Từ năm 2008, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là trường ĐH đầu tiên của cả nước được Bộ GD-ĐT cho phép thành lập Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK-Holdings). ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đang xây dựng dự thảo quy định về thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) trong trường ĐH.
ĐH này hiện có trên 40 trung tâm nghiên cứu KHCN và cả trăm phòng thí nghiệm. Đây là ĐH đầu tiên của cả nước có doanh thu KHCN lớn hơn mức đầu tư ngân sách nhà nước cho hoạt động này (tỷ lệ 1/1,07) với trên 1.000 sản phẩm có thể thương mại hóa. Việc cho phép thành lập doanh nghiệp sẽ tạo môi trường phát triển tốt hơn cho hoạt động nghiên cứu và chuyển giao thành tựu KHCN. Theo PGS-TS Huỳnh Quyền, Phó trưởng ban KHCN ĐH Quốc gia TP.HCM, việc thành lập doanh nghiệp xuất phát từ nhu cầu thực tế.
PGS-TS Mai Thanh Phong, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết trường đã có đề án chuyển đổi Trung tâm nghiên cứu công nghệ và thiết bị công nghiệp sang mô hình doanh nghiệp, ĐH này đã ra quyết định phê duyệt từ vài năm trước nhưng đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa thành lập được. Ông Phong cho biết doanh nghiệp sẽ tập trung chủ yếu vào hoạt động nghiên cứu khoa học và thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu chứ không tham gia đào tạo nhưng sẽ tác động tới đào tạo, tạo môi trường và thúc đẩy quá trình nghiên cứu của sinh viên cũng như giảng viên.
Trong khi đó, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết dự kiến đầu năm 2017 trường sẽ ra mắt một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung ứng nhân lực.
Bình luận (0)