(TNO) 'Bóng đá Việt Nam phải làm gì để lấy lại niềm tin?', đó là câu hỏi mà một phóng viên truyền hình đặt cho tôi sau khi xảy ra cái 'màn trò biết trước' ở CLB Đồng Nai. Và tôi đã từ chối trả lời, vì với bóng đá Việt Nam chưa bao giờ hai chữ 'niềm tin' trở nên cũ rích và phát ngấy như lúc này.
>> Bắt khẩn cấp 6 cầu thủ Đồng Nai
>> Cầu thủ Đồng Nai tự... bán mình
>> Chùm ảnh các cầu thủ Đồng Nai bị triệu tập vì nghi ngờ bán độ
|
15 năm trước, khi các cầu thủ của "thế hệ vàng" Bóng đá Việt Nam thua một trận chung kết Tiger Cup đáng ngờ trên sân Hàng Đẫy - một trận thua mà người thạo việc đều biết hiểu là "vì sao thua" nhưng không đủ bằng chứng để đưa mọi thứ ra ánh sáng thì người ta đã nhắc tới hai chữ: niềm tin.
9 năm trước, khi diễn ra vụ 7 tội đồ bán độ ở đội tuyển U.23 Quốc gia thì người ta lại nhắc đến hai chữ: niềm tin. Và ba tháng trước, khi 9 cầu thủ V.Ninh Bình làm kèo ở AFC Cup và ông chủ Ninh Bình "vin" vào đó để giải thể đội bóng thì hai chữ ấy lại được nhắc đến.
Và bây giờ, lại là hai chữ ấy, lại là "niềm tin".
Rốt cuộc thì "niềm tin" là cái quái gì? Là cái đinh cùn gỉ nào thế? Xin đừng máy móc nhắc lại câu hỏi "phải làm gì để lấy lại niềm tin?" khi mà từ rất, rất lâu rồi người ta đã chẳng còn niềm tin để... mất.
Tôi nhớ, vụ bán độ ở đội tuyển U.23 hồi trước, khi thông tin từ cơ quan điều tra manh nha cho biết trong danh sách 7 tội đồ có cái tên Quốc Anh - một cầu thủ có gương mặt thánh thiện, có lối sống và lối đá ngoan ngoãn, hợp lòng người thì một tờ báo điện tử đã giật một cái tít rất trúng: "Bóng tối dưới chân đèn!".
Tôi lại nhớ, khi người ta phát hiện ra kẻ chủ mưu trong vụ "làm kèo" ở Ninh Bình là Trần Mạnh Dũng - cũng là cầu thủ nhã nhặn và ngoan ngoãn, là người Việt Nam đầu tiên (và có lẽ là duy nhất?) ghi bàn vào lưới CLB Arsenal danh tiếng... thì chính người thân sinh ra Dũng cũng không tin vào sự thật.
Còn bây giờ, khi đối tượng chủ mưu ở Đồng Nai là Phạm Hữu Phát - một một người chồng mẫu mực, một cầu thủ kỷ cương, một người đội trưởng được tất thảy lãnh đạo và ban huấn luyện tin yêu thì xem ra "bóng tối" không chỉ ở "chân đèn", mà đã ở ngay trong, ở chính giữa "ngọn đèn", nghĩa là ở cái nơi được giao chức năng phát sáng.
Thế đấy, bóng đá Việt Nam bây giờ, ngay cả những cầu thủ tưởng như đã nằm trong "vùng miễn nhiễm" cũng có thể "dính", thậm chí là "dính" nặng.
Tôi sẽ không làm lại cái việc cũ rích là đi tìm nguyên nhân cho thực trạng này, vì những nguyên nhân đã được chỉ ra từ rất lâu, sau rất nhiều vụ việc tương tự rồi.
Để kết thúc, tôi muốn kể lại một câu chuyện mà chính mình đã nghe, đã thấy và đã tham gia tỉ mỉ, đó là cách đây 2 năm, khi ban Tư vấn Đạo đức (TVĐĐ) mà tôi là một thành viên liên tục "tố" các trận đấu V.League "có vấn đề" thì chính những người cai quản V.League đã tìm mọi lý do phủ nhận.
Sau một nỗ lực lớn nhất của mình, khi ban TVĐĐ kiến nghị Ban Kỷ luật VFF trừ điểm CLB Sài Gòn Xuân Thành (giờ đã giải thể) thì phần đông dư luận đã vỗ tay (dĩ nhiên, là phần đông, chứ không là tất cả). Thế mà ở buổi tổng kết mùa giải năm ấy, một quan to VFF lại đứng lên trách ban TVĐĐ đã nhìn nhận sự việc một cách cảm tính, và theo vị này thì từ cái sự "cảm tính" ấy mà Sài Gòn Xuân Thành đã bị trừng phạt oan...
Hãy tin tôi đi, nếu ở trên "thượng tầng" vẫn có những tư tưởng lạ lùng này, hoặc giả là những hô hào theo kiểu: "phải xử mạnh, phải làm nghiêm" (nhưng thực chất chỉ là hô hào để lấy điểm cá nhân) thì tất yếu "hạ tầng" sẽ loạn.
Và trong cái từ trường hỗn loạn ấy, xin đừng đặt câu hỏi xưa như vũ trụ: "Phải làm gì để lấy lại niềm tin?", mà hãy dũng cảm đặt câu hỏi: Với chúng ta, rốt cuộc niềm tin là cái đinh gỉ gì?
Phan Đăng
Bình luận (0)