Sau bão lũ, nhiều vùng nước ngập bị ô nhiễm nặng bởi nước thải từ hệ thống cống rãnh, các công trình vệ sinh, chuồng trại và xác động thực vật phân hủy khuếch tán vào nước. Nước bẩn làm ô nhiễm đất, không khí, cây trồng, vật nuôi. Từ đó, phát sinh nhiều bệnh dịch nguy hiểm như: nhiễm khuẩn đường ruột, đau mắt, nhiễm khuẩn da, sốt xuất huyết…
|
Đáng chú ý nhất: Tiêu chảy cấp
Bệnh tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn thường diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ lây lan thành dịch nếu không được điều trị và dự phòng kịp thời. Tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn là bệnh nhiễm khuẩn do các vi khuẩn dạng campylobacter gây ra. Đây cũng là nguyên nhân gây tiêu chảy hàng đầu trên thế giới và ở mọi độ tuổi.
Ổ chứa vi khuẩn thường trú trong gia súc và gia cầm như: chó con, mèo con, chim, heo, các động vật gặm nhấm… và đều rất dễ lây bệnh cho người. Các vụ dịch xảy ra phần lớn liên quan đến thức ăn, nhất là thịt gia cầm không được nấu chín, sữa không được tiệt khuẩn và nước không lọc sạch.
Ngoài tiêu chảy cấp, người dân ở khu vực nguồn nước ô nhiễm thường mắc bệnh do Rotavirus. Bệnh này lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống nhiễm virus.
Virus này chủ yếu gây bệnh cho trẻ dưới 2 tuổi và thường xuất hiện sau 24-48 giờ. Bệnh khởi phát đột ngột với các triệu chứng như: sốt cao hoặc không sốt, nôn nhiều, tiêu chảy nhiều lần trong ngày, phân nhiều nước, đôi khi dẫn đến rối loạn nước và điện giải rất nhanh. Phương pháp điều trị chủ yếu là điều chỉnh cân bằng nước và điện giải.
Một căn bệnh nguy hiểm, phổ biến sau bão lũ nữa là bệnh do phẩy khuẩn tả. Bệnh lây nhiễm theo đường tiêu hóa do sử dụng thức ăn, nước uống… bị nhiễm mầm bệnh. Phẩy khuẩn tả thường phát sinh ở môi trường thiếu nước sạch, điều kiện vệ sinh kém. Bệnh nhân mắc bệnh này nếu không điều trị kịp thời sẽ tử vong vì sốc không hồi phục.
Bù nước và điện giải
Sau bão lũ, nhiều khu vực bị ngăn cách về địa lý khiến người dân thường khó khăn khi tìm đến các cơ sở y tế. Do vậy, người dân cần nắm vững những biện pháp tự điều trị tại nhà trong trường hợp nguy cấp. Cụ thể, bù nước và điện giải là hai biện pháp quan trọng nhất.
Nếu tiêu chảy cấp xảy ra ở trẻ em thì phải cho uống bù nước ngay. Trẻ em có thể trọng yếu lại bị mất nước và điện giải do tiêu chảy nên sẽ nhanh chóng giảm khối lượng tuần hoàn và rối loạn nước điện giải. Trong trường hợp này cần bù nước bằng dung dịch oresol hoặc viên hydrite. Cần chú ý là phải pha dung dịch bù nước theo đúng hướng dẫn sử dụng, không được chia nhỏ gói oresol hoặc viên hydrite để pha làm nhiều lần. Dung dịch bù nước đã pha nếu để quá 12 giờ không uống hết thì phải bỏ đi.
Ngoài ra, có thể sử dụng các loại thuốc kháng tiết ở ruột non để làm ức chế tiết ở ruột do độc tố của vi khuẩn tả hoặc do viêm mà không làm giảm dịch tiết cơ bản khác. Thuốc đôi khi gây buồn ngủ nên cần thận trọng khi dùng.
Lưu ý khi dùng thuốc Về đông y, hiện cũng có các thuốc chiết xuất từ các cây vàng đắng, hoàng liên, hoàng bá, hoàng đằng… có tác dụng diệt lị amíp, một số vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây tiêu chảy, người dân vùng lũ cũng có thể sử dụng kháng sinh, thuốc làm chậm nhu động ruột hoặc men tiêu hóa nhưng lưu ý là cần liên hệ với thầy thuốc để có chỉ định chứ không nên tự ý sử dụng thuốc nhằm tránh các hậu quả đáng tiếc. Trước khi tính đến việc dùng thuốc cầm tiêu chảy thì phải bù nước và điện giải, nhất là với trẻ em. Bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở y tế khi đã dùng thuốc mà các triệu chứng không cải thiện hoặc tiêu chảy có kèm theo sốt, nôn; có tình trạng mất nước, biểu hiện ở mắt trũng, môi khô, ít nước tiểu, lú lẫn, lơ mơ. Khi mắc tiêu chảy thì vẫn ăn uống bình thường các loại thức ăn nấu chín và dễ tiêu, tránh thức ăn nhiều dầu mỡ và các chất tanh. |
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)