Đứng trước quầy thông tin tuyển dụng, anh Nạo Văn Thống (25 tuổi) vuốt phẳng phiu bộ hồ sơ xin việc, rồi quyết định ứng tuyển với mong mỏi tìm được việc làm tốt hơn. Chiếc balo sau lưng choáng gần hết nửa vóc dáng thấp bé của Thống, song không giấu được niềm hi vọng trong đôi mắt chàng trai Gen Z.
Anh Thống kể về ước mơ trở thành nhân viên văn phòng với mức lương đủ để nuôi sống bản thân và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn ngoài xã hội. Từ đó, anh sẽ có cơ hội được trả lại sự giúp đỡ từ những người xung quanh.
Để theo đuổi ước mơ, anh Thống đã nỗ lực từ quê nhà Ninh Thuận lên Tp. Hồ Chí Minh học cao đẳng công nghệ. Mặc dù hành trình tìm được công việc ổn định còn gian nan, song với tấm bằng cử nhân trên tay và kinh nghiệm làm hỗ trợ in ấn, chỉnh sửa ảnh… anh Thống vẫn luôn lạc quan vào cuộc sống phía trước.
“Sàn giao dịch việc làm dành cho người khuyết tật 2023” tổ chức ngày 27/10 tại TP.HCM, chính là nơi mà Thống cùng 350 lao động yếu thế khác tìm kiếm cơ hội về một công việc phù hợp hơn với năng lực và sức khỏe.
Tại đây, ngoài hơn 20 doanh nghiệp tuyển dụng lao động có tay nghề cho các vị trí: thợ may, kỹ thuật viên tin học, thiết kế đồ họa, chăm sóc khách hàng…, còn có 30 suất hỗ trợ đào tạo nghề cho những người khuyết tật đang tìm hướng đi sinh kế từ Tập đoàn SCG.
Anh Đoàn Ngọc Hoài Phong (46 tuổi), người đã kết nối các lao động yếu thế với doanh nghiệp dịp này cho hay, rất nhiều người khuyết tật mong mỏi “có thể tự lo được cuộc sống”. Là một người khuyết tật có sự nghiệp khá thành công trong các doanh nghiệp lớn tại Tp. Hồ Chí Minh, anh Phong đã dành hơn 10 năm qua để kết nối, hỗ trợ cho những người yếu thế đang trăn trở với việc tìm kiếm một nghề phù hợp với sức khỏe và thể chất của mình.
Anh Phong hay anh Thống là những điểm sáng trong bức tranh đông đảo những người dễ tổn thương vẫn đang vật lộn đâu đó ngoài kia. Theo anh Phong, thiếu tay nghề chuyên môn và kỹ năng hòa nhập xã hội là 2 rào cản còn lớn hơn cả khiếm khuyết ngoại hình, khiến họ khó tìm được công việc ổn định. Do đó, anh đánh giá cao các chương trình hỗ trợ mang ý nghĩa “cho cần câu, thay vì cho con cá”, ví dụ như: đào tạo nghề phù hợp có thể làm đến suốt đời, sàn kết nối việc làm…
Việt Nam hiện có 6,2 triệu người khuyết tật (chiếm hơn 7% dân số), hơn 2/3 được xếp vào nhóm khuyết tật nhẹ và 18% đang sống ở các hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Điều này thúc đẩy Tập đoàn SCG với định hướng phát triển bền vững ESG 4 Plus, hợp tác với Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM cho dự án cộng đồng để thực hiện các nỗ lực giảm bất bình đẳng có tầm nhìn và quy mô lớn hơn.
Theo thỏa thuận hợp tác, cả hai bên đặt mục tiêu phát triển cộng đồng bền vững, tạo điều kiện cho người khuyết tật được học nghề và tìm kiếm việc làm, hòa nhập xã hội. Các hoạt động hỗ trợ thiết thực và toàn diện sẽ bao trùm xuyên suốt từ tư vấn hướng nghiệp, đào tạo kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, kiến tập và tham quan thực tế nghề nghiệp… đến tìm việc làm cho học viên sau khóa đào tạo và đặc biệt là việc hỗ trợ tài chính để người học được chuyên tâm, học tập trọn vẹn để có nghề vững vàng và có được việc làm ổn định.
30 suất hỗ trợ tài chính và 350 phần quà vừa trao qua sàn, không chỉ khởi đầu cho một hành trình dài bền bỉ phía trước của hợp tác hai bên, mà còn nối dài dự án "SCG Learn to Earn - Trao tay nghề, tạo sinh kế" mà Tập đoàn SCG đã và đang thực hiện. Dự án hướng đến đào tạo nghề nghiệp, tiếp bước an sinh cho người yếu thế, nhằm giảm thiểu vấn đề bất bình đẳng xã hội.
Mô hình “Learn to Earn” đã được UNICEF hướng dẫn và khuyến nghị cho nhiều quốc gia để hỗ trợ an sinh cho người khuyết tật. Ngoài ra còn có nhiều tổ chức khác đã triển khai, ví dụ như Hiệp hội Doanh nghiệp ở Anh (NEBA) đã cung cấp 800 khóa học đào tạo về chuyên môn sản xuất, kỹ năng phỏng vấn, văn hóa hòa nhập vào nơi làm việc… để người khuyết tật có thu nhập bền vững.
Dự án “Learn to Earn” cũng đã được chứng thực mang đến hiệu quả, sau khi tập đoàn SCG trao hơn 1.300 suất hỗ trợ tài chính cho người yếu thế và ghi nhận trên 90% sau đào tạo đều tìm được việc làm ở 6 quốc gia. Tập đoàn SCG đã nhận được Giải thưởng Doanh nghiệp có trách nhiệm Châu Á 2023 (AREA) từ Enterprise Asia, hạng mục Đầu tư con người với dự án này.
Trước đó, vào tháng 5/2023, SCG đã hợp tác cùng doanh nghiệp xã hội Limloop phát động chiến dịch “Em và Ước mơ xanh” tại trường Nuôi dạy trẻ Khuyết tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với mục tiêu truyền cảm hứng và tạo động lực cho các em học sinh theo đuổi và biến ước mơ thành sự thật.
Mô hình “Trao tay nghề, tạo sinh kế” (“Learn to Earn”) của tập đoàn SCG cũng là đang chủ trương của UBND TP. HCM để tập trung hỗ trợ cho người yếu thế có được việc làm, ổn định cuộc sống. Chung tầm nhìn về vấn đề này, ông Chaturon cho biết, SCG sẽ tích cực chung tay với các bộ ban ngành và xã hội để giảm bất bình đẳng, tiếp bước an sinh cho người khuyết tật.
Đây là mô hình được kỳ vọng mô hình sẽ giúp người khuyết tật được nhìn nhận là lực lượng lao động có tiềm năng, có vai trò tích cực đối với xã hội, giải quyết việc làm cho người khuyết tật không chỉ giúp họ khẳng định bản thân, giá trị của mình với gia đình và xã hội, mà giúp họ tự tin hòa nhập, cống hiến cho sự phát triển chung của đất nước.
Giống như anh Phong hay anh Thống - được thức dậy đi làm mỗi ngày và có thu nhập ổn định mỗi tháng, khi nắm chắc trong tay những kỹ năng cần thiết, người khuyết tật có thể hòa nhập nếu được trao cơ hội đào tạo nghề, chạm tay đến một tương lai tươi sáng và bền vững hơn.
Nguồn: SCG Việt Nam
Bình luận (0)