Sẽ bị phạt những lỗi 'không ngờ tới'

Nguyên Nga
Nguyên Nga
03/05/2018 15:03 GMT+7

Ngoài lỗi chữ ký không đồng nhất bị phạt, các lỗi nhỏ về kế toán như ký sót trên chứng từ, lập chứng từ sót, lập chứng từ dư, ghi thiếu trên sổ kế toán… đều bị phạt theo quy định tại Nghị định 41/2018 vừa có hiệu lực đầu tháng 5 này.

Nhiều lỗi nhỏ trong kế toán sẽ bị phạt
Theo đó, có rất có nhiều lỗi nhỏ trong nghiệp vụ kế toán mà nếu sơ suất, sẽ bị phạt nặng bằng tiền. Cụ thể, mức phạt từ 5 - 10 triệu đồng được áp dụng thẳng tay cho những lỗi nhỏ vốn từng được xuê xoa khắc phục như: chữ ký không thống nhất với chữ ký mẫu; chứng từ kế toán không đủ chữ ký và chức danh; để hư hỏng, mất mát tài liệu, chứng từ kế toán đang trong quá trình sử dụng.
Mức phạt tăng lên từ 20 - 30 triệu đồng với các lỗi “lập sót”, tức không lập chứng từ kế toán khi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh. Hoặc lỗi “lập dư” nhiều lần chứng từ kế toán cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh. Hoặc chi tiền khi chứng từ chưa đủ chữ ký người có thẩm quyền. Ngoài ra, mức phạt từ 10 - 20 triệu đồng được áp cho các lỗi… áp dụng sai chế độ kế toán.
Theo một số luật sư thương mại, với các quy định “siết” của Nghị định 41, sẽ có những lỗi kế toán bị phạt mà ngay người phạm lỗi “không ngờ tới”. Chẳng hạn vào sổ kế toán không được ghi bằng bút mực, không ghi cách dòng, không gạch chéo phần trang sổ không ghi (theo thói quen), không thực hiện cộng số liệu trang trước sang đầu trang sau, không đóng thành quyền sổ riêng cho từng kỳ kế toán… sẽ bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng cho một lỗi. Nếu sổ kế toán không được ghi đầy đủ theo nội dung quy định, hay không in sổ kế toán ra giấy sau khi khóa sổ trên phương tiện điện tử, ký bằng mực đỏ nếu mực phai màu sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng…
Cá nhân có thể bị phạt đến 50 triệu đồng
Ngoài các lỗi nhỏ với mức phạt “nhỏ” trên, Nghị định đưa ra mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán lên tới 50 triệu đồng. Với các hành vi giả mạo báo cáo tài chính, khai man số liệu trên báo cáo tài chính nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo báo cáo tài chính, khai man số liệu trên báo cáo tài chính nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; cố ý, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự… sẽ bị phạt từ 40 - 50 triệu đồng.
Thực tế, tham khảo ý kiến một số doanh nghiệp và luật sư, đa số cho rằng cách “siết” này khiến doanh nghiệp (DN) có cảm giác bị tận thu. Luật sư Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Hãng luật IAM, cho rằng các hóa đơn, chứng từ thời nay có thể dùng công nghệ để lưu trữ tốt đặc biệt trong các trường hợp bị mất hay hư hỏng do hỏa hoạn, thiên tai… mà “đè ra để phạt” thì quá cứng nhắc, thiếu sự linh hoạt trong xu hướng công nghệ thông tin phát triển như hiện nay. Thứ nữa, việc gia tăng phạt, phạt, phạt tạo áp lực tâm lý cho DN hơn là bảo vệ đồng hành với DN bởi có những lỗi chỉ cần nhắc nhở hoặc chia sẻ chứ không phải chỉ áp biện pháp hành chính khô cứng.
“Nghị định này có nhiều quy định, định nghĩa đáng bàn sâu hơn như quy định về chữ ký không đồng nhất, quy định mực phai màu… mang nặng định tính cần xem xét cẩn trọng và minh bạch hơn”, luật sư Toản cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.