Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Đắng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO) khi đề cập đến hoạt động cấp nước an toàn và công tác dịch vụ khách hàng của SAWACO trên địa bàn TP.HCM.
- Thưa ông, trong thời gian giãn cách xã hội, tình hình của khách hàng sử dụng nước sạch sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM có những biến động gì?
Ông Nguyễn Văn Đắng |
VĂN BÍCH |
Ông Nguyễn Văn Đắng: Đại dịch Covid-19 xảy ra kèm theo đó là các đợt giãn cách xã hội kéo dài, SAWACO và các đơn vị thành viên đã hết sức nỗ lực để đảm bảo sản xuất ổn định, cung cấp nước an toàn, liên tục cho người dân thành phố, các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến…
Trong hoạt động kinh doanh nước sạch, đơn vị cấp nước cần tiếp cận đồng hồ nước tại nhà khách hàng mỗi tháng 1 lần để kiểm tra và ghi nhận chỉ số đồng hồ nước. Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 khiến cho việc tiếp cận đồng hồ nước không thực hiện được. Các đơn vị cũng đã lường được vấn đề này nên đã triển khai việc nhờ khách hàng đọc chỉ số tiêu thụ, tuy nhiên cũng còn hạn chế do nhiều khách hàng không xác định được đầu mối liên hệ.
Vì vậy, đơn vị cấp nước phải xác định lượng tiêu thụ hằng tháng của khách hàng theo phương pháp giả định từ trung bình 3 kỳ gần nhất trước đó. Bản thân phương pháp giả định mang rủi ro sai số, sai số càng lớn hơn do thời gian giãn cách kéo dài, những kỳ sau chồng thêm sai số ở kỳ trước. Sau thời gian giãn cách, các đơn vị cấp nước tiếp cận ghi nhận chính xác chỉ số đồng hồ nước xảy ra nhiều trường hợp có chỉ số tiêu thụ cao hơn hoặc thấp hơn so với lượng nước đã lập hóa đơn các kỳ trước đó.
Đáng chú ý, ghi nhận nhiều khách hàng có chỉ số tiêu thụ tăng cao chủ yếu do bể ống trong (sau đồng hồ nước) rò rỉ (bể ngầm), phao bồn nước, bồn cầu bị hư, quên tắt vòi nước... Thông thường, nhân viên đọc số hằng tháng nếu thấy chỉ số tiêu thụ tăng cao sẽ khuyến cáo khách hàng kiểm tra hệ thống ống trong (sau đồng hồ nước), qua đó phát hiện hư hỏng, rò rỉ và sửa chữa kịp thời.
Do giãn cách xã hội, không đọc được chỉ số đồng hồ nước nên việc rò rỉ hệ thống ống trong chậm phát hiện. Mặt khác, việc chậm phát hiện rò rỉ ống trong còn do có một số lượng nhà đóng cửa không ở để về quê, ngưng kinh doanh, trong khi đó áp lực nước trong thời gian giãn cách tăng do ngừng hoạt động kinh doanh, sản xuất.
- SAWACO và các đơn vị thành viên của SAWACO quan tâm giải quyết, tháo gỡ như thế nào?
Nhân viên Xí nghiệp cấp nước sinh hoạt nông thôn (thuộc SAWACO) gắn mới |
Với trường hợp ghi nhận chỉ số tiêu thụ cao hơn so với lượng nước đã lập hóa đơn các kỳ trước đó, thực hiện phân bổ lại định mức, điều chỉnh đơn giá tiền nước tương ứng với số kỳ đã tính trung bình, nhằm tính lại chính xác lượng nước theo đơn giá trong định mức và vượt định mức, không để khách hàng bị thiệt hại do dồn chỉ số tiêu thụ nước.
Với trường hợp ghi nhận chỉ số tiêu thụ thấp hơn so với lượng nước đã lập hóa đơn các kỳ trước đó, các đơn vị chủ động liên hệ khách hàng để thống nhất việc giữ chỉ số đến khi khách hàng sử dụng vượt quá hoặc hoàn tiền theo yêu cầu của khách hàng.
Với trường hợp ghi nhận chỉ số tiêu thụ tăng cao do bể ống trong, các đơn vị giải quyết từng trường hợp cụ thể theo quy trình giải quyết khiếu nại khách hàng, căn cứ tình hình thực tế theo hướng giảm giá cho khách hàng, tạo điều kiện cho khách hàng thanh toán bằng hình thức trả góp nhiều đợt.
Quyết định 20/2007/QĐ-UBND, ngày 9.2.2007 của UBND TP.HCM về ban hành Quy định về cung cấp, sử dụng nước và bảo vệ công trình cấp nước trên địa bàn TP.HCM quy định:
Điều 20. Hệ thống dẫn nước sau đồng hồ nước
Việc thiết lập hệ thống dẫn nước sau đồng hồ nước do khách hàng tự thiết kế, lắp đặt và chịu trách nhiệm về chất lượng trong trường hợp nước sử dụng bị ô nhiễm từ bể chứa, đường ống nội bộ và về khối lượng nước bị thất thoát, rò rỉ trong sử dụng do đường ống nội bộ bị bể, thiết bị vệ sinh hư hỏng. Đơn vị cấp nước không chịu trách nhiệm lắp đặt, sửa chữa, cải tạo hệ thống dẫn nước sau đồng hồ nước.
Bình luận (0)