img
Sầu riêng Việt Nam bất ngờ "soán ngôi" Thái Lan- Ảnh 1.

Những ngày đầu năm 2024, vùng trồng sầu riêng ở miền Tây tất bật vào vụ thu hoạch nghịch mùa, người trồng sầu riêng không thể vui hơn khi giá sầu riêng cao ngất ngưởng, có thời điểm vượt mức 200.000 đồng/kg. Ông Võ Chí Sắc, ngụ ấp 2, xã Phú An, H.Cai Lậy (Tiền Giang), cho biết gia đình ông có 3 công đất trồng sầu riêng với 66 cây. Sau khi trừ đi hết chi phí,. mỗi vụ lãi khoảng 500 triệu đồng. Nhờ cây sầu riêng mà vợ chồng ông đã cất nhà mới khang trang, nuôi con học đại học ở TP.HCM…

Tiền Giang là thủ phủ cây sầu riêng của cả nước với tốc độ phát triển nhanh chóng. Theo ông Lê Văn Phước Lạc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú An (H.Cai Lậy, Tiền Giang), HTX có khoảng 325 ha trồng sầu riêng. Lợi nhuận của trái sầu riêng là "vô địch" trong các loại cây ăn trái ở tỉnh Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung. Nhiều người dân ở đây đã trở nên khấm khá cũng nhờ cây sầu riêng.

Sầu riêng Việt Nam bất ngờ "soán ngôi" Thái Lan- Ảnh 2.
Sầu riêng Việt Nam bất ngờ "soán ngôi" Thái Lan- Ảnh 3.
Sầu riêng Việt Nam bất ngờ "soán ngôi" Thái Lan- Ảnh 4.

Vườn sầu riêng ở miền Tây trĩu trịt quảCông Hân

Tại tỉnh Sóc Trăng, một trong những địa phương có thu nhập thấp nhất cả nước, cũng đang từng bước đổi đời nhờ chuyển đổi sang trồng sầu riêng. Anh Hà Thanh Tuấn, sinh năm 1982, ngụ ấp Hòa Lộc 1, xã Xuân Hòa, H.Kế Sách (Sóc Trăng), xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khó. Cũng như nhiều hộ nông dân khác, đầu tiên gia đình anh trồng xen canh rất nhiều loại cây trên đất nhà theo cách truyền thống, nhưng sản phẩm làm ra giá trị kinh tế không cao. 

Nhận thấy muốn vươn lên làm giàu thì phải chuyển đổi sang cây trồng khác có giá trị cao hơn, anh Tuấn mạnh dạn chuyển đổi 2.000 m2 vườn tạp giá trị thấp sang chuyên canh cây sầu riêng. Sau thời gian chăm sóc, vườn sầu riêng đã cho trái ngọt, trừ hết tất cả chi phí, tổng lợi nhuận đạt được trên 200 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 6 lao động tại địa phương. Thừa thắng xông lên, anh Tuấn vay thêm nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân và ngân hàng chính sách xã hội ở địa phương, cộng với số vốn tích lũy để mở rộng thêm 1 ha vườn để trồng sầu riêng.

Từ cuối năm 2022 đến nay, sầu riêng được thương lái lùng sục, săn đón, giá sầu riêng lên cao chưa từng thấy. Anh Tuấn bộc bạch: "Không riêng gì tôi mà hầu hết nông dân địa phương đều rất phấn khởi, vui mừng vì trái sầu riêng của mình đã giúp đổi đời, từ cuộc sống nghèo khổ nay đã có thể dư giả và tiếp tục mở rộng các dự án tiếp theo".

Không chỉ giúp giảm nghèo, xóa nghèo, tại nhiều vùng trồng sầu riêng trên cả nước đã có những người trở nên giàu có. Chẳng hạn, xã Ea Tar, H.Cư M'gar (Đắk Lắk) là xã vùng sâu, vùng xa, trước đây đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong vài ba năm trở lại đây, xã đã xuất hiện nhiều "tỉ phú" sầu riêng đích thực với vùng sản xuất sầu riêng tập trung hơn 1.000 ha. 

Điển hình như ông Đỗ Việt Hùng (65 tuổi), có 10 ha sầu riêng ở xã Ea Tar, đã cho thu hoạch năm thứ 3. Vụ thu hoạch vừa qua, vườn sầu riêng của gia đình ông Hùng đạt hơn 300 tấn, bán với giá 80.000 đồng/kg. Sau khi trừ các loại chi phí phân bón, thuốc men, công chăm sóc, thu hái khoảng 2,5 tỉ đồng, gia đình ông Hùng có lợi nhuận hơn 21 tỉ đồng. Hay gia đình chị Nguyễn Thị Ánh Hồng từ tỉnh Phú Thọ vào xã Ea Tar lập nghiệp năm 2004. Vào vùng kinh tế mới từ 2 bàn tay trắng, cả gia đình chị Hồng phải đi làm thuê suốt 6 năm. Sau khi có chút vốn liếng, gia đình chị Hồng đã tích góp từng mảnh đất nhỏ để trồng sầu riêng. 

Đến nay, không chỉ thoát khỏi diện hộ nghèo, gia đình chị Hồng có 3 ha sầu riêng xanh tốt, đang cho thu hoạch. Mùa vụ vừa qua, dù có 1 ha mới thu hoạch vụ đầu nhưng vườn sầu riêng của gia đình chị thu được 47 tấn, bán với giá 84.000 đồng/kg. "Thật không thể ngờ, sau khi trừ chi phí đầu tư khoảng 200 triệu đồng, gia đình tôi có lãi khoảng 3,7 tỉ đồng. Nhờ đó con gái được lên TP.Buôn Ma Thuột học nội trú với học phí 10 triệu đồng/tháng", chị Hồng chia sẻ.

Sầu riêng Việt Nam bất ngờ "soán ngôi" Thái Lan- Ảnh 5.

Sầu riêng Việt Nam bất ngờ "soán ngôi" Thái Lan- Ảnh 6.

Theo Hiệp hội Rau quả VN, từ đầu năm 2024 đến nay sầu riêng VN một mình một chợ vì Thái Lan và các nước khác chưa vào vụ. Nhờ lợi thế hàng thu hoạch nghịch mùa, VN lần đầu vượt Thái Lan về kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc với 32.750 tấn trong 2 tháng đầu năm. Mức này tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nhờ đó thị phần sầu riêng VN tăng lên 57% tại Trung Quốc, cao hơn nhiều so với mức 32% năm ngoái. Thái Lan tụt xuống vị trí thứ 2, đạt 19.016 tấn, giảm hơn 50% so với cùng kỳ. Trung Quốc cũng nhập trái sầu riêng tươi từ Philippines, nhưng thị phần nhỏ, chỉ khoảng 1%. Như vậy, VN đã chính thức chiếm ngôi vương của Thái Lan, dù mới chỉ trong quý 1/2024 nhưng cũng là một dấu mốc không tưởng tượng được trước đây.

Sầu riêng Việt Nam bất ngờ "soán ngôi" Thái Lan- Ảnh 7.
Sầu riêng Việt Nam bất ngờ "soán ngôi" Thái Lan- Ảnh 8.
Sầu riêng Việt Nam bất ngờ "soán ngôi" Thái Lan- Ảnh 9.

Sầu riêng Công ty XNK trái cây Chánh Thu (Bến Tre) xuất khẩu Trung Quốc

Đào Ngọc Thạch

Nhìn lại hành trình hơn 1 năm qua mới thấy bước nhảy thần tốc của trái sầu riêng. Năm 2023, sầu riêng đã vươn lên dẫn đầu về xuất khẩu của ngành hàng rau quả khi đạt kim ngạch lên tới 2,14 tỉ USD. Con số này cao gấp 5 lần so với năm 2022 nhờ sầu riêng được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc hồi tháng 7 cùng năm. Số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy nước này đã nhập khẩu 1,4 triệu tấn sầu riêng trong năm 2023, tăng 69% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, đến năm 2025, thị trường sầu riêng của Trung Quốc có thể đạt 20 tỉ USD và cả thế giới là 28,6 tỉ USD. 

Các chuyên gia đánh giá, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng ở thị trường hơn 1,4 tỉ dân như Trung Quốc rất lớn, cộng tất cả sản lượng của các nước xuất khẩu sầu riêng ở khu vực Đông Nam Á vẫn chưa đủ đáp ứng. Vì thế, tiềm năng và dư địa vẫn còn nhiều. Dù vậy, cạnh tranh sầu riêng trên thị trường Trung Quốc ngày càng khốc liệt, với cuộc chạy đua của Thái Lan, VN, Malaysia và Philippines. Trên Producereport.com, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia thông tin việc xuất khẩu sầu riêng tươi của nước này sang Trung Quốc dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối tháng 5 tới. Điều này được dự báo cạnh tranh càng khốc liệt hơn.

Sầu riêng Việt Nam bất ngờ "soán ngôi" Thái Lan- Ảnh 10.

Sầu riêng Công ty XNK trái cây Chánh Thu (Bến Tre) xuất khẩu Trung Quốc

Đào Ngọc Thạch

Vừa có chuyến đi khảo sát thực tế vùng trồng sầu riêng tại Tây nguyên, ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng đại diện phụ trách phía nam Hội Làm vườn VN, nhận xét: Những vùng trồng sầu riêng là những khu vực xa xôi, nghèo khó; nhưng nhờ có cây sầu riêng mà mấy năm nay đời sống người dân thay đổi rất nhiều. Có những hộ thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm, đây là con số mơ ước mà những người làm nông trước đây không dám nghĩ đến. Diện tích trồng sầu riêng cũng vì vậy mà tăng mạnh. Tính trên cả nước, tổng diện tích trồng sầu riêng đã lên đến 135.000 ha, cao hơn gấp đôi so với quy hoạch dự kiến của Bộ NN-PTNT.

"Dù diện tích gia tăng nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của các nước châu Á, trong đó lớn nhất là tại Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc vẫn còn tiềm năng to lớn, nhiều người dân tại đây vẫn chưa được biết đến mùi vị sầu riêng vì giá khá cao. Cứ lấy thị trường VN làm minh chứng, tại VN mặc dù nhiều người thích ăn sầu riêng nhưng ít khi nào "dám" mua ăn thường xuyên vì giá khá cao. Tại Trung Quốc cũng vậy, hiện nay mới chỉ có những người có thu nhập cao, tầng lớp thượng lưu mới có thể ăn sầu riêng, còn nhiều bộ phận khác thích nhưng chưa ăn được. Ngoài ra cộng đồng người Việt tại các nước trên thế giới cũng khá đông, tiềm năng mở rộng thị trường vẫn còn rất nhiều. Mặc dù có nhiều người không chịu được mùi sầu riêng, nhiều nơi cấm sử dụng hoặc cấm mang theo trái sầu riêng, nhưng điều này không quan trọng. Chỉ cần có nhu cầu là có thể tiêu thụ được", ông Mười tự tin. 

Sầu riêng Việt Nam bất ngờ "soán ngôi" Thái Lan- Ảnh 11.

Sầu riêng Việt Nam bất ngờ "soán ngôi" Thái Lan- Ảnh 12.

Lâm Đồng lần đầu xuất khẩu chính ngạch sầu riêng qua Trung Quốc, năm 2022

Lâm Viên

Sầu riêng Việt Nam bất ngờ "soán ngôi" Thái Lan- Ảnh 13.

Kiểm dịch xe hàng sầu riêng xuất khẩu tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn), năm 2022

Phan Hậu

Sầu riêng Việt Nam bất ngờ "soán ngôi" Thái Lan- Ảnh 14.

Về việc soán ngôi Thái Lan của sầu riêng VN tại Trung Quốc, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, thẳng thắn cho rằng trên tổng thể, Thái Lan vẫn là cường quốc xuất khẩu sầu riêng đứng trên VN. Nhưng chúng ta có lợi thế là sản xuất được sầu riêng quanh năm. Trong thời gian từ tháng 1 - 4 hằng năm, Thái Lan và các nước xung quanh chưa thể xử lý được sầu riêng trái vụ, thì nông dân miền Tây ngày càng thành thục hơn, nắm bắt kỹ thuật hiệu quả hơn để cây sầu riêng cho quả trái mùa. Chính vì vậy mà sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu sầu riêng VN gia tăng mạnh trong những tháng đầu năm. 

Bên cạnh đó, trái sầu riêng của VN có lợi thế lớn là sát bên thị trường Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ rất cao. Năm 2023, Trung Quốc chi tới 7 tỉ USD để nhập sầu riêng, trong đó VN chiếm 35%. Nhưng cho dù tất cả các nước trồng sầu riêng hiện nay gia tăng sản lượng cũng không đủ đáp ứng cho thị trường này. "Chúng ta đừng lo lắng gì nhiều về việc dư thừa hay dội chợ. Tôi cho rằng chỉ có những mặt hàng mà nước sở tại sản xuất được như thanh long hay chuối mới lo lắng về chuyện giá cả thất thường, vì dù sao chính phủ của họ phải ưu tiên hỗ trợ nông sản trong nước. Còn cây sầu riêng là đặc sản của nước nhiệt đới, dù cho Trung Quốc có muốn tự trồng cũng không được. 

Trước đây thanh long từng nổi lên nhưng sau đó bị "thất sủng" vì Trung Quốc tự trồng. Nên nhớ rằng thanh long là cây phổ biến, dễ trồng, chỉ cần mất 2 năm là thu hoạch, vậy mà Trung Quốc phải mất đến 20 năm để nghiên cứu mới trồng được. Còn sầu riêng là cây lâu năm, cần diện tích sản xuất lớn và trồng 5 - 6 năm mới cho trái. Tôi cho rằng phải mất rất nhiều năm Trung Quốc mới có thể nghiên cứu để trồng được, mà chưa chắc có trái đạt chất lượng hoặc đạt năng suất như VN", ông Nguyên chia sẻ.

Sầu riêng Việt Nam bất ngờ "soán ngôi" Thái Lan- Ảnh 15.

PGS-TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cũng lạc quan nhận xét rằng Trung Quốc là thị trường rất lớn, cơ hội gia tăng xuất khẩu đối với sầu riêng còn nhiều. Nhưng hiện tượng VN "vượt" Thái Lan trong 2 tháng đầu năm nay chỉ là ngắn hạn do trái mùa. Nhìn tổng thể, xuất khẩu sầu riêng của VN vẫn còn ít hơn Thái Lan do nước này đã phát triển lâu hơn. Ưu điểm lớn nhất của Thái Lan là đã có tiêu chuẩn cụ thể cho sản phẩm và quản lý thực hiện tiêu chuẩn này rất chặt chẽ. Chẳng hạn, Thái Lan đưa ra quy định lúc nào mới được thu hoạch để đảm bảo độ chín, chất lượng của sản phẩm. Việc kiểm soát được thực hiện thông qua các đơn vị đóng gói, xuất khẩu. 

Đây là quy trình chuẩn để đảm bảo chất lượng, giữ uy tín của sầu riêng mà VN có thể học hỏi để phổ biến cho người dân. Tuy nhiên về dài hạn, để tránh những rủi ro về việc tập trung quá nhiều vào một thị trường thì cơ quan quản lý vẫn cần phải xúc tiến mở thêm thị trường mới. Các thị trường như châu Âu, Mỹ…, sầu riêng chủ yếu là người gốc Việt sử dụng nên số lượng ít nhưng vẫn giúp gia tăng được lượng hàng xuất khẩu. 

Ông Châu nhấn mạnh: Về lâu dài cần nghiên cứu việc chế biến như xuất khẩu sầu riêng đông lạnh để bán dần trong thời gian hết mùa, chưa tới mùa cũng như chế biến thêm các sản phẩm được làm từ sầu riêng. Việc nghiên cứu này phải do nhà nước chủ trì và thực hiện. Riêng với người nông dân thì cần phải thực hiện việc thu hoạch đúng chuẩn, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Về kỹ thuật thì người nông dân VN rất giỏi nhưng phải nghiêm túc thực hiện việc thu hoạch đúng độ chín. Bất kể sản phẩm trái cây nào mà đặc biệt sầu riêng thì có chất lượng mới chinh phục được người tiêu dùng.

Sầu riêng Việt Nam bất ngờ "soán ngôi" Thái Lan- Ảnh 16.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.