mà toàn bộ cử tri cũng được biết về sự “tín nhiệm” của từng người. Nhìn vào tỷ lệ “tín nhiệm” được thể hiện trên số phiếu, từng vị lãnh đạo sẽ nhận ra được mình đang nằm ở “bậc” nào trong suy nghĩ của các đại biểu và cũng là trong mắt của người dân.
Tỷ lệ phiếu tín nhiệm chưa hẳn đã phản ảnh hoàn toàn chính xác về năng lực của từng vị lãnh đạo được lấy phiếu tín nhiệm, song nó cũng nói lên được phần nào về những “hao khuyết” của mỗi người trong quá trình điều hành công việc mà cử tri đã giao phó và kỳ vọng. Người nào điều hành công việc không trôi chảy, không kiên quyết xử lý rốt ráo những sai phạm, không đưa ra những quyết sách có tính căn cơ để “kích hoạt” sự phát triển của nền kinh tế… tất nhiên, người lãnh đạo ấy sẽ phải nhận số phiếu tín nhiệm thấp. Đã qua rồi cái thời cố tránh né, không đụng chạm nhằm “lấy lòng” tất cả mọi người để nhận được sự “tín nhiệm cao”. Đại biểu Quốc hội cũng như đại biểu HĐND các cấp bây giờ họ có chính kiến của mình nên lá phiếu của họ luôn phản ảnh đúng với những gì họ thấy và họ nghĩ về người được lấy phiếu tín nhiệm. Người được lấy phiếu tín nhiệm, dù ở địa vị lãnh đạo như thế nào cũng không thể dài tay “chỉ đạo” bỏ người này hoặc gạch người kia được. Vì vậy, người dân có thể tin tưởng vào sự chính xác của từng lá phiếu trong đợt lấy phiếu tín nhiệm đã và đang diễn ra ở các kỳ họp HĐND tỉnh, thành phố.
Có thể nhìn vào tỷ lệ của số phiếu, vị lãnh đạo này phấn chấn vì phiếu tín nhiệm cao hơn, vị kia kém vui một chút vì phiếu mình thấp hơn… Nhưng đây là dịp tốt nhất để mỗi người tự soi vào mình và có sự điều chỉnh trong cách quản lý, điều hành công việc sao cho tốt hơn, để cuộc sống của người dân ngày một khá hơn từ sự lãnh đạo và điều hành của mình. Đấy mới là cái đích mà cuộc lấy phiếu tín nhiệm hướng đến.
Sẽ không có ai bị “rớt chức”, cũng sẽ không có vị lãnh đạo nào “lên chức” sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm này, nhưng chắc chắn, mỗi lá phiếu “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm ”, hoặc “tín nhiệm thấp” là một cú hích, đủ để mỗi người tự “giật mình” nhìn lại cả một chặng đường lãnh đạo đã qua của mình. Toàn thể cử tri đang kỳ vọng sau đợt lấy phiếu tín nhiệm này sẽ có những bước chuyển biến theo hướng tích cực trong từng vị lãnh đạo ở các địa phương.
Trần Đăng
Bình luận (0)