“Tôi rất mong trong năm 2013, bóng đá VN gặt hái được nhiều điều tốt và ít điều xấu” - ông Phạm Văn Tuấn (ảnh), Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) đã chia sẻ với Báo Thanh Niên xung quanh lộ trình phát triển của bóng đá VN.
Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến quá trình tìm kiếm HLV cho đội tuyển VN. VFF đã thực hiện đến công đoạn nào, thưa ông?
VFF đang xúc tiến công tác chuẩn bị cho trận đấu giao hữu đầu tiên của đội tuyển VN vào đầu tháng 2.2013 với một CLB Hàn Quốc và ngay sau đó là 2 trận của vòng loại Asian Cup. Chúng tôi đã liên hệ với một số HLV trong nước và đạt được thỏa thuận bước đầu để có thể công bố vào cuối tuần này hoặc sang tuần sau. Mong muốn cao nhất của VFF là HLV nội này phải chuyên trách và sẽ ký hợp đồng dài hạn, nếu được sẽ kéo dài đến cả SEA Games 28 năm 2015. Theo tôi, không nhất thiết đánh giá tài năng của một HLV chỉ chăm chăm dựa vào việc HLV này đã từng đoạt chức vô địch nào đó, mà phải căn cứ vào quá trình làm việc của ông ta ở một CLB, dù CLB đó gặp phong ba thế nào vẫn đứng vững. HLV nội mà VFF chọn ngoài trình độ chuyên môn, còn phải có khả năng cập nhật thông tin huấn luyện tiên tiến thế giới, có ngoại ngữ, có cá tính, dám chịu trách nhiệm và khả năng tập hợp cầu thủ. VFF đã có người ấy rồi.
Tìm một HLV ngoại vào lúc này là rất khó vì chọn được người phù hợp không hề đơn giản. Tôi không hiểu sao, HLV nội lại tự ti, sợ gặp nhiều rủi ro khi nhận trách nhiệm ở đội tuyển, mà đây là công việc rất vinh dự, không phải ai muốn cũng làm được. Chúng ta phải hiểu rằng, HLV đội tuyển quốc gia, đặc biệt ở VN là một vinh dự vô cùng lớn. Đương nhiên, đã là HLV tuyển quốc gia thì luôn phải đối mặt với rủi ro, nhưng nếu có sự cố xảy ra, VFF sẽ có trách nhiệm cùng HLV đó giải quyết mọi bất trắc. Muốn HLV thành công, ngoài năng lực còn phải có cả sự đồng lòng của người hâm mộ và đặc biệt được tạo điều kiện làm việc tốt nhất, được cầu thủ ủng hộ tuyệt đối.
|
Thưa ông, nghĩa là trong tương lai gần, chúng ta tạm “quên” việc mời HLV ngoại?
HLV ngoại cũng có những cái hay nhưng cũng có những điểm chưa tốt. Tôi đã yêu cầu Ban Tổng thư ký VFF và Hội đồng HLV quốc gia đánh giá lại hai mặt của việc sử dụng HLV ngoại suốt 10 năm qua. Muốn có cái nhìn đầy đủ, toàn diện về HLV ngoại, phải tổ chức một cuộc hội thảo lớn, quy tụ những ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia bóng đá giỏi tại VN, của các nhà khoa học. Và cũng từ hội thảo này, chúng ta phải tìm cho được trường phái bóng đá VN hiện nay là gì? Hay nói một cách đơn giản, đó là lối chơi gì. Theo tôi nghĩ, lối chơi này phải phù hợp với nền văn hóa VN, hay, đẹp, kỹ thuật.
|
Tôi còn nhớ 20 năm trước, Nhật Bản đã dựng tượng đài danh thủ Zico và kiên định đi theo trường phái bóng đá Nam Mỹ mà Zico mang đến. Còn VN cứ quanh quẩn suốt một thập kỷ qua, khi thích trường phái Nam Mỹ thì mời HLV Brazil như Dido, Tavarez; lúc thích châu Âu nhưng theo kiểu Đức lại mời Weigang, Goetz; theo kiểu Pháp thì có Letard; theo kiểu Anh có ngay Colin Murphy, và hiện tại lại có ý kiến hay là theo Nhật? Vậy thì, suốt thời gian dài qua, chúng ta đã để lãng phí.
Đã đến lúc chúng ta phải xác định được rõ lối chơi nào phù hợp với thể trạng, tầm vóc cầu thủ VN. Chỉ khi rõ ràng trường phái, mới vạch ra một lộ trình phù hợp với bóng đá VN. Sau đó, phải có sự chỉ đạo thống nhất, kiên định từ việc chọn giám đốc kỹ thuật, HLV đội tuyển, đến HLV các CLB, xuyên suốt từ cấp độ đội tuyển, đến U.23, U.19, U.17... Tôi lấy ví dụ, đội tuyển quốc gia vài năm tới sẽ sử dụng lứa cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai Arsenal hiện tại, mà lứa này đang theo đuổi lối đá hào hoa, thiên về tấn công. Nếu VFF chọn một HLV đội tuyển lại thiên về phòng thủ, liệu có hợp? Vì thế, cần kiên định mục tiêu này, tối thiểu trong 10 năm. Phải kiên trì thực hiện, không thể thất bại là thay đổi. Cái thay đổi ở đây là tư duy và cần có sự quản lý hệ thống bóng đá mang tính xuyên suốt.
Vậy theo ông, để cấu trúc lại nền bóng đá VN, chúng ta đã có những gì và còn thiếu những gì?
Bóng đá VN đã thất bại ở AFF Cup rồi thì không nên nóng vội. Tôi rất hiểu người hâm mộ luôn trông đợi phải có thành tích ngay, nhưng muốn có thành tích bền vững thì phải thay đổi cấu trúc cả một nền bóng đá một cách khoa học, bài bản.
Chiến lược bóng đá VN đòi hỏi 4 nhiệm vụ chính, và 4 nhiệm vụ đó phải thành một thể gắn kết, không thể tách rời: 1. Đào tạo trẻ. 2. Giải vô địch quốc gia mạnh. 3. Nâng chất lượng đội tuyển quốc gia. 4. Sự hòa nhập với bóng đá quốc tế. Trong thế giới phẳng này, bóng đá VN cần phải có quan hệ rộng, sâu với các tổ chức bóng đá quốc tế, để tiếp thu những tinh hoa từ họ và sau đó, chúng ta chắt lọc để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế của VN.
Kế hoạch của đội tuyển VN trong năm 2013 Từ ngày 23.1, tập trung đội tuyển nam với 25 cầu thủ (nòng cốt là U.23 tăng cường 5-7 tuyển thủ QG). Ngày 31.1 đá với Ulsan Huyndai (Hàn Quốc). Ngày 6.2 đá với UAE (vòng loại Asian Cup 2015), ngày 22.3 đá với Hồng Kông (vòng loại Asian Cup 2015), ngày 7.6 giao hữu với Ấn Độ, ngày 11.6 đá với CLB Guingamp (Pháp), ngày 20.9 đá giao hữu với Trung Quốc, ngày 11.10 đá giao hữu lượt về với Ấn Độ, ngày 15.10 thi đấu với Uzbekistan (vòng loại Asian Cup), ngày 25.10 đến 3.11 thi đấu Cúp truyền hình Bình Dương (BTV Cup), ngày 15.11 thi đấu với Uzbekistan (trận lượt về vòng loại Asian Cup), ngày 19.11 đá với UAE (lượt về vòng loại Asian Cup 2015), tháng 12 thi đấu SEA Games 27 (U.23). (T.K) |
Lan Phương
(thực hiện)
>> Bóng đá Việt Nam 2013: Trẻ hóa và "vàng" SEA Games!
>> Bóng đá Việt Nam bỏ xa Thái Lan 41 bậc
>> Thắng lợi ban đầu của bóng đá Việt Nam
>> Bóng đá Việt Nam vượt mặt Thái Lan
>> Vì trái tim bóng đá Việt Nam
Bình luận (0)