Trao đổi với phóng viên trong buổi kiểm tra cụm thi tại Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết có sẽ hướng dẫn cụ thể, barem chi tiết giúp việc chấm thi thuận lợi, đảm bảo công bằng.
Ngay sau khi thí sinh thi xong, các trường bắt tay vào việc chấm thi - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Các trường bắt đầu công tác chấm thi. Đây là khâu rất nhiều thí sinh (TS) quan tâm và lo ngại về độ công bằng giữa các địa phương. Bộ sẽ có những biện pháp gì để chấm thi nghiêm túc, công bằng?
Chúng ta tổ chức thi nghiêm túc thì việc chấm thi không có gì phải lo ngại. Việc chấm thi đã có quy định rất chặt chẽ, kỷ luật nghiêm khắc nên không ai có thể làm khác được. Một điểm đặc biệt của việc chấm thi năm nay là Bộ bắt buộc giáo viên chấm thi phải do giám đốc các sở GD-ĐT giới thiệu chứ không phải do các trường chỉ định. Giám đốc sở sẽ phải có cam kết và chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Tuy năm nay cấu trúc đề thi có khác các năm, nhưng trong hướng dẫn chấm thi sắp tới Bộ cũng sẽ công bố barem chấm rất chi tiết, giúp việc chấm thi thuận lợi.
Sau khi chấm thi, các trường sẽ bắt đầu xét tuyển. Quá trình xét tuyển cũng khác so với mọi năm, Bộ có lường trước hết những rắc rối phát sinh không, thưa ông?
Bộ đã lường trước hết các phát sinh. Hình thức xét tuyển năm nay khá mới tuy nhiên sẽ có rất nhiều thuận lợi cho TS và các trường. TS biết kết quả rồi mới nộp hồ sơ thì số lượng TS vào các trường sẽ ít ảo hơn trước. Trước đây, có nhiều TS đã trúng tuyển trường này vẫn tiếp tục nộp hồ sơ trường khác mà chúng ta không quản lý rốt ráo được điều này. Còn năm nay, TS đã trúng tuyển rồi chắc chắn sẽ không thể tiếp tục xét tuyển vào trường khác nữa.
Nhiều trường ĐH băn khoăn liệu có thể sử dụng phần mềm riêng của các trường trong việc xử lý dữ liệu của TS hay không?
Hiện nay Bộ đã xây dựng một phần mềm chung để phục vụ cho việc xử lý cơ sở dữ liệu của TS trong việc chấm thi và xét tuyển của các trường. Hiện nay phần mềm đánh phách của Bộ đã mở, các trường có thể sử dụng ngay phần mềm này trong chấm thi. Tuy nhiên, một số trường ĐH cũng có đội ngũ công nghệ thông tin rất tốt, có thể tự viết phần mềm phục vụ riêng cho TS của trường mình. Vì vậy, Bộ quyết định không bắt buộc các trường phải sử dụng phần mềm chung của Bộ mà có thể dùng phần mềm của trường mình.
Tuy nhiên, các trường buộc phải tuân thủ một số quy định, quy chế nếu sử dụng phần mềm riêng. Điều quan trọng hơn là các phần mềm này phải tuân theo nguyên tắc về cơ sở dữ liệu của phần mềm chung để đến khi đưa vào phần mềm chung của Bộ thì phải tương thích ngay, không bị “lệch”.
Ngày 20.7, Bộ sẽ mở cơ sở dữ liệu chung để các trường có thể hòa dữ liệu của riêng mình vào phần mềm chung của Bộ.
Cả nước có 334 TS bị xử lý kỷ luật
Báo cáo nhanh từ Bộ GD-ĐT, kết thúc ngày thi thứ 2, số TS bị xử lý kỷ luật tăng đột biến. Trong buổi thi môn văn, cả nước có 320 TS bị xử lý, trong đó có 298 bị đình chỉ thi. Buổi chiều với môn thi vật lý, cả nước có 14 TS bị đình chỉ thi. Trong khi đó, ở ngày thi đầu tiên cả nước chỉ có 31 TS bị đình chỉ thi. Đến thời điểm này, chưa có cán bộ coi thi bị xử lý kỷ luật.
Cũng theo báo cáo trên, tổng số TS dự thi môn văn là 928.949 TS (chiếm 99,03%) và môn vật lý là 463.182 (chiếm 98,26%).
H.A - Q.H
|
Bình luận (0)